Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78192 Lượt xem

MIỆNG LƯỠI THẾ GIAN

 

Thế rồi, bất cứ lúc nào ông cũng nhiếp tâm vào đề mục hơi thở. Nhiều người quen biết, gặp ông ở chỗ này chỗ kia, đôi khi giở nón chào, đôi khi đưa tay vẫy, đôi khi mở miệng cười, đôi khi mấy lời chào hỏi… nhưng thấy ông dường như không hay, không biết gì cả, họ rất khó chịu, bực mình. Một số người thân quen, cảm thấy bất bình vì ông “bất cận nhân tình”, chẳng lịch sự một chút nào cả. Họ phản ảnh với bà, với mẹ cô Diệu:

– Bà ơi! Mấy lần chào hỏi ông bác sĩ, ông chẳng ừ hử, ì à gì hết, cư dông xe đi tuốt! Tâm ông cứ để đâu đâu, coi chừng có ngày bị xe cán; coi tuồng như ông nhà nhà ta đang dở tỉnh, dở điên đó!

Về nhà chưa kịp thay áo quần, bà đã nói:

– Nè! Người ta nói ông điên đó!

Ông cười cười:

– Ai nói?

– Mấy người quen gặp ông giữa đường đó!

– Thì ít ra bà cũng cho tui biết đầu đuôi họ nói tui ra làm sao đã chớ?

– Họ nói, ông ra đường mà cái bản mặt cứ “gầm gầm”. Ai chào, ai hỏi gì ông cũng chẳng ừ hử!

Dzậy đó ha! Ông mỉm cười – Ai đi giữa đường mà không nói chi cả, đều là người điên hay sao? Họ chào hỏi nhưng tui không thấy, không biết thì làm sao tui trả lời? Trách tui sao được!

– Tu, mà cứ hằm hằm mà tu, cũng là đồ điên đó!

Ông trầm tĩnh, chậm rãi giải thích:

– Lẽ thường, người điên có những triệu chứng như nói lầm bầm trong miệng, nói bá vơ, cười khóc thất thường; còn tôi đi ngay, đứng thẳng, không xẹo, không xiêng, tâm ý chính đính, không dòm ngó ai,  dzậy mà người ta bảo tui điên thì thế gian này điên đảo thiệt rồi!

Bà liếc xéo, ngún nguẩy:

Tui không lý sự với ông! Người ta bảo ông điên thì tui chỉ nói lại là ông điên mà thôi!

Chuyện cũng qua, nhưng tự nhiên ông thấy thấm thía bài học, tự nghĩ thầm:“Cuộc đời này ta cảm biết bắt đầu khó sống rồi! Thật là miệng lưỡi thế gian. Với những người xung quanh ta mà như dzậy đó, thì ta biết nói chuyện gì? Mà không giống họ, ta tỉnh hơn họ thì họ bảo ta điên! Ối, trời đất!”

Có một buổi tối, mấy bà bạn của bà đến thăm. Thấy bà buồn rầu, than thở ỉ ôi, họ khuyên bà trang điểm cho đẹp, mặc áo quần cho gợi cảm, cho mát mẻ, xức nước hoa cho thơm tho vào rồi lên tận cốc, phải nói những lời thiết tha, để quyến dụ ông nối lại tình xưa nghĩa cũ!

Bà thiệt thà nói:

Tui biết nói lời gì?

Các bà xôn xao:

– Lời ong, lời bướm đó…

– Là những lời thuở trước trong phòng the đó, để ổng nhớ lại…

Lâu lắm, bà thở ra:

Ổng đàng hoàng lắm, lúc nào cũng nghiêm nghiêm cẩn cẩn; nói ba cái lời khó nghe đó, ngó bộ ổng càng ghét thêm…

Mèn ơi! Không thể đâu, không thể nào như dzậy đâu! Cái giống“đàn ông đàn ang” thì thường là “một giuộc” như nhau cả thôi! Ông nào mà không muốn nghe lời thủ thỉ thù thì mê ly bên gối…! Chính bà đã không biết nói lời dụ dỗ phong tình nên sổng mất ổng đó nghen!

Họ xúm vào nói một hồi bà nghe cũng xuôi tai. Rồi họ còn cẩn thận dặn lui, dặn tới là phải nói những câu như thế nầy, như thế kia nữa…

Bà gật đầu, nghe theo.

Đêm đó, đã khuya, nơi cái thất yên tĩnh tại vườn chùa, đang quán niệm hơi thở, ông chợt nghe có tiếng động nhẹ.

–        Ai đó?

Hỏi  hai ba  tiếng  vẫn không  nghe trả lời. Lát sau,

bà  cất giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng, tha thiết:

Tui đây ông ơi! Thương nhớ ông quá, tui lên thăm ông đây! Tội nghiệp tui mà!

-“ Chà!” Ông nghĩ “Khó lòng rồi đây!”

Bà tiếp tục thỏ thẻ:

Tui “cắn cỏ ngậm vành” lạy ông! Đêm khuya canh vắng, vò võ một mình! Hãy thương lấy tui đơn chiếc! Nhớ ông quá mà! Nhớ vòng tay cứng cáp của ông! Nhớ hơi thở của ông! Nhớ mùi mồ hôi của ông! “Cây mà không liền cành, chim mà không liền cánh” thì tui thà chết đi, chứ đời tui không thể thiếu ông được! Ông ơi! Tui chết mất!

Trong liêu cốc, ông cũng la thầm trong bụng: “Chết rồi! Kiểu này, tình cảm mà sít-sìn-sịt như dzậy thì không còn nói chuyện phải trái gì được nữa cả! Muốn bảo vệ sự an toàn, ba mươi sáu chước,“tẩu vi thượng sách!”(1) Thế rồi, ông vội mở nhanh cánh cửa, phóng tuốt đến chùa, bất kể gai góc, lùm bụi; gõ dồn dập liêu thất của Sư Cả, xin được vào “tỵ nạn”.

Vị Sư Cả hỏi tự sự đầu đuôi. Khi rõ chuyện, ông sư già cười ha hả:

– Hiếm có! Hiếm có! Tu như vậy mà không đắc đạo thì thế gian này, ai đắc đạo? Cứ ở đó, để tôi đi khuyên bảo cho! Ông có giác ngộ, giải thoát mới cứu độ bà nhà được chớ ? Vô lẽ cứ rủ rê nhau chui mãi vào trong cái vòng lưới ái ân duyên nghiệt ấy? Sáu đứa con rồi mà chưa biết đủ hay sao?

Vị Sư Cả cầm đèn đi một lúc, trở về, bảo là bà chắc đã về nhà rồi, không thấy ở đó! Chợt dưng, bây giờ tỉnh táo lại, ông nghĩ đến một chuyện: “Lạ! Suốt đời, bà không bao giờ nói những lời bậy bạ đó! Khi bà giận thì bà nói cộc lốc, một cục, một hòn kia; không thế thì bà im lặng, im lặng hoặc “chưởi chó mắng mèo”, hoặc “quăng thúng đụng nia” kìa! Nếu không tại mình cắt gánh “nửa chừng xuân” thì bà thuộc loại đoan trang, hiền thục! Vậy, đích thị là bà bị ma vương mớm ý, mớm lời để dụ dỗ ta thật sự rồi!”

Ông liền kể lại điều ông vừa nghĩ trong bụng cho Sư Cả nghe. Ngài Sư Cả gật gù:

– Có thế chớ! Dẫu sao, tôi thấy bà nhà cũng thuộc loại đoan chính đó! Chắc là ma vương thật sự rồi! Đức Phật mà nó cũng còn cả gan dụ dỗ nữa, huống hồ là ông! Vậy thì hãy tinh tấn mà viễn ly thêm nữa! Gia đình là cái ổ phiền não muôn đời mà!

Ông lạy tạ và cảm ơn Sư Cả đã có lời động viên, sách tấn; sau đó, trở về cốc, không nghĩ gì nữa, ông lại hành thiền tiếp!

 


(1) Nghĩa: Bỏ chạy là thượng sách.