Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 77983 Lượt xem

THẮP LỬA TÂM LINH

(Cuộc Đời Và Hành Trạng Của Ngài Hộ Tông

Sơ Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam)

 

TÁC GIẢ: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

 

THỜI TẠI GIA

(1893-1940)

 

 

CHỈ LÀ MỘT CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

 

Tại vùng đồng ruộng trù phú, xanh tươi, bạt ngàn sông nước thuộc làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Nam, Nam Việt (1), có một gia đình khá giả là ông Lê Văn Nhu và bà Đinh Thị Giêng đã xuất sinh được một người con trai, mà sau này, vị ấy trở thành khai tổ của Phật giáo Theravāda Việt Nam.

Đấy là ông Lê Văn Giảng, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1893, là con trưởng trong gia đình có sáu người con, gồm ba anh em trai(2)và ba chị em gái.

Cũng giống như các gia đình thuộc giai cấp trung lưu thời ấy, ấu thơ, ông được học Hán văn và Việt ngữ tại trường tiểu học ở quê nhà. Năm 1913, lúc hai mươi tuổi, sau khi lấy xong bằng Primaire(3), ông phải theo gia đình sang sinh sống tại Nam Vang; vì thân phụ của ông, lúc ấy, làm chủ một chiếc ghe thương hồ hằng bán buôn xuôi ngược giữa Biển Hồ (Tonlé Sap) và Nam Kỳ, cảm thấy đời sống Việt kiều ở Phnôm-Pênh dễ chịu hơn. Tại đây, ông được thân phụ gởi cho học tại trường trung học Sisavatt (Collège Sisavatt). Cũng trong năm này, ông bị mẹ bắt ép lập gia đình vì bà muốn thấy con trai trưởng có đôi, có lứa. Nghe lời mẹ, ông lập gia thất với cô Võ Thị Nhung. Cô Nhung sinh ngày 5 tháng 10 năm 1898, tại Chrui Changvar, nghĩa là lúc ấy cô mới mười lăm tuổi. Cha cô là Võ Thành Hảo, làm Lý trưởng một làng của cộng đồng người Việt ở đó; mẹ cô là bà Nguyễn Thị Hậu, làm nghề buôn bán. Có bạn đời rồi nhưng sự học của ông vẫn không bị ảnh hưởng. Đang vừa hết năm thứ hai thì ông đã có con trai đầu lòng. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và trách nhiệm của người cha, ông xin làm giáo viên tập sự tại trường Tiểu học Doudart de Lagrée để có đồng lương đỡ đần cho vợ, cho con. Năm sau, được thuyên chuyển đến một ngôi trường ở thành phố Kompong Cham để thay thế thầy giáo Ung Pok. Không được bao lâu, nghĩ đến đồng lương giáo viên tập sự bọt bèo, ông âm thầm làm đơn thi vào ngạch thư ký. Thế là vào ngày 18 tháng 01 năm 1915, ông được trúng tuyển hạng 6 kỳ thi này, bèn làm đơn xin nghỉ việc giáo viên và được chấp thuận bằng nghị định số 211 ngày 17 tháng 2 năm 1915 của Sở Giáo Huấn. Trở lại Phnôm-Pênh, ngày 4 tháng 10 năm 1915, ông gởi đơn lên tòa Khâm Sứ tối cao xin làm thư ký trong ngành hành chánh. Tại đây, với ngạch thư ký phù động hạng Ba, ông làm việc tại Pursat được ba năm, rồi lại xin nghỉ việc nữa. Vào ngày 10 tháng 10 năm 1918, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Thú y Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1922, sau bốn năm học hành, tốt nghiệp, ông trở lại Phnôm-Pênh, bắt đầu sống bằng nghề mới của mình vào ngày 21 tháng 8 năm đó(4) thuộc ngạch y sĩ thú y tập sự.

Chỉ hơn một tháng sau, do làm việc tận tâm, mẫn cán và trung thực, như nhận xét của cấp trên, ông được thăng trật, sau đó, vào ngày 01 tháng 10 năm 1922, ông đi nhậm chức tại tỉnh Siêm-Riệp với ngạch y sĩ thú y phù động hạng Năm. Chỉ hơn một năm, vào ngày 26 tháng 9 năm 1923, ông lại được thăng ngạch trật lên hạng Tư rồi đổi đi làm việc ở tỉnh Svay- Riêng, giáp ranh biên giới Nam Việt.

Đến lúc này, năm 1923, ba mươi tuổi, ông đã có đủ địa vị, tài sản, có chức có phận, có nhà cửa, có xe và có tài xế riêng; cuộc sống gia đình dư dả, ổn định. Tại Phnôm-Pênh, ông tậu thêm một sở nhà rồi mời ông bà thân đến ở, thuê người phục dịch để ông có dịp cưu mang, phụng dưỡng mẹ cha. Tuy nhiên, ông muốn để cho hai thân được tự do, lúc ông bà muốn yên tịnh thì ở một mình hoặc sang sống chung với con cháu thì họ cứ tùy nghi.

Làm việc tại tỉnh Svay-Riêng được ba năm, ông gặp lại một người bạn Pháp, sếp của sở Kinh lý; mỗi chiều thứ bảy, ông sếp Tây này rủ ông về Sài Gòn chơi. Nể tình, và cũng ngại mất lòng bạn, ông nhận lời. Thế rồi, như bao trai thanh niên có tiền có bạc khác, ông theo bạn đi vào con đường vui chơi hưởng thụ. Tuy nhiên, được cái, ông Tây là người trí thức, thanh lịch mà ông cũng là người đàng hoàng, mô phạm. Họ ăn ở tại khách sạn sang trọng; và chỉ mời ca-ve, vũ nữ đến ca hát, nhảy múa, ăn uống vui giỡn no say rồi trả các cô về.

 


CHÚ THÍCH

(1) Trong hồ sơ lý lịch được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Campuchia, ghi nơi sinh là ở Chrui Changvar – có lẽ vì lý do hành chánh cho hợp lệ.

(2) Con kế Lê Văn Hùng, sau này buôn bán cá khô ở Phnôm Pênh; con út là Lê Văn Hăng, làm thợ kim hoàn ở Takéo.

(3) Tương đương Tiểu học bây giờ, nhưng trình độ vững chắc hơn nhiều, có thể đi làm việc với đồng lương đủ sống

(4) Tư liệu này được lấy từ bài viết của tiến sĩ Pascal Bourdeaux, trường Cao đẳng thực hành Ephe Paris – phụ trách chương trình hợp tác Việt Pháp về tôn giáo. Viêt dịch: TS Trần Thị Ngọc Bích – TS Lê Văn Năm – có đăng trong Tạp chí Khoa học xã hội, số 02(102), 2007, Viện KHXH vùng Nam Bộ.