Sử Dụng Sai Cái Đúng

23/12/2016 | Chuyên mục: VĂN . 3174 Lượt xem

sudungsaicaidungCon đường của chúng ta bắt đầu với chánh kiến, nhận ra rằng hành động thật quan trọng bởi vì chúng có quả báo. Và thực tế về sự quan trọng của hành động làm cơ sở nền tảng cho giá trị của rất nhiều thứ mà chúng ta biết là tốt trong cuộc sống.

Chúng ta biết rằng hào phóng, rộng rãi là tốt; chúng ta biết rằng lòng biết ơn là tốt. Nhưng nếu bạn nghĩ kĩ một chút, bạn nhận ra rằng sự hào phóng tốt cơ bản bởi vì người ta chọn lựa để hào phóng. Điều đó có quả tốt. Lòng biết ơn tốt bởi vì nó đúng đắn để tỏ lòng trân trọng những lúc người ta đã lựa chọn giúp chúng ta, để làm điều tốt cho chúng ta. Họ không bị bắt phải làm những điều đó, hay không phải đó là định mệnh mà họ phải giúp đỡ. Nó là bởi vì họ đã chọn để làm điều tốt để giúp chúng ta, để làm lợi lạc chúng ta.

Và từ sự hiểu biết của chúng ta về tầm quan trọng của hành động và chọn lựa làm những hành động thiện thay vì bất thiện, chúng ta được dẫn dắt đến một mức độ cao hơn của chánh kiến – chánh kiến về Tứ Thánh Đế – học cách để quán sát hành động của chính chúng ta, quán sát tâm chúng ta để thấy chúng ta tạo ra khổ từ đâu. Nơi đâu khổ bắt đầu? Và rồi, chúng ta nhìn sâu hơn vào tâm để thấy cái gì trong tâm đang làm khởi lên những loại khổ đặc thù đè nặng tâm trí. Và rồi hãy làm những gì chúng ta có thể làm để từ bỏ nguyên nhân đó, chúng ta cần phát triển những giá trị tốt của tâm để từ bỏ nguyên nhân. Đó là cách dùng đúng của chánh kiến.

Nhưng các Ajahn thường nhắc nhở, và chính Đức Phật cũng nhắc nhở rằng người ta có thể có chánh kiến, nhưng họ sử dụng sai nó. Hình ảnh mà Đức Phật dùng là một con rắn. Cách chụp lấy con rắn đúng đắn là nắm vào sau đầu của nó, nó sẽ không cắn bạn. Nhưng nếu bạn nắm đằng đuôi, nó sẽ quay ra sau và cắn bạn. Bạn phải học cách để giữ những điều này một cách đúng đắn. Trong nhiều trường hợp, khi tôi còn ở với Ajahn Fuang, ngài nói (các ajahn Thái khác cũng nói giống như ngài điều này) người ta có thể có chánh kiến, nhưng theo cách mà họ chấp thủ vào những điều đó thì cái đúng được dùng để phục vụ cho cái sai.

Bạn để ý thấy điều này trong hai cách. Một là sử dụng lời dạy sai thời điểm. Có những lời dạy về vô ngã, và có những lời dạy về ngã. Bạn cần phải biết: Khi nào thì sử dụng những lời dạy về ngã, và khi nào thì sử dụng những lời dạy về vô ngã? Nếu bạn nói một cách giáo điều, sự thật duy nhất là vô ngã. Và nó sẽ nhanh chóng trở thành, “Không có cái ngã,” và nó sẽ làm khởi lên tất cả mọi loại câu hỏi và mọi loại vấn đề. Lời dạy không phải để cho thêm vấn đề; lời dạy là công cụ. Khi bạn tu tập và phát triển tâm, cải thiện hành động của mình, bạn sẽ dựa vào ai? À, bạn phải dựa vào chính mình. Bạn học những tấm gương của người khác, nhưng bạn nhận ra rằng nó thật sự phải tùy thuộc và bản thân. Ở mức độ này, lời dạy về ngã thật sự hữu dụng. Nhưng khi bạn nhận thấy bạn đang dính mắc vào những thứ gây nên khổ đau, được rồi, vậy thì đến lúc nghĩ về vô ngã- bất kể những gì bạn đang dính mắc vào không thật sự là của bạn. Bằng cách đó, bạn sử dụng một cách đúng đắn những lời dạy này.

Tương tự với lời dạy rằng tất cả thọ đều khổ: Có một trường hợp ở trong kinh, một vị tỳ kheo được hỏi bởi người của tôn giáo khác rằng, “Cái gì là quả của hành động?” Và vị tỳ kheo này nói, “Tất cả hành động đều có quả khổ”, đây là quan kiến của đạo Jain. Và người ở tôn giáo khác nói, “Tôi chưa bao giờ nghe bất kì Phật tử nào nói thế. Ông nên trở về và hỏi lại Đức Phật.” Vị tỳ kheo này làm như thế. Và Đức Phật nói, “Kẻ ngu si!”

Rồi Udayin lên tiếng, “À, có thể là anh ta đang nghĩ về lời dạy là các thọ đều khổ. Và vì hành động dẫn đến thọ, vậy nên các thọ đều khổ,” Và Đức Phật nói, “Một kẻ ngu si khác! Khi các con được hỏi về hành động, các con trả lời trong phạm trù có ba loại thọ. Có thọ lạc, có thọ khổ, và thọ không khổ không lạc.”

Nếu bạn muốn nói về thực tế tột cùng, ngay cả cảm thọ lạc cũng có yếu tố khổ trong đó, chỉ là lúc đó không phải là lúc để nói như vậy. Có những lúc khác lời dạy đó lại phù hợp.

Trích kinh Đại kinh Nghiệp phân biệt. KINH TRUNG BỘ. Majjhima Nikàya. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt:

“…Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, Ta chưa từng thấy du sĩ ngoại đạo Potaliputta, thời câu chuyện này từ đây xảy ra? Này Ananda, câu hỏi đáng lý phải trả lời phân tích rõ ràng cho du sĩ ngoại đạo Potaliputta, lại được kẻ ngu si Samiddhi này trả lời theo một chiều.

Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udayi bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, nếu đây là ý nghĩa của Tôn giả Samiddhi nói lên, thời cảm giác gì người ấy cảm thọ là cảm giác khổ đau.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, hãy xem con đường sai lạc của kẻ ngu si Udayi này. Này Ananda, Ta biết rằng, nếu nay kẻ ngu si Udayi này mở miệng ra (đề cập vấn đề gì), ông ấy sẽ mở miệng đề cập một cách không như lý (ayoniso). Này Ananda, thật sự chỗ khởi thủy của du sĩ ngoại đạo Potaliputta hỏi là về ba cảm thọ. Này Ananda, nếu kẻ ngu si Samiddhi này được du sĩ ngoại đạo Potaliputta hỏi như vậy và trả lời như sau: ‘Này Hiền giả Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, có khả năng đưa đến lạc thọ, người ấy sẽ cảm giác lạc thọ. Này Hiền giả Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ thọ, người ấy sẽ cảm giác khổ thọ. Này Hiền giả Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến bất khổ bất lạc thọ, người ấy sẽ cảm giác bất khổ bất lạc thọ’; nếu trả lời như vậy, này Ananda, kẻ ngu si Samiddhi đã trả lời một cách chơn chánh cho du sĩ ngoại đạo Potaliputta. Và lại nữa, này Ananda, những kẻ du sĩ ngoại đạo ngu si, kém học, họ sẽ hiểu được đại phân biệt về nghiệp của Như Lai, này Ananda, nếu Ông nghe Như Lai phân tích đại phân biệt về nghiệp…”)

Vì vậy đây là một trong những thứ mà bạn phải thật sự cẩn thận về chánh kiến. Khi bạn sử dụng một chánh kiến bất kì nào đó, loại quan kiến nào được cho là đúng nhưng không đúng trong thời điểm và nơi đó, cho trình độ tu tập đó? Đó là phạm trù mà bạn phải thật sự cẩn thận để đảm bảo rằng bạn không chỉ có chánh kiến mà bạn còn sử dụng chúng một cách chân chánh- bởi vì đó là tất cả những gì mà chánh kiến để cho: được hữu dụng.

Ở trường hợp khác, khi bạn phải thật cẩn thận về sử dụng chánh kiến là khi bạn bám vào chánh kiến để chứng tỏ mình đúng. Có chánh kiến không phải để như vậy. Người ta có thể vướng vào tranh luận về nó. Ai đúng? Ai sai? Ajaan Chah đã có một bài pháp hay về chủ đề này. Mọi người có quan điểm về đúng và sai của họ, nhưng nói cái đúng của ai và cái sai của ai là đúng hay sai thì không có kết quả phán xét cuối cùng. Nhưng nếu bạn bám chặt vào chánh kiến của mình và nó gây ra đau khổ cho bạn, bạn phải biết, “Được rồi, có điều gì đó sai ở đây.” Đó không phải là mục đích của chánh nghiệp, chánh kiến hay chánh cái gì nữa. Chúng chánh cho mục đích từ bỏ nguyên nhân của khổ. Nhưng nếu cách bạn sử dụng chúng làm cho bạn khổ, thì có gì đó sai.

Ajaan Chah kể câu chuyện về một vài người trong rừng nghe tiếng gà trống kêu. Một trong số họ hỏi, “Đó có phải là tiếng gà trống gáy không? Hay đó là tiếng gà mái?” Và cả ba quyết định bàn bạc tìm ra lời giải. Một người nói “Dĩ nhiên là gà mái.” Rồi người khác nói, “Chờ đã! Làm sao con gà mái có thể gáy như vậy?” Họ tranh cãi tới lui như thế. Vì thế người thứ nhất, người đúng, cuối cùng phải khóc lên. Anh ta quá bực tức bởi vì anh ta biết là mình đúng mà không ai nhận ra được là anh ấy đúng. Thế nhưng, tranh luận đến mức mà bạn phải khóc không đạt được gì cả.

Vì thế bạn phải nhìn thật cẩn thận vào cách sử dụng chánh kiến của bạn. Bảo đảm rằng bạn sử dụng chúng một cách đúng đắn để chúng đúng vì mục đích đúng mà không trở thành đúng vì một mục đích sai. Nói cách khác, nhận thức của bạn phải toàn diện. Bạn không thể dính mắc vào thực tế là bạn đúng. Bạn phải nhìn vào câu hỏi: Có phải cái cách mà bạn bám víu vào cái đúng của mình gây cho bạn khổ đau hay không?

Luôn luôn quay trở về với tứ thánh đế và quán sát bản thân trong phạm trù của những sự thật đó. Hãy quán sát những gì bạn đang làm trong phạm trù của tứ thánh đế bởi vì đó là mục đích của chúng, để bạn có thể quán sát bản thân trong hành động. Khi thân làm, khi bạn nói, khi bạn nghĩ, hãy quán sát xem chúng đến từ đâu. Hãy quán sát xem chúng đang đi đâu. Đừng chỉ nhảy vào rồi lái chúng. Hãy lùi lại và xem ai đang lái những chánh kiến đó. Đó là cách mà bạn học để bước lại đằng sau, tách ra khỏi chánh kiến của mình để quán sát một cách khách quan.

Đó là mục đích của chánh kiến: học cách để ngừng lại và quán sát quan kiến của mình, quán sát chúng trong hành động, và tìm hiểu khi nào chúng thiện, khi nào chúng không. Khi bạn sử dụng chúng theo cách này, chúng đạt được mục đích, và rồi bạn có thể đặt chúng xuống. Hãy nhớ ví dụ về chiếc bè qua sông. Sau cùng, ngay cả chánh kiến cũng phải bỏ xuống bởi vì mục tiêu không được đo đạt bởi chánh kiến và tà kiến. Ajaan Lee đã có bài giảng Pháp hay về chủ đề này. Niết-Bàn không có chánh kiến và tà kiến; nó không có quan kiến nào hết. Nhưng bạn không thể đến đó mà không có chánh kiến và sử dụng chúng một cách đúng đắn. Thực tế là sau cùng bạn có thể buông xả quan kiến: Nếu bạn không thể buông xả quan kiến thì bạn sẽ luôn luôn bị mắc kẹt ở thứ gì đó.

Vì thế ngài nói, bạn nhìn vào quan điểm để xem có chỗ nào sai – nhìn vào chính quan điểm hay cách bạn sử dụng nó. Bạn buông xả bất cứ cái nào sai, bạn bám vào cái đúng khi nào nó còn cần thiết, và rồi cuối cùng bạn buông xả cả hai. Đó là lúc nó trở nên tốt.

 

THANISSARO BHIKKHU

 

(Nguồn: http://www.dhammatalks.org