Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt (Tập 6)

14/02/2013 | Chuyên mục: SÁCH . 47550 Lượt xem

Tôn Giả Ānanda Làm Thị Giả

 

 

Tin đức Phât dự định an cư mùa mưa tại Kỳ Viên tịnh xá như một làn gió mát mẻ rì rào thổi khắp kinh thành cùng các thôn làng kế cận. Chư Tăng Ni tại Sāvatthi và các nơi tìm về đảnh lễ đức Phật, thăm viếng chư vị trưởng lão từ đoàn này đến đoàn khác. Gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc và gia đình bà Visākha lại có dịp đặt bát cúng dường, chăm lo tứ sự chu đáo, đầy đủ. Đặc biệt là đức vua Pāsenadi cùng các gia đình hoàng gia mang nhiều xe lễ phẩm, lễ vật đến cúng dường đức Phật và tăng chúng. Ngoài một số các quan cận thần thân tín, đức vua còn dẫn theo một số quý nhân như chánh hậu Mallikā, ba bà vương phi Ubbīrī, Somā, Sakulā; công chúa Vajirā (1), vương phi Vāsakhakkhattiyā (2) cùng hoàng tử Viḍūḍabba mới vừa bảy tuổi. Ý của đức vua là tất cả mọi người trong hoàng tộc đều phải có quy giới, biết nghe pháp và biết cúng dường. Và kể từ hôm đó, hễ có dịp rảnh là đức vua lại đến Kỳ Viên nghe pháp.

Thấy đức Phật quá nhiều công việc như đi đây, đi đó, tiếp đoàn này đoàn kia, thuyết pháp quá nhiều thời ở trong ngày; hôm kia, hai vị đại đệ tử cùng đến hầu đức Phật và xin một thỉnh nguyện, là ngài nên có một thị giả chính thức, có tuệ, có tâm, biết phụ giúp, đỡ đần mọi công việc chu đáo trong ngoài.
Im lặng một lúc rồi đức Phật nói:

– Việc ấy cũng đúng lúc, đúng thời lắm! Qua những ông thị giả trước đây đã có nhiều bất cập xảy ra. Ví như Như Lai bảo đi hướng này thì ông ta lại đi hướng kia. Ví như, ông ta không biết rõ, đối tượng này Như Lai nên tiếp, đối tượng kia thì chư vị trưởng lão tiếp cũng được. Ví như Như Lai bảo rửa bát rồi đổ nước nơi không có cỏ xanh thì ông ta lại đổ xuống suối. Ví như Như Lai bảo gấp y làm bốn rồi trải nơi phải lẽ, ông ta lại trải phía dưới các tổ chim, một lát thì phân chim rơi đầy. Ví như Như Lai bảo tụ họp chư vị trưởng lão để bàn việc Tăng, ông ta lại để cho rất nhiều tỳ-khưu sơ tu vào làm huyên náo cả giảng đường. Ví như Như Lai bảo, canh khuya tại hương phòng, Như Lai chỉ tiếp chư thiên, phạm thiên, ông ta đôi khi tùy tiện gõ cửa để một vài vị trưởng lão ở xa nào đó đi vào không đúng thời… Cuối cùng, có lẽ là điều quan trọng nhất: Người bên cạnh Như Lai, gần gũi Như Lai ngoài các đức tánh như chăm chuyên, cần mẫn, chu đáo, chịu khó, tế nhị… người ấy còn phải có trí nhớ tốt, vì như vậy, pháp và luật của Như Lai giảng khỏi phải rơi rớt dọc đường, trên các lộ trình hoằng hoá… Vậy, Như Lai đồng ý để các ông triệu tập một cuộc họp giới hạn, chỉ gồm chư vị trưởng lão uy tín để đề cử người thích hợp nhất làm thị giả.

Tuân lời đức Phật, từ hương phòng ngài đi ra, tôn giả Mahā Moggallāna cứ mỉm cười hoài làm cho tôn giả Sāriputta phải ngạc nhiên cất tiếng hỏi.

– Thì có gì đâu nào, thưa tôn huynh! Tôn giả Mahā Moggallāna đáp – Nếu có người thích hợp, đáp ứng những đức tánh đủ tiêu chuẩn như đức Tôn Sư yêu cầu thì trong giáo hội của chúng ta chỉ có hai vị mà thôi.

– Là ai vậy?

– Là chính tôn huynh hoặc là hiền giả Ānanda!

Suy nghĩ một lát, tôn giả Sāriputta nói:

– Đúng thì tạm đúng nhưng không chỉ có vậy. Mà pháp đệ, Upāli, Bhaddiya… cũng có đủ tiêu chuẩn đấy.

– Không! Đệ có nhiều nhiệm vụ khác, phải đi ngao du các cảnh giới chư thiên, phạm thiên, ngạ quỷ, dạ-xoa… nên thường hay vắng mặt. Tôn huynh Upāli nhớ luật thì giỏi, nhớ kinh không giỏi đâu. Tôn huynh Bhaddiya xử án thì được nhưng biết việc, quán xuyến mọi việc trong ngoài không bằng hiền giả Ānanda đâu.
Sự trao đổi của hai vị, như vậy, tuy được xem như là cuộc họp sơ bộ; nhưng khi đầy đủ chư vị trưởng lão, tôn giả Mahā Moggallāna trình bày mục đích “tìm kiếm một vị thị giả cần và đủ những tiêu chuẩn như thế nào” rồi muốn xin ý kiến của mọi người.
Tôn giả Mahā Kassapa góp ý trước:

– Nếu chọn đủ tiêu chuẩn thích hợp thì vị ấy phải có đủ tâm, đủ tuệ cùng rất nhiều trí thiện xảo khác nữa. Dứt khoát là không thể tìm ra vị ấy trong số chư tăng trẻ. Tất cả chúng ta đây, khả dĩ tạm đủ các yêu cầu kia thì ai tuổi tác cũng đã lớn, sức khỏe đã tổn giảm, coi chừng lại làm phiền, làm rộn đức Tôn Sư nữa đấy!

– Rất chính xác! Tôn giả Sāriputta gật đầu – Vậy thì phải đưa thêm một tiêu chuẩn nữa, là dù lớn tuổi nhưng phải có sức khỏe tốt, không bệnh hoạn ốm đau, không nhức xương mỏi cốt.

– Đúng vậy! Tôn giả Mahā Moggallāna nói tiếp – Vậy thì chỉ còn có hai người là đủ tất thảy mọi tiêu chuẩn kia, đó là tôn huynh Sāriputta và hiền giả Ānanda mà thôi! Xin chư vị trưởng lão góp phiếu đồng thuận đi thôi.

Tôn giả Ānanda đưa lên một ngón tay rồi cất giọng đỉnh đạc, trầm hùng, vang vang cả giảng đường:

– Tôn huynh Sāriputta là người xứng đáng đệ nhất! Tôi xin góp một phiếu tuyệt đối cho vị ấy! Đức Tôn Sư luôn có cái nhìn hảo cảm, đặc biệt đối với vị ấy. Tôn huynh không chỉ thông minh, tài giỏi, quán xuyến mọi việc trong ngoài suốt mấy chục năm qua không có chỗ chê, không có cả một khuyết điểm nhỏ dù chỉ là một sợi tóc, dù chỉ bằng một hạt cát – mà còn là một bậc phụ tá đắc lực của đức Tôn Sư trong những thời pháp, trong hằng chục lớp giảng huấn Tăng Ni đây đó nữa. Tuyệt! Vị ấy là một viên ngọc maṇi không tì vết. Khi đức Tôn Sư muốn quyết định một việc gì quan trọng, sau đó mới đưa ra cho hội đồng biểu quyết, người đầu tiên mà đức Tôn Sư muốn hỏi ý là ai? Là tôn huynh Sāriputta, là ông anh cả của chúng ta chứ còn ai vào đó nữa?

Còn về trí nhớ, tôn huynh ấy không chỉ thuyết lại trọn hảo thời pháp của đức Tôn Sư mà còn giảng giải thêm chi tiết, nới rộng chủ đề làm cho đức Tôn sư phải khen ngợi. Ngài nói rằng, nếu Như Lai có thuyết lại cũng chỉ bằng như thế thôi, không hơn được. Ngài nói rằng, thuyết ngôn của Như Lai là hải triều âm, thuyết ngôn của Sāriputta cũng là hải triều âm, không hơn, không kém.

Nói đến đây, tôn giả Ānanda kết luận:

– Xin hội đồng trưởng lão bầu chọn tôn giả ấy! Giáo hội đức Tôn Sư không có người thứ hai sánh bằng đâu, chẳng có ai đủ tiêu chuẩn như thế đâu!

– Có đấy, hiền giả Ānanda! Tôn giả Sāriputta điềm đạm nói – Chính hiền giả là người đầy đủ tiêu chuẩn nhất. Đức Thế Tôn không chọn người thuyết pháp hay, không chọn người giảng dạy Tăng Ni, không chọn người không khuyết điểm một sợi tóc, một hạt cát gì đó, không chọn người thuyết như hải triều âm, không chọn người để hỏi những vấn đề quan trọng. Thế là hiền giả do nghiêng nặng cảm tính mà đã đi lạc đề rồi! Đơn giản là Tôn Sư chỉ cần một thị giả biết cách chăm sóc sức khỏe cho đức Tôn Sư; biết chu đáo, tế nhị, biết mình phải làm gì khi đức Tôn Sư đi đứng nằm ngồi hay ngủ nghỉ. Đơn giản, tế nhị như tăm xỉa răng, bát nước uống, chỗ tiểu tiện, chỗ đại tiện cho sạch sẽ. Đơn giản như ở đâu cũng phải gọn gàng, ngăn nắp từ chỗ nằm, chỗ ngồi, liêu thất, hành lang và sân vườn. Đơn giản như biết đèn trầm trong hương phòng khi nào cần đốt, khi nào nên tắt; và lâu lâu, mấy hôm thì phải chùi rửa, quét dọn dư tàn. Đơn giản, tế nhị như ngồi hướng này có ánh mặt trời, ngồi hướng kia có cả vùng cây xanh mát mẻ và có cả tiếng chim hót vui tai. Đơn giản như khi đức Tôn Sư mới đưa mắt là biết đức Tôn Sư muốn gì, cần gì… Đơn giản như liếc mắt nhìn khách một cái là biết vị này Tôn Sư nên tiếp, vị kia thì không. Đơn giản như khi quan sát một ngã ba đường thì biết đức Tôn sư sẽ đi hướng nào… vân vân và vân vân. Vậy đó, tất cả cái đơn giản, tế nhị ấy, hiền giả Ānanda có đủ và không ai có thể tranh hơn, tranh bằng được…

Tôn giả ngưng nói một lát để xem thử phản ứng trên sắc mặt của chư vị trưởng lão. Khi thấy nhiều vị mỉm cười và gật đầu nhè nhẹ – thì biết là sự thuyết phục của mình có hiệu quả; tôn giả bèn cất tiếng tiếp tục, như đóng kín vấn đề lại, để không còn ai phản bác lại được:
– Trí nhớ của hiền giả Ānanda là đệ nhất, là tuyệt vời thuở còn thơ trẻ. Trí nhớ ấy mà ghi nhớ pháp và luật thì không bỏ sót một chữ, một câu, một mệnh đề, một kệ ngôn, một đoản ngôn, một ví dụ; phải nói là cả châu Diêm-phù-đề nầy không có người thứ hai. Đấy là tiêu chuẩn quan trọng do chính đức Tôn Sư yêu cầu. Và cũng do yêu cầu của tôn giả Mahā Kassapa, thì, sức khoẻ của hiền giả Ānanda cũng thuộc loại đệ nhất, chỉ có đứng sau tỳ-khưu Bakkula (3) mà thôi. Khi mới sinh ra, các thầy bà-la-môn uyên thâm tướng pháp đã nói rằng, vị này có tướng cách làm vua nhưng lại không phải làm vua thế tục (4); vị này có sức khỏe lạ đời là suốt đời không bệnh hoạn, ốm đau cho đến khi mãn thọ là một trăm hai mươi tuổi. Đức Tôn Sư đồng tuổi với hiền giả Ānanda đấy, nhưng do cái phước sức khỏe vượt trội, Ānanda có thể ở bên cạnh đức Đạo Sư để lo chu toàn mọi việc trong ngoài, giúp đỡ đức Đạo Sư rất nhiệt tình, ngày cũng như đêm. Bầu chọn hiền giả Ānanda, tôi cũng xin một lá phiếu biểu quyết tuyệt đối.

Tôn giả phát biểu xong. Chư vị trưởng lão đồng thuận chín mươi chín phần trăm vì trong đó, có tôn giả Ānanda phản đối. Nhưng khi trình bày lý do của mình, tôn giả không đưa ra điều một, điều hai một cách phân minh, chặt chẽ – mà cách nói, ngữ điệu lại giống như là những lời tâm sự:

– Chư vị trưởng lão hãy suy nghĩ lại mà xem. Những người trong hoàng tộc Sakyā xuất gia quá đông, bao giờ đức Tôn Sư cũng cầm cái cán cân công minh để khỏi mang tiếng là nghiêng lệch tình cảm thân tộc chỉ để cho ngoại giáo chê cười. Chính lệnh bà Gotamī là di mẫu của đức Tôn Sư, trải qua bốn mươi lăm do-tuần với bàn chân rướm máu, y áo rách nát tả tơi, với quyết tâm xin xuất gia mà có dễ dàng đâu! Sau ba lần xin và xin thọ trì bát kỉnh pháp, đức Tôn Sư mới chuẩn thuận. Trong đó có cả năm trăm công nương Sakyā nữa, đức Tôn Sư đâu có cho họ một ưu tiên, một biệt lệ nào? Rồi sau này là công nương Yasodharā nữa, đức Tôn Sư đối xử đâu có dị biệt so với những vị tỳ-khưu-ni khác? Rāhula là đứa con bé bỏng của Tôn Sư, thử hỏi có bao giờ được ngủ một đêm ở hương phòng, hay được ăn một bữa cơm thân tình với người ruột thịt? Có một lần, Rāhula ngủ trộm trong nhà xí, lúc ấy một số học giới mới được ban ra. Ôi! Pháp và luật của đức Tôn sư không phân biệt thân hay sơ! Do biết vậy nên tôi bao giờ cũng cẩn thận từng bước đi, từng thái độ, từng lời ăn tiếng nói, bao giờ cũng giữ một khoảng cách để khỏi mang tiếng là dòng dõi Sakyā, ỷ thế có đức Phật là bậc tôn trưởng trong thân tộc… Như thế đó, vậy xin chư trưởng lão xét lại, tôi mà làm thị giả chưa chắc đức Tôn Sư đã chuẩn thuận, lại còn đặt ra cho đức Tôn Sư một tình thế rất khó xử là khác nữa. Nên chọn người ngoài hoàng tộc Sakyā như tôn huynh Sāriputta, thì tình lý, tướng dụng gì cũng tuyệt hảo cả. Cảm ơn chư trưởng lão đã chú tâm lắng nghe!

Những “điểm tình cảm” tôn giả Ānanda đưa ra hay quá, mà cách nói như đi vào trái tim người, trong một lúc, chưa ai biết góp ý gì thêm.

Tôn giả Bhaddiya chợt lên tiếng phụ họa:

– Dòng tộc Sakyā như tôi, như tôn huynh Ānanda mà làm thị giả thì đúng là đặt để đức Tôn Sư lâm vào thế kẹt. Đúng vậy! Lại còn đúng nữa, là cái cớ để cho – không những ngoại đạo tiếu đàm mà còn làm cho chư phàm tăng ganh ghét, đố kỵ. Khi có vài vị nào đó bị đức Tôn Sư la rầy – thì chúng la toáng lên rằng: Do ông Ānanda mách lẻo đó; do ông Ānanda tâu lại đó! Ồ, quả thật là rất phiền hà vậy!

Thấy tôn giả Bhaddiya không những ủng hộ quan điểm của mình, lại còn trình bày một số tâm lý thường tình, làm cho quan điểm ấy càng thêm thuyết phục nữa, tôn giả Ānanda bèn vui vẻ nói:

– Cảm ơn tôn huynh đã hiểu thấu tấm lòng.

– Vâng! Đúng vậy! Tôn giả Bhaddiya tiếp tục, lật ngược vấn đề – Vì hiểu thấu tấm lòng của tôn huynh nên tôi đề nghi tôn huynh nên đảm nhiệm vị trí thị giả thân cận đức Tôn Sư là tốt nhất, là quý nhất! Tại sao vậy? Vì tôn huynh là người cẩn thận lời ăn tiếng nói, vì tôn huynh là người chừng mực, biết giữ khoảng cách cần thiết để tránh tai tiếng cho Tôn Sư…

Mọi người tán thán.

– Hay quá!

– Đúng quá!

Có ai đó hỏi:

– Vậy thì chuyện ganh ghét, đố kỵ xung quanh thì sao?

Tôn giả Bhaddiya chợt mỉm cười:

– Vì hiểu tấm lòng của tôn huynh Ānanda nên tôn huynh ấy không thèm chấp lời tiếng thị phi phù phiếm ấy. Tấm lòng của tôn huynh Ānanda như mảnh trăng rằm!

Đúng là miệng lưỡi quan tòa có khắc, tôn giả Bhaddiya đã lật lại vấn đề dễ dàng như sấp ngửa của bàn tay vậy. Tôn giả Ānanda chịu thua, đành giữ sự im lặng của bậc thánh, vì không còn một kẽ hở nào để len lách vào đó được.
Tôn giả Bhaddiya còn tưới “nước pháp” thêm cho tâm Ānanda càng xanh tươi cành lá:

– Cuối cùng, tôn huynh Ānanda vẫn là đệ nhất. Tôn huynh ấy sẽ chu toàn mọi việc bên cạnh đức Đạo Sư sẽ không có một khuyết điểm nào. Tôn huynh ấy có trí nhớ tốt, lại học rộng, nghe nhiều, sẽ là kho tàng lưu giữ giáo pháp cho mai hậu. Tôn huynh ấy phục vụ đức Đạo Sư, phục vụ Tăng Ni, phục vụ hai hàng cận sự một cách tế nhị và chu đáo khi cần thiết. Tôn huynh ấy sẽ dễ dàng xả buông những lời tiếng dị nghị bên ngoài do nghĩ đến sự lợi lạc của giáo pháp, lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người, lợi lạc cho chúng sanh mai hậu.
Từng lời, từng tiếng tâm não của Bhaddiya, người bạn thân thiết thuở xưa, bây giờ đã là một bậc thánh lậu tận làm cho Ānanda vô cùng kính phục và cảm kích! Tôn giả thầm nghĩ: “Đúng vậy, tấm lòng của Ānanda là như vậy đó. Dẫu chỉ mới vào dòng nhưng Ānanda có sá chi lời tiếng gièm pha kia chứ. Ānanda này luôn luôn tôn kính đức Đạo Sư, tôn kính chư vị trưởng lão, tôn kính giáo pháp, yêu mến chư huynh đệ cùng hai hàng cận sự nam nữ!”

Khi thấy Ānanda có vẻ suy nghĩ lâu, tôn giả Sāriputta cất tiếng hỏi:

– Thế chắc là hiền giả đồng ý rồi chứ?

– Vâng! Tôn giả đáp – Không có chỗ nào có thể phản bác lại ông quan tòa Bhaddiya được, đành phải chấp thuận thôi, nhưng có một số điều kiện. Nếu đức Tôn Sư và hội đồng trưởng lão xét thuận cho những điều kiện ấy thì tôi đồng ý làm thị giả.

– Hiền giả cứ nói.

– Thứ nhất là đức Tôn Sư đừng ban cho tôi y bát mà người ta đã dâng cúng đến cho ngài. Thứ hai là đức Tôn Sư đừng ban cho tôi vật thực cứng mềm mà thí chỉ dâng riêng cho ngài. Thứ ba là đức Tôn Sư đừng đặc biệt cho tôi ở chung hương phòng dù ở nơi thất liêu không đủ chỗ. Thứ tư là đức Tôn Sư đừng cho tôi đi theo trong trường hợp thí chủ thỉnh ngài đặt bát hay ngọ trai. Thứ năm là xin đức Tôn Sư sẽ hoan hỷ cùng đi với tôi khi tôi được một thí chủ nào đó đặc biệt thỉnh mời. Thứ sáu là đức Tôn Sư cho tôi được quyền tiến dẫn hoặc từ chối những người khách muốn diện kiến ngài. Thứ bảy là xin đức Tôn Sư cho tôi được hỏi những điều hoài nghi hoặc những pháp nào mà tôi chưa lãnh hội được. Thứ tám là xin đức Tôn Sư hãy lặp lại những giáo ngôn, những pháp thoại trong trường hợp tôi không có mặt tại chỗ để nghe.

– Cả tám điều đều chính đáng! Tôn giả Bhaddiya nói – Có lẽ đức Tôn Sư sẽ chấp thuận thôi. Bốn điều đầu là tránh những ưu tiên cho cá nhân mình, cũng tốt. Ba điều sau liên hệ đến pháp, rất tốt. Duy có điều thứ năm, dường như không rõ nghĩa, tại sao người ta thỉnh mời tôn huynh lại phải cần đức Tôn Sư đi theo?

– Đúng vậy, tại sao? Tôn giả Upāli góp ý – Có phải là tôn huynh muốn cho thí chủ đặc biệt kia có thêm phước báu? Có phải tôn huynh muốn cho thí chủ kia nghe một bài pháp đặc biệt nào đó?
Tôn giả Ānanda gật đầu:

– Đúng vậy! Tôi chỉ là kẻ hữu học. Cúng dường và nghe pháp bậc Chánh Đẳng Giác bao giờ quả phước cũng vi diệu hơn. Ngoài ra, tôi cố tránh trường hợp cá nhân thí, muốn tránh cả trường hợp cúng dường do tình cảm cá nhân – thưa chư vị trưởng lão!
Tôn giả Mahā Kassapa khen ngợi:

– Tốt lắm! Hiền giả Ānanda tốt lắm! Chu đáo và cẩn thận từng chi tiêt một, không có chỗ nào cho cá nhân mình xen vào đấy cả…

Nói thế xong, tôn giả trầm ngâm một hồi:

– Trước đây, tôi thấy hiền giả Ānanda luôn luôn có vẻ trẻ trung, vui tươi, lại hay du hành lang thang đây đó với nhóm đệ tử của mình, không hướng tâm kỹ tôi đã vội trách hiền giả Ānanda ham chơi. Hôm nay, tôi đã thấy rõ sự chín chắn của hiền giả Ānanda, cái tâm lo cho đức Đạo Sư, cho giáo pháp, cho cả tứ chúng của hiền giả Ānanda; vậy trước mặt hội đồng trưởng lão, tôi xin được sám hối với hiền giả Ānanda lời nói bất cẩn thuở trước.

Nói thế xong, tôn giả Mahā Kassapa đứng dậy, trật vai phải định quỳ lạy nhưng tôn giả Ānand đã vội bước đến, ngăn lại rồi nói:

– Không! Lời trách cứ thuở ấy của tôn huynh không phải là quá lời hay bất cẩn đâu. Cũng nhờ lời quở trách ấy mà tôi bây giờ mới khá hơn một chút đó.

Mọi người cùng nở nụ cười hoan hỷ.

Cả tám điều Ānanda đưa ra, sau đó đã được đức Phật chấp thuận. Và kể từ hạ này, tôn giả Ānanda đã trở thành thị giả chính thức trong suốt hai mươi lăm năm còn lại.

Kinh sách kể rằng, như hình với bóng, tôn giả Ānanda đi theo chân đức Phật khắp mọi nơi, không nề hà nắng mưa, đường xa dặm thẳm. Tôn giả phục vụ đức Phật, chăm sóc mọi nhu cầu cho ngài với tâm quý trọng và tôn kính đúng mực. Đêm cũng như ngày, tôn giả hầu như luôn sẵn sàng để đức Phật sai bảo bất cứ việc gì. Cứ mỗi khi đêm xuống, tôn giả như chiếc đồng hồ cát chính xác nhất, tay cầm gậy, tay cầm đuốc, rảo quanh hương phòng, vòng gần, vòng xa tất thảy chín lần để giữ mình khỏi ngủ quên và đừng để người, vật quấy rầy đức Phật để ngài còn giảng pháp cho phi nhân, thọ thần, dạ-xoa, chư thiên, đôi khi cả phạm thiên nữa.

 

_____________________________________________

Chú thích:

 

(1) Còn có tên là Vajirakumārī hay Vajirī: Cô công chúa này, mấy năm sau, đức vua gã cho Ajātasattu (A-xà-thế), hoàng tử con vua Bimbisāra cùng với của hồi môn là cả vùng Kāsi gần Bārāṇasī.

(2) Gần 10 năm trước, vì muốn kết thân với vương quốc Sakyā, đức vua Pāsenadi xin cưới một nàng công chúa. Dòng Sakyā vốn ngã mạn nên đề nghị đức vua Mahānāma gã cô Vāsakhakkhattiyā, vốn là con riêng của đức vua với một cô gái nô lệ. Hoàng tử Viḍūḍabba là con của Vāsakhakkhattiyā và đức vua Pāsenadi, sau này vì cảm thấy bị thanh niên bên ngoại sỉ nhục nên đem quân tru diệt cả dòng Sakyā.

(3) Vị tỳ-khưu trong bụng cá, tại Bārāṇasī mà chúng ta đã biết qua; ông ta xuất gia năm 80 tuổi, sau này, 160 tuổi mới Niết-bàn.

(4) Sau này được gọi là “người giữ gìn kho tàng pháp bảo”.