Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59249 Lượt xem

LANG THANG TÌM ĐẠO

 

 

U

patissa và Kolita, cả hai cùng cảnh ngộ như nhau. Cũng khó khăn lắm, Kolita mới được phép rời khỏi gia đình. Bà Sārī vì buồn con, nên sau này không có cảm tình với giáo pháp của đức Đạo Sư. Còn bà Moggallī thì cũng vậy, mang mối hận thù sâu đậm với Tăng chúng đức Cồ Ðàm (Gotama) cho đến mãn đời.

Vì lợi ích tối thượng, hai chàng gạt nước mắt ra đi, nhưng ai cũng mang tâm nguyện trong lòng là sẽ trả ơn cha mẹ bằng cách báo đền cao cả, khác với thế tình.

Một sớm mai kia, họ cởi bỏ nhung lụa, đồ trang sức vàng ngọc, quàng lên mình mảnh y của đời du sĩ. Họ nhìn lại trang viện to lớn nguy nga còn ẩn mình trong sương sớm. Nơi cái tổ ấm ấy, đã ấp ủ cả một thời thơ trẻ. Ra đi là vĩnh biệt. Nhưng cánh chim trời có bao giờ nhớ lại cái tổ chào đời nơi một cội cây xưa? Cả hai đều bùi ngùi, nhưng ý chí xuất gia là tối thượng, họ quay gót lên đường.

Cả hai được tháp tùng bởi gần hai trăm rưỡi môn đệ, họ cùng nhau nhắm hướng kinh thành Vương Xá cất bước. Upatissa nói với Kolita:

– Hiền đệ thân mến! Chúng ta ở trong truyền thống, các giáo phái ở trong truyền thống thật chẳng có gì đáng để chúng ta học hỏi nữa. Theo đệ, những giáo phái ngoài truyền thống, đáng để cho ta học hỏi, có những ai?

Kolita trầm ngâm một lúc lâu:

– Ở đây, ở vương quốc của tín ngưỡng này, các giáo phái chủ, các giáo phái sư, triết gia, tư tưởng gia, bọn ngụy biện, du sĩ, bọn hư vô chủ nghĩa, duy vật thật đông đúc và ồn ào hỗn loạn, tanh tưởi như buổi chợ cá. Ai cũng lập tông, lập giáo, dạy đạo,  trưng những bảng hiệu quảng cáo rẻ tiền. Bọn thì được các phú thương ủng hộ. Bọn thì được các tiểu vương hậu thuẫn. Bọn thì mưu đồ chính trị, lợi quyền muốn hất cẳng sự thống trị của giai cấp bà-la-môn để giai cấp sát-đế-lị lên làm chủ nhân ông xã hội. Giáo thuyết của Mahāvira thì nghe có vẻ uyên bác, Charvaka thì trông có vẻ thực tế, nó chỉ ngón trỏ vào mặt mũi Thượng Ðế và bảo rằng đấy là con ngáo ộp! Chúng ta đã gặp Mahāvira và cả Charvaka, giáo thuyết của hai ông này tương đối là có kiến thức nhất trong bọn nhưng đối với chúng ta quả chưa đáng một đồng trinh! Vậy chỉ còn là Sañjaya, một đạo sư uy tín lớn không nằm trong sự bủa vây của chính trị và bọn thời cơ chủ nghĩa; theo đệ, chúng ta hãy đến đấy xem thử thế nào?

Upatissa đồng tình với bạn:

– Ðầu óc chúng ta đã quá cũ. Tri kiến của chúng ta đã quá cũ. Từ lâu, chúng ta học hỏi theo với cái biết của cổ nhân, của kinh điển ngàn xưa để lại. Chúng ta có luận bàn, suy lý cũng là luận bàn, suy lý bởi những giá trị có sẵn, đã mốc meo và ám khói trên những bệ thờ! Chúng ta ê a tụng kinh, đọc chú theo những dòng, những chữ chỉ còn là cái xác vô tri, lổm ngổm nhảy múa hàng ngang, hàng dọc trong một ẩn ngữ nào đó chỉ có ma quỷ mới hiểu được. Ðâu cũng là thánh triết, thánh thư, đâu cũng là chân kinh, thánh kệ; đâu cũng mật thư, bí truyền; đâu cũng rêu rao chân phúc và bất tử; đâu cũng tìm kiếm thiên đường, phạm thể. Ðâu cũng hẹn lại một kiếp sau ở những thế giới xa vời mù mênh sương khói nào đó!

Hiền đệ! Chúng ta sẽ không mắc bẫy chúng nữa: Những bọn đạo sư vinh thân phì gia, võng lọng ngựa xe, chỉ đường cho chúng sanh sang thế giới bên kia nhưng chúng lại sống nung núc lợi dưỡng ở chính cõi đời ô trọc này! Thế nhưng, chúng lại ngụy biện, rằng ta là hiện thân của thần này, thần nọ; rằng ta phải ở trong vòng lửa cháy này để cứu độ chúng sanh! Vậy, chúng ta hãy đi tìm những ai có tri kiến tương tự như chúng ta, đã no phè, đã chán mứa mọi loại tư tưởng và triết lý nghe ra có vẻ cao siêu nhưng thật vô ích, vô bổ cho sự giác ngộ và giải thoát.

Kolita gật đầu:

– Ðúng vậy! Ðầu tiên, chúng ta hãy đến viếng thử Sañjaya, kẻ mà chúng ta hâm mộ mà chưa có cơ hội gặp mặt tham vấn.

Sañjaya tiếp họ với cung cách một đạo sư lỗi lạc, vả chăng, Sañjaya cũng đã từng nghe danh tiếng hai huynh đệ trẻ tuổi thần đồng này.

Sañjaya lịch sự, cởi mở:

– Quý hóa thay! Hiền hữu! Nhưng bần đạo ngại rằng sự hiểu biết hủ lậu, quê mùa của bần đạo sẽ làm cho chư hiền hữu thất vọng mà thôi. Chẳng hay chư hiền muốn tìm kiếm cái gì? Thượng Ðế chăng? Brāhman chăng?

– Có lẽ không phải vậy, thưa giáo chủ! Chúng tôi đã tìm kiếm Thượng Ðế, Brāhman suốt cả tuổi thanh xuân rồi. Mà cho dẫu chúng tôi có tìm thấy ngài, có được ngài thì ngài cũng chẳng có liên quan gì đến niềm vui, nổi khổ và ý chí tự do nơi một chúng sanh nhỏ nhoi, bé mọn này!

Ðạo sĩ Sañjaya giả vờ ngạc nhiên:

– Vậy ra chư hiền dám cả gan bước ra ngoài truyền thống? Bước ra ngoài giá trị xưa nay? Dám nghi ngờ sự bất lực của Thượng Ðế để đi tìm kiếm một cái khác hơn?

– Ðúng vậy! Upatissa đáp – Chúng tôi chỉ muốn giải quyết thân phận tại thế thật sự của con người: Đấy là Khổ Đau và Sự Chết. Nói khác hơn: Chúng tôi muốn tìm kiếm Chân Phúc và Bất Tử!

– Ðồng ý! Ðạo sĩ Sañjaya thú vị nói – sự tìm kiếm của chư hiền là đáng trân trọng! Nhưng có bao giờ chư hiền suy nghĩ như vậy chưa? Nghĩa là chư hiền lấy cái gì để đi tìm kiếm? Thân và tâm này vốn là cái khổ đau và sinh diệt, chẳng lẽ nào chư hiền lại từ cái khổ đau và sinh diệt ấy mà đi tìm cái Chân Phúc và Bất Tử?

Upatissa và Kolita lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Quả thật, họ chưa từng đặt ra một câu hỏi như vậy.

Ðạo sĩ Sañjaya nghĩ là phải thời, nên thuyết một thời pháp:

– Chủ trương của bần đạo như sau: Này chư hiền! Quả thật, Thượng Ðế, Brāhman, các tối cao thượng đẳng thần đều đã chết, đã thối và bốc lên mùi xú khí mấy ngàn năm! Kinh điển truyền thống đã mất hết hiệu lực, uy lực; không đáp vấn được những khổ đau mà chúng sanh phải gánh chịu trên trần thế, không giải thích được những nghi vấn thực tế của bước chân đi hằn đau hữu hạn! Thế giới được sáng hóa hay không được sáng hóa cũng chẳng có ích gì ráo! Thế giới có phục sinh hay không được phục sinh thì bò cũng ăn cỏ và chó vẫn thích ăn phẩn! Các tư tưởng đương thời nom có vẻ tươi mát như cọng rau xanh non ở đầu chợ hoặc rôm rả, đì đùng như tiếng pháo nổi lên giữa thời đại này về định mệnh, về tất yếu, về tự do đều chỉ là món hàng bán rao giữa đường phố, giá thì đắt mà xem ra chẳng bổ dưỡng gì! Những chủ thuyết về duy tâm, duy vật, duy danh, duy số, duy nghiệm, duy lý, duy sự của các triết gia, của bọn hoài nghi, ngụy biện, hư vô chủ nghĩa cho dẫu có hay cách mấy thì sự khổ đau trên thế gian vẫn cứ tồn tại và sự chết vẫn cứ lôi kéo chúng đi vào hang thẳm bất khả tri! Có phải vậy chăng?

Này chư hiền! Làm thế nào chúng ta có thể tìm biết vô hạn từ nơi khối óc hữu hạn? Làm thế nào chúng ta tiên tri về một thế giới mà chưa hề có một ý niệm nào về chúng? Con cá sống trong ao hồ tù đọng kia làm sao lại dám vỗ ngực rêu rao biết về thế giới của loài chim giữa bầu trời cao rộng? Một vốc nước cống trong lòng bàn tay lại dám phân tích chi ly để tìm ra nước của đại dương? Ôi! Thật sự là chúng ta không thể biết được cái gì hết!

Sợi lông kia sao lại màu hung hung mà nó lại không đen, không trắng, không vàng? Hạt cát này sao lại ở đây, nó có mặt từ kỷ nguyên nào, nó trầm luân sinh diệt ra sao? Ôi! chúng ta thật sự không biết gì hết. Thế mà các bậc đạo sư trên thế gian này thường đong lường thế giới vô biên bằng cái sở tri nhỏ nhoi, chật chội, khốn cùng của họ. Chúng tự cao tự đại, mê hoặc tín đồ, xảo ngôn, loạn ngữ rằng là nắm chân lý ngàn đời trong bàn tay lông lá của chúng.

Này chư hiền! Chư hiền nghĩ thế nào? Những điều bần đạo nói có đúng hay chăng?

Kolita gật đầu:

– Quả như vậy! Thế gian này giống như năm người mù sờ voi, và rồi chúng cãi nhau chí chóe, ai cũng tưởng là mình đúng cả. Chẳng có ai nói đúng cái thực tại toàn bộ. Ai cũng nói từ nơi cái sở tri, sở kiến chủ quan của mình mà thôi.

Sañjaya mỉm cười hài lòng:

– Vậy thì chư hiền hãy ở lại đây, trong giáo pháp này! Ta là đạo sư, là đức thầy của chư hiền! Ta sẽ hướng dẫn cho chư hiền con đường đến chốn “bằng an hằng cửu”.

Kể từ hôm ấy, Upatissa và Kolita cùng với đồ chúng của mình làm môn hạ đạo sĩ Sañjaya. Nhờ vậy, tiếng tăm của giáo chủ Sañjaya bỗng trở nên vang dội.

Tuy thế, không bao lâu sau, Upatissa chợt trở nên thất vọng. Bao nhiêu lý thuyết của đạo sĩ Sañjaya, thật ra chẳng được bao lăm. Lý thuyết ấy chẳng qua là thuyết “bất khả tri”. Tức là ý thức cái hữu hạn của mình trước thế giới vô cùng nên quan niệm rằng: “Chẳng nên tìm biết cái gì cả”. Họ bất lực trước tuyệt đối, vô biên nên mong tìm sự an ổn tạm thời, phù du. Cái gọi là “bằng an hằng cửu” của Sañjaya chỉ là những trạng thái hỷ lạc của thiền định mà hành giả nào cũng có thể đạt được. Rời trạng thái ấy, bởi tâm và trí chưa thật sự yên ổn nên khổ đau, rối loạn, bất an sẽ trở lại y như cũ.

Upatissa nói với Kolita :

– Hiền đệ à! Có bao giờ hiền đệ thấy một bầu trời thinh lặng, xanh trong không một gợn mây? Khi nào nội tâm ta tạm thời yên lắng mọi vọng tưởng thì trạng thái xanh trong, thinh lặng của bầu trời kia hiện ra! Xem chừng, triết học của Sañjaya không cao hơn điều ấy. Vẫn còn những động lực tiềm tàng, những năng lực ở ẩn đâu đó. Ðúng thời, bão tố sẽ đến. Ðủ duyên, sấm chớp sẽ nổi lên. Cái an ổn dẫu có to lớn như bầu trời xanh trong, thinh lặng kia chúng vẫn ở trong định luật sinh diệt, rồi mây mù hoặc bão tố sẽ xuất hiện.

Kolita buồn bã đáp:

– Từ hệ thống triết học Veda, Vedanta, chúng ta bước ra ngoài truyền thống. Một bên là nô lệ một đấng chủ thể toàn năng với hàng ngàn vị thần tác oai tác quái, hí lộng đủ trò; một bên là đắm chìm vào một vài phúc lạc phù du, tạm thời để quên mất cái tiểu ngã đau khổ. Hai đàng đều chẳng thể. Hai đàng đều vong ngã. Cái Chân Phúc và Bất Tử nếu là cái quan niệm được thì nó phải là trạng thái đại hòa bình, dứt tuyệt mọi câu hỏi và mọi hoài nghi; dứt tuyệt luôn những năng lực tiềm tàng ở ẩn đâu đó trong nội tâm chúng ta, chờ cơ hội là chúng ló ra, thò chân quậy sóng. Bao giờ còn câu hỏi, còn hoài nghi, còn một cái gì đó chưa được yên là chúng ta còn phải lên đường tìm kiếm. Dù có gian nan, gục ngã, chúng ta vẫn không thối chí!

Hôm kia, sau khi đi khất thực trở về, hai chàng tìm đến đạo sĩ Sañjaya:

– Bạch đạo sư! Bạch thầy! Triết học của thầy, con đường thực hành của thầy, chúng con đã được học hỏi, đã chứng nghiệm, đã liễu tri. Chẳng hay đấy có phải là cứu cánh của những thiện gia nam tử từ bỏ gia đình, của những du sĩ sống hạnh khước từ?

Ðạo sĩ Sañjaya ân cần đáp:

– Các ngươi là những đệ tử ưu tú, ưu việt của ta. Triết học, giáo pháp ta đã nói hết rồi. Con đường thực hành, cái mà ta chứng đắc chính là hiện tại lạc trú, hiện tại Niết Bàn. Cái ấy chính là Chân Phúc và Bất Tử. Các ngươi chẳng cần tìm kiếm đâu nữa. Hãy ở lại bên ta làm cánh tay mặt, tay trái của ta để giáo huấn môn đồ. Ấy là hạnh phúc tối thượng vậy.

Ðôi bạn Upatissa và Kolita lặng lẽ nhìn đạo sĩ Sañjaya. Họ không muốn lý luận với ông trong lúc này, vì thật ra, dẫu biết triết lý và con đường thực hành kia chưa phải là cứu cánh, nhưng hai chàng cũng chưa tìm ra được ánh sáng nào.

Chẳng lẽ, chân lý xưa đã bị vùi lấp dưới những đống tro tàn? Chẳng lẽ nào những điện thờ, am miếu, thần tượng, kinh điển, chỉ còn là những biểu tượng khô kiệt tinh thần, chẳng còn một mảy may giá trị nội tại nào? Nhưng chắc chắn hai chàng không thể đánh đổi cả cuộc đời thanh xuân để mưu tìm một vài niềm vui huyễn hóa, sinh diệt.

Gởi lại hai trăm rưỡi đồ chúng ở đây, hôm sau, hai chàng xin phép đạo sĩ Sañjaya để lê gót du phương, lang thang khắp xứ Ấn Ðộ.

Với tấm y che thân, cái bát kiếm ăn; lúc nghỉ nơi cội cây, khi nơi đền miếu, am thất, nghĩa địa, rừng rú, làng mạc; bánh trái vừa đủ no lòng, họ quyết tìm cho ra đạo lớn.

Nghe nơi nào có bậc đạo sư lỗi lạc họ đều tìm đến để tham vấn. Cái băng giá của Tuyết Sơn, cái lửa bỏng của sa mạc, cái hừng hừng khô cháy của miền hanh khô nhiệt đới, gót chân quý tộc ấy đều đã từng dẫm qua.

Chưa có ở đâu thỏa mãn được cho hai chàng về tri kiến. Cũng chẳng có ở đâu giải đáp rành rẽ cho hai chàng con đường Chân Phúc và Bất Tử.

Ðôi bạn cảm thấy lạ lùng khi đối diện với những đạo sư suốt ngày ngồi trên tảng đá, khổ hạnh trầm tư, da bọc xương, mặc cho nắng lửa và mưa dầm. Họ nói rằng, muốn tìm kiếm chân phúc thì phải hủy diệt sự đòi hỏi của thân xác; bao giờ thân xác này được hành hạ, triệt tiêu đến tận cùng thì tinh thần sáng láng sẽ xuất hiện. Họ không có một ánh sáng trí tuệ nào khả dĩ thấy rõ lập luận thô thiển và máy móc ấy. Dẫu cho ngồi cả ngàn năm, ví có thể được như vậy thì Chân Phúc cũng không thể tự dưng nó tìm đến. Dầu kia mà khô kiệt thì ngọn đèn cũng lụn tắt mà thôi.

Có những đạo sĩ tự treo chân, treo tay mình lên ngọn cây. Thế là họ cũng thực hành con đường về với Phạm Thể!

Có những đạo sĩ nhịn ăn, nhịn thở  dẫu có chôn sống họ năm bảy ngày cũng không sao! Tu như vậy thì những tượng đá ngàn năm cũng thành bậc A La Hán mất thôi!

Có những đạo sĩ nằm ngửa lưng, ngửa bụng hoặc trườn lưng, trườn bụng ở trên đường: Họ đang hành hương đến quê nhà của Thượng Ðế !

Có những đạo sĩ ngồi yên lặng, tịch nhiên giữa nghĩa địa, tóc dài quá lưng, chim làm tổ trên đầu, những ngón tay dài đâm sâu vào lòng bàn tay, họ ăn những gì xung quanh mà tín thí động tâm cúng dường! Có lẽ đối với những đạo sĩ này, hình ảnh Thượng Ðế mà họ tìm kiếm chắc cũng man dã và thú rừng như họ vậy!

Ôi! Thật là không kể hết hàng trăm, hàng ngàn phương pháp và lối tu khác nhau mà hai chàng đã bắt gặp, đã tham vấn, đã đàm đạo. Và nói chung, lối tu khổ hạnh là cái được quần chúng mến mộ nhất, kính trọng nhất. Ai tu khổ hạnh đệ nhất thì kẻ ấy được nổi danh nhất!

Tất cả giáo chủ, đạo sư trên toàn xứ Ấn Ðộ, nói chung là đều đi tìm Phạm Thể. Họ đi bằng con đường khổ hạnh, ép xác; con đường thuật chú, bùa phép; con đường cúng tế, cầu nguyện; con đường trầm tư, thiền định. Con đường chân chính nhất là con đường thiền định, trầm tư nhưng rồi cũng không đi đến đâu, không đưa đến tối thượng an lạc và giải thoát. Họ đắm chìm, dừng nghỉ, thọ hưởng thụ động nơi các tầng thiền nào đó, một loại dục vọng tinh thần tế vi. Không đắm ở đấy thì họ rơi vào miền trầm mịch của hư vô: Hư vô của không, của thức, của tưởng! Tất cả đấy là cạm bẫy của những hành giả hướng thượng; là những tạo tác nhân quả vi tế, thanh lương; đều là pháp sanh diệt, chưa phải là cái Chân Phúc và Bất Tử.

Buồn nản quá, hai chàng thốt lên:

– Có lẽ nào! Có lẽ nào giữa trời đất mênh mông này không có một vị A La Hán, một bậc giải thoát đã bước ra khỏi vòng quay tất định của nhân quả, của nghiệp, của những buộc ràng hệ lụy, khổ đau? Có lẽ nào?

Bao năm qua rồi, nước da đôi bạn đã sạm nâu, phong trần; thân thể có gầy đi nhưng đôi mắt thì như tinh anh hơn, sáng rực hơn. Sau đôi vừng trán nhẵn bóng, phẳng lặng kia ẩn tiềm một tri thức vượt bực, một giá trị tinh thần phong phú, đồng thời, cũng ẩn chứa những câu hỏi buốt lạnh như băng giá, những vấn nạn nóng rực như hỏa diệm sơn!

Bước chân quyết chí tầm đạo lang thang vô định, bây giờ thất bại, bất lực, mang họ trở về quê hương cũ: Kinh thành Vương Xá! Hai chàng muốn trở về làng thăm cha mẹ, bà con trước khi tiếp tục theo tiếng gọi viễn du.

Dẫu sao hai chàng chưa thật sự tuyệt vọng. Lửa ngàn đời của khát vọng hiểu biết còn nung đốt ở bên trong; Chân Phúc và Bất Tử còn thúc hối, rượt đuổi đôi bạn trên đường trường nên trước khi chia tay, họ cam kết với nhau rằng:

“- Nếu ai tìm ra con đường Chân Phúc và Bất Tử trước thì người ấy phải tức khắc thông báo cho người kia và ngược lại.”