Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59272 Lượt xem

CUỘC TỪ GIÃ VĨ ĐẠI

 
 

S

au khi an cư mùa mưa ở làng Beḷuvā, đức Thế Tôn và tăng chúng bộ hành qua nhiều chặng đường xa về Kỳ Viên tịnh xá. Tôn giả Xá Lợi Phất cảm thấy cơ thể rã rời, dường như không còn chút hơi sức nào.

Ngài biết rằng, tấm thân này đã như một cỗ xe quá cũ, các trục đã hao mòn, các căm đã lỏng lẻo hoặc hư mục. Rõ ràng đây là lúc phải thời để tính chuyện ra đi!

Thế rồi, tôn giả trở về tịnh thất, cất đặt y bát, quét dọn phòng, trải tọa cụ rồi đi vào định diệt thọ tưởng để nghỉ ngơi. Khi xả thiền thì trời đã vào khuya, lúc đứng dậy, ngài nghe các khớp xương đau nhức và trong đầu như có cái gì bén nhọn đâm vào rồi lại kéo ra. Tuy thế, đi kinh hành một lát, tôn giả lại trở về chỗ tọa cụ, chậm rãi ngồi xuống, một ý nghĩ khởi sanh: “Ta sẽ Nhập Diệt trước đức Thế Tôn hay là sau ngài?

 Tôn giả hướng tâm đến, biết rằng, bao giờ vị đại đệ tử cũng nhập diệt trước vị Phật. “Còn Mục Kiền Liên thì sao?” Ngài lại tự hỏi, rồi biết rằng tôn giả Mục Kiền Liên sẽ nhập diệt sau ngài nửa tháng. Và hiện tại, thọ hành của tôn giả Xá Lợi Phất chỉ còn duy trì được hai mươi mốt ngày. Vậy thì trong thời gian này, tôn giả còn bổn phận gì trên đời cần phải thực hiện? Và dĩ nhiên, tôn giả lại tưởng nghĩ đến mẹ. Mẹ ngài vẫn là cái gì cứ mãi canh cánh ở bên lòng.

Mặc dầu cả thảy bảy người con ( bốn trai ba gái) trong gia đình đều đắc quả A La Hán nhưng bà Sārī không tin Tam Bảo, vẫn xem thường đức Phật và tăng chúng, vẫn đặt niềm tin mù quáng theo ngoại đạo.

Tại sao tôn giả lại không thể cứu độ mẹ được? Cả hàng ngàn vị trời, ngài đã từng an trú cho họ vào các tầng thánh quả. Cả hàng ngàn gia đình cư sĩ, tôn giả đã mở những cánh cửa trời cho họ bước lên, đôi khi là đưa họ vào dòng giải thoát. Cũng đã hàng ngàn tỳ-khưu và sa-di đã nhờ tôn giả mà họ bước vào các đạo lộ siêu thế. Kể cả các giáo phái chủ, giáo phái sư, bà-la-môn trưởng giáo, bà-la-môn trí thức hữu danh, vua chúa, đại thần, tướng quân, thương gia… dẫu kiêu căng, cứng đầu, trịch thượng nhưng sau khi nghe pháp họ đã trở nên nhu thuận, dễ dạy! Thế thì tại sao tôn giả lại bất lực trước mẹ ngài? Có lẽ vì thiếu trí tuệ hoặc vì nhân duyên của bà chưa chín muồi?

Tôn giả Xá Lợi Phất lại trở nên trầm ngâm,  ngài đang hướng tâm quan sát căn duyên của mẹ. Chợt tôn giả hoan hỷ thốt lên:

– “Hay thay! Tuyệt diệu thay! Mẹ ta sẵn đủ căn duyên bước vào thánh đạo!”

Rồi tôn giả lại nghĩ tiếp:

“Vậy ai là người có duyên để cứu độ mẹ ta?”

Sau khi biết rõ kẻ đó chính là mình, tôn giả quyết định:

“Vậy thì ta sẽ nhập diệt ở chốn cố hương, nơi chỗ mà ta chào đời để cứu độ mẹ ta!”

Sáng hôm sau, tôn giả Xá Lợi Phất trình bày quyết định của mình cho tôn giả Mục Kiền Liên hay. Cả hai ngồi yên lặng một hồi lâu.

– Ðại huynh tính như vậy thì tình, lý, đều trọn vẹn! Đức Mục Kiền Liên nói – Thôi, đại huynh đi trước, đệ sẽ tùy thời mà đi sau!

Tôn giả Xá Lợi Phất đứng lên, nắm tay Mục Kiền Liên:

– Vậy là từ nay, chúng ta sẽ không có cơ hội gặp nhau, đây là lần cuối cùng, chẳng còn cái cuối cùng nào nữa cả!

– Cũng vừa đủ, đại huynh! Mục Kiền Liên cất giọng chậm rãi – Ðã kinh qua suốt cuộc đời, duyên lành gặp được đạo mầu bất tử, chẳng còn một mảy may đau khổ, phiền não nào dính mắc ở trong tâm! Và, chúng ta cũng đã làm được nhiều điều hữu ích, lợi lạc cho chúng sanh! Chúng ta cũng đã làm việc hết sức mình, cơ thể chúng ta đã không còn chịu đựng được nữa rồi!

– Ðúng là vậy, hiền đệ! Chúng ta làm bạn với nhau suốt trong tuổi thơ ấu, thanh niên, và hơn bốn mươi năm trong giáo pháp của đức Tôn Sư. Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong mọi công việc được đức Thế Tôn giao phó, chưa lần nào chúng ta tranh cãi một lời, luôn luôn thuận thảo, tương kính, luôn luôn từ hòa, hỷ hoan, mát mẻ…

Ôi! Thật là tốt đẹp thay khi chung ta đã sống trọn vẹn một cuộc đời giác ngộ!

Tôn giả Mục Kiền Liên nắm tay tôn giả Xá Lợi Phất, xiết chặt, mỉm cười:

– Không biết mấy triệu năm mới có một cuộc tương ngộ và một cuộc vĩnh biệt như thế này? Hãy cho đệ đảnh lễ lần cuối cùng, một người anh duy nhất, cao cả và siêu việt!

Ðại Mục Kiền Liên quỳ xuống đảnh lễ. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng quỳ xuống đảnh lễ theo. Cả hai đều rất chân tình và rất trân trọng.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Từ khi thấy được giáo pháp Bất Tử, huynh không tìm thấy chỗ nào là huynh, chỗ nào là đệ ở trong hai chúng ta cả. Ðây chỉ là sự tương kính pháp. Huynh cũng xin được đảnh lễ một người em duy nhất, cao cả và siêu việt!

Cả hai vị tôn giả tối thượng từ giã nhau như vậy, vĩnh biệt nhau như vậy. Thật là thân thiết mà xa xôi, đậm đà mà nhạt đạm, chẳng vướng bận gì, chẳng dính mắc gì. Như mây bay, như gió thoảng. Không rỗng như hư không.

Sau đó, tôn giả Xá Lợi Phất đi khất thực. Ngài muốn đi một vòng quanh kinh thành Xá Vệ thăm viếng một lần cuối cùng nơi mà ngài đã từng sống với chư tăng và mọi người trong bao nhiêu năm, nơi mà ngài được bao người kính mộ dâng cúng vật thực đầy đủ để nuôi thân và hành đạo. Ngài phải biết tri ân điều đó.

Về lại tịnh xá Kỳ Viên, tôn giả cũng đi thăm một vòng như thế. Ðộ ngọ xong, tôn giả cho gọi trưởng lão Mahā Cunda, là em của ngài đến bên rồi nói:

– Này Mahā Cunda! Hãy chuẩn bị, cùng với ta, về quê thăm mẹ nhé!

– Dạ, thưa vâng!

– Hãy sử dụng khả năng của đệ để thông báo cho Upasena, Revata và các vị tỳ-khưu-ni Cālā, Upacālā, Sīsupacālā cùng về luôn thể.

– Dạ, thưa vâng!

– Hãy bảo rằng là ý của ta, cho tụ họp năm trăm tỳ-khưu môn đệ, cùng bộ hành với chúng ta về Nālakā để hỗ trợ uy lực cho mẹ.

– Dạ, thưa vâng!

Khi trưởng lão Mahā Cunda quay lưng bước đi, tôn giả Xá Lợi Phất chợt kêu lại:

– Này Mahā Cunda! Trong bao năm sống với đại huynh, đại huynh có làm điều gì phiền rộn đến em không?

– Dạ thưa không! Ðại huynh trắng bạch như vỏ ốc. Bảo làm phiền rộn thì chẳng khác nào là em không có tai, không có mắt, không có tim, không có óc!

Tôn giả lại ân cần:

– Em đã là một trưởng lão cao hạ rồi. Ta hỏi thế thôi chứ ta biết em an vui, tinh tấn, sống rất hài hòa với mọi người, lại được hạnh phúc vững chắc trong giáo pháp nữa.

Trưởng lão Mahā Cunda ngần ngừ một lúc:

– Lần này có thể dắt mẹ qua bờ được không?

– Báo tin vui cho em hay là chắc chắn được! Mẹ chúng ta sẽ đến được bến bờ bình an!

Trưởng lão Mahā Cunda cảm thấy hoan hỷ trong lòng, chào tôn giả rồi đi ngay.

Hôm sau, tôn giả Xá Lợi Phất lấy chổi quét dọn tịnh thất, cất đặt mọi thứ đâu đó cho ngăn nắp. Dọn dẹp bên trong rồi tôn giả ra quét dọn xung quanh hành lang. Xong xuôi, đắp y, mang bát – tôn giả bước ra bên ngoài, khép cửa lại. Ngài đi quanh ba vòng rồi bước ra xa, nhìn ngắm lại tịnh thất. Tôn giả nói thầm trong tâm rằng:

“Cảm ơn ngươi đã che mưa đỡ nắng cho ta bao ngày. Ðây là cái nhìn cuối cùng của ta, ngươi biết không? Nhưng khi ta đi rồi, thì hy vọng rằng, sau ta, nhiều vị A La Hán khác nữa sẽ ở trong vòng tay ấm cúng của ngươi”.

Lát sau, hai vị đại đức Upasena, Revata tìm đến; rồi lần lượt các vị tỳ-khưu-ni Cālā, Upacālā, Sīsupacālā – em ruột của ngài – đều tề tựu đầy đủ. Tôn giả rất hoan hỷ, báo với các em mục đích chuyến thăm viếng mẹ lần cuối cùng. Ngay lúc ấy, trưởng lão Mahā Cunda cùng năm trăm tỳ-khưu đi đến. Họ đều đảnh lễ tôn giả và chờ lệnh.

Tôn giả nói:

– Các thầy sẽ vất vả bộ hành đường xa, nhưng rồi sẽ thâu hái được nhiều điều bổ ích. Bây giờ hãy cùng ta đến đảnh lễ đức Tôn Sư!

Ðức Thế Tôn đã biết, lúc ấy, ngài đang chờ họ ở Ðại Giảng Ðường. Sau khi đảnh lễ, tôn giả quỳ xuống bên chân đức Ðạo Sư:

– Hôm nay, đệ tử đến đây để chào đức Tôn Sư lần cuối cùng. Ðệ tử sắp từ bỏ huyễn thân và từ bỏ cõi đời trần tục này. Thọ hành của đệ tử như ngọn đèn leo lét. Xin đức Tôn Sư cho phép đệ tử được Nhập Diệt.

Ðức Thế Tôn im lặng.

Tôn giả lại cất giọng khẩn thiết:

– Ôi! Ðệ tử biết nói lời gì khi vĩnh biệt một bậc vĩ nhân siêu quần bạt tụy? Chính nhờ hồng ân của  đức Đạo Sư mà đệ tử bước ra khỏi bể khổ trầm luân để đi theo dấu chân giải thoát của ngài. Từ đây, đệ tử sẽ không còn lang thang vô định, tới lui giữa sáu cõi khổ vui sinh diệt nữa. Ðây là lời phụng bái thứ nhất của đệ tử!

Tôn giả cung kính đảnh lễ.

– Giờ đây, thân xác tứ đại của đệ tử bắt đầu rã tan, sắp trả về cho tứ đại. Chỉ vài mươi hôm nữa, thọ hành của đệ tử sẽ chấm dứt vĩnh viễn, kể cả ngũ uẩn này cũng không còn tiếp tục chồng chất, rối loạn, lòe bịp ai được nữa. Thế là gánh nặng muôn đời đã được buông bỏ xuống. Ðệ tử sẽ hoàn toàn giải thoát, không còn bất kỳ một hạt bụi phiền não nào còn tồn tại. Ân đức ấy thuộc về đức Tôn Sư, triệu triệu năm không đền đáp được. Hãy cho đệ tử thêm một phụng bái thứ hai nầy!

Tôn giả cung kính đảnh lễ.

– Ôi! Hồng ân của đức Tôn Sư là đời đời bất diệt. Từ khi bước chân vào giáo pháp Bất Tử, đệ tử đã biết sống một cuộc đời có lợi ích thiết thực, biết phục vụ và biết phát huy, tăng trưởng sung mãn những phẩm chất cao đẹp của con người. Thế nên biết bao chúng sinh đã được lìa xa khổ não? Biết bao chư thiên và nhân loại đã được nếm hương vị của pháp mầu? Giờ đây, đệ tử đi vào Niết Bàn với tâm tư hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện. Xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử được nghỉ ngơi vì cái cỗ xe thân xác này đã đến lúc rã mục. Cho đệ tử được phụng bái một lần nữa, lần thứ ba, thay mặt chúng sinh, tri ân bậc Vô Thượng Giác!

Cả hội trường im lặng như tờ. Ðâu đó dường như có tiếng khóc nho nhỏ. Rất nhiều vị tỳ-khưu trong hàng ngũ chư tăng không ngăn được giọt lệ.

Ðức Thế Tôn cất giọng an nhiên, điềm đạm:

– Này Xá Lợi Phất! Ông sẽ Nhập Diệt ở đâu?

– Tại quê hương của đệ tử, làng Nālakā, tại chỗ mà đệ tử được chào đời!

Ðức Phật hỏi tiếp:

– Thời gian chỉ còn hai mươi ngày, từ đây về quê có kịp không?

– Dạ thưa, vừa đủ.

– Vậy thì đây là việc cần thiết, sau lần từ giã này, chư tăng và huynh đệ sẽ không còn cơ hội được gặp mặt ông nữa; ông hãy ưu ái đến hội chúng, thuyết cho họ nghe thời pháp cuối cùng.

Vâng lời đức Phật, tôn giả bước lên một bảo tọa thấp hơn, ngồi ngay ngắn, đoan nghiêm, nhiếp tâm thanh tịnh rồi ban một thời pháp chưa từng được nghe…

Thời pháp như tiếng gió rì rào bất tận, như hải triều âm xa mù đại dương, từng đợt sóng cuộn trào va đập vào ghềnh đá. Liên miên. Bất tuyệt. Gió lại lặng, sóng lại tan… Cử tọa thính chúng chợt như thấy trước mắt mình một bình minh tươi sáng, một mùa xuân mát mẻ an lành hiện ra sau đêm đông lạnh lẽo. Tuyết tan, tiếng chim reo vui, muôn hoa đua nở, hương trời bàng bạc, dịu dàng như xoa dịu tất cả những tâm hồn khổ đau…

Tôn giả nói về đời ngài bị bít bùng bởi truyền thống, bởi tâm thức ngoại giáo, sống trong bóng tối nô lệ của thần quyền; bước đi trong mê lộ của những thứ triết học rối rắm, tơ vò, hợm hĩnh và cao đại. Có những lời, những chữ được dệt gấm thêu hoa, kết nên tư tưởng được đóng khung, được mạ vàng, được quảng cáo rầm rộ là chân lý bất diệt nhưng thực chất là rỗng không, không có linh hồn, không có sự sống. Tất cả đấy chỉ là lớp ngụy trang, là cái vỏ hào nhoáng bao che bên ngoài các bản ngã với những dục vọng thô thiển cũng như tế vi! Thế rồi từ đời này sang đời nọ, cha ông, cháu con, hệ hệ được nối tiếp, kế thừa; hình thành một tập cấp buôn thần bán thánh, rêu rao vì đại bi, vì phương tiện tối thượng thừa, vì lòng từ của Thượng Ðế! Chúng nắm độc quyền về tinh thần, miệng lưỡi trả giá như con buôn, thao túng bọn dân ngu khu đen, chụp vào bàn tay lông lá những đặc quyền đặc lợi, ăn trên ngồi trước, no nê phè phỡn, nhảy múa bên bờ vực thẳm của Tử Ma…

Thế rồi, tiếng trống Bất Tử có mặt giữa đời, xóa tan mây mù hôn ám; như một sinh khí mới, làn sóng Pháp Bảo uy dũng và dịu dàng cuốn đi tất cả mọi rác rưởi xú uế của thần linh và con người ngu si để lại. Ðấng Vô Thượng Tôn ngự giữa tầng mây, gióng lên tiếng sấm, thức tỉnh mọi loài; một cơn mưa hoa nhân ái, sáng rỡ trí tuệ, mênh mông giải thoát; chỉ ra một lộ trình hướng thượng, mở ra một cánh cửa đã đóng kín tự ngàn xưa, đem chúng sanh đến các cõi chân phúc và xán lạn…

Ôi! Con đường ấy là gì? Cánh cửa ấy là gì? Hỡi ai có chân để bước, có tay thì gõ mà vào! Một vị Chánh Ðẳng Giác đã xuất thế, qua hằng triệu năm tu tập công hạnh, thăng hoa phẩm chất, kết đài trí tuệ! Từ đỉnh Hy Mã Lạp sơn bước xuống, dòng sông Ðại Hằng mở ra, quả địa cầu cúi mình xuống thấp, nghênh đón bước chân nở bảy hoa sen. Ngài đi giữa chốn loài người đã trên bốn mươi năm không mệt mỏi vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Ðức Thế Tôn ấy là thầy của tôn giả, cho ngài uống được giọt nước trong mát tận đầu nguồn thánh hạnh…

Ôi! Ðầu nguồn thánh hạnh ấy là gì? Hỡi ai có tai để nghe, có trí để tìm hiểu!…

Vốn làu thông cả Ba Tạng, tôn giả Xá Lợi Phất đã đi từ những pháp cao siêu nhất xuống những pháp gần gũi và giản dị nhất. Rộng thì rộng đến vô biên, mà nhỏ thì có thể đựng đầu hạt cải. Và cuối cùng, lộ trình hướng thượng ấy, cánh cửa Bất Tử ấy chỉ còn là đứng đi nằm ngồi, mặc áo, ăn cơm, quét tịnh thất, tôn kính bậc trưởng thượng, giác tỉnh, nhu thuận, lặng lẽ, ôn hòa, thuần tịnh, nội tâm trong sạch không có cáu bợn phiền não…!

Cả Ðại Giảng Ðường mênh mông như vừa được tắm mát bởi thời pháp của tôn giả. Chư thiên, phạm thiên, rồng, dạ-xoa, cưu-bàn-trà, càn-thát-bà… ngự đầy đặc cả không gian rải hoa ca ngợi.

Tôn giả bước xuống pháp tòa, quỳ ôm đôi chân của đức Thế Tôn rồi cất lên tiếng lời uy dũng của sư vương:

– Kính lạy bậc Thiên Nhân Sư! Hãy cho đệ tử lễ bái đôi chân này! Cũng chính nhờ lễ bái đôi chân này mà đệ tử được hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn giải thoát. Chính nhờ lễ bái đôi chân này mà đệ tử được sống giữa thời gian vô cùng và không gian vô tận, được sống vĩnh cửu trong mỗi chớp mắt thoáng trôi. Tất cả mọi nguyện vọng, hy cầu của đệ tử giờ đây đã được cụ túc, viên dung, trọn vẹn. Từ đây, đệ tử sẽ không còn được gặp đức Thế Tôn để đảnh lễ đôi chân này nữa. Ðây là giờ phút nghiêm trọng, thiêng liêng mà đệ tử có thể sờ được đôi chân của đấng Toàn Giác, đồng thời thấy rõ được cảnh giới Niết Bàn, không chết, không sinh, an nhiên, tự tại, tịnh mặc. Ðệ tử đảnh lễ đôi chân này vì đôi chân này cũng chính là đôi chân của vô lượng vị Phật quá khứ đã bước vào cảnh giới ấy; và hiện giờ đây, đệ tử cũng đang lần bước theo…

Ðảnh lễ đôi chân một ngàn căm bánh xe của đức Phật xong, tôn giả đứng lên rồi quỳ xuống lại.

– Bạch đức Thế Tôn! Từ trước đến nay, suốt hơn bốn mươi bốn năm sống trong giáo pháp, nếu đệ tử có hành vi hay lời nói nào phật ý đức Thế Tôn, không được vừa lòng đức Thế Tôn vì trí tuệ non kém của đệ tử, ngưỡng mong đức Thế Tôn hỷ xả, tha thứ lỗi lầm ấy cho đệ tử.

Ðức Phật cất giọng chậm rãi, ôn nhu, từ hòa:

– Này Xá Lợi Phất! Ông là một tỳ-khưu uyên bác, thông minh, có đạo hạnh cao cả, khiêm nhu, một trí tuệ vượt bậc, sắc bén và sáng sủa, lẽ nào ông có thể có hành vi hay cử chỉ tạo ra lỗi lầm với Như Lai? Ông đúng là một sa-môn ưu tú, mẫu mực, giềng mối cho giáo hội; gia dĩ có sự quở trách nào đó cũng chỉ vì muốn viên toàn bổn phận cho ông, hoặc ông sẽ tăng trưởng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chư tăng thay mặt Như Lai mà thôi.

Rồi đức Thế Tôn lại nói tiếp:

– Dầu ông có lỗi lầm hay không lỗi lầm Như Lai cũng đã tha thứ cho ông rồi. Mà thật ra, ông có lỗi lầm gì đâu, trọn cả cuộc đời, dầu là một hạt bụi nhỏ, ông cũng không để dính trên sợi lông chân của mình! Thôi, thì giờ cũng đã phải lẽ, ông hãy làm những gì mà ông nghĩ là đúng thời!

Ðức Phật đứng dậy. Tôn giả Xá Lợi Phất rời khỏi bàn chân của đức Thế Tôn.

Ngay lúc ấy, đại địa cầu rung chuyển, nước trong bốn đại dương dâng cao. Cả tầng mây, cả hư không dường như cũng dao động không ngớt! Nếu đại địa cầu biết nói thì nó sẽ nghẹn ngào, xúc động mà khởi lên tiếng nói như sau:

“- Ôi! Hỡi những hiện thân kỳ mỹ, vĩ đại và siêu việt! Mặc dầu thân thể tôi đây có thể chịu đựng được những vết chém ngang dọc của những con sông to, sông nhỏ; mặc dầu thân thể tôi đây có thể chở mang, gánh nặng những ngọn Meru hùng vĩ, những thần sơn Cakkavāla cao ngất và đỉnh Himavantu, vua của loài núi, ngút mây! Thế nhưng, tôi đã không chịu đựng nổi ngày hôm nay, một ngày mà giới đức, định đức, tuệ đức cùng vô lượng phẩm chất cao đẹp khác của con người, của thế gian đồng quy tụ ở Ðại Giảng Ðường Kỳ Viên tịnh xá tại kinh thành Xá Vệ, nước Kosala này!”
Chợt một tiếng sấm đầy uy vũ vang tận các tầng trời và không biết từ đâu, một đám mây khổng lồ che kín cả không gian, tối đen; rồi một trận mưa kinh hoàng, xối xả tuôn xuống mặt đất như thác đổ.

Ðức Thế Tôn nhìn trời, tự nghĩ:

“Giờ đây, một vị Chưởng Pháp vô song sắp đi vào Tịch Diệt, trời đất đã khởi lên những hiện tượng của trăm ngàn đại kiếp mới có một lần.

Thôi! Ngài ngước nhìn trời – mưa như vậy là vừa đủ để còn nhiều người đưa tiễn con trai ưu tú của Như Lai!”

Dường như giữa hư không biết được ý nghĩ của đức Phật nên trời lại quang, mây lại lặng.

Ðức Thế Tôn rời Ðại Giảng Ðường, bước về hương phòng, ngài đứng trên tấm thảm nhìn ra. Tôn giả Xá Lợi Phất đi theo, chấp tay rồi đi quanh hương phòng ba vòng về bên mặt, bốn góc, đảnh lễ bốn phương; đến khung cửa chính, chấp hai tay lên quá đầu, đảnh lễ đức Thế Tôn một lần nữa. Với tư thế lặng lẽ như vậy, tôn giả nói ở trong tâm:

“Giờ phút này, giữa không-thời-gian-vĩnh- cửu-bất-diệt; không biết đã trải qua bao trăm ngàn đại kiếp, khi ta quỳ mọp dưới chân đức Phật Anomadassi và phát nguyện được gặp đấng Như Lai này? Nguyện vọng ấy giờ đã hoàn toàn viên mãn. Lần gặp gỡ đầu tiên với vị Cổ Phật là sự kiện lớn nhất đối với ta. Còn đây là lần gặp gỡ sau chót, ta chiêm ngưỡng đức Phật hiện tại, để sau này chẳng còn cơ hội nào nữa cả”.

Thế rồi, tôn giả đứng dậy, vẫn giữ nguyên tư thế hai tay trên đỉnh đầu, ngài thụt lùi từng bước một chậm rãi, thụt lùi cho đến lúc không còn thấy đức Thế Tôn nữa.

Ðại địa cầu một lần nữa lại rung chuyển dữ dội, sóng nước từ bốn đại dương dâng cao, ì ầm, va đập giữa hư không!

Ðức Phật nói với chư tăng, lúc ấy họ đứng yên lặng đầy đặc cả Kỳ Viên tịnh xá:

– Các thầy có nghe, có thấy con trai trưởng của Như Lai đã để lại bài học huy hoàng, cao cả và xán lạn cho muôn đời sau hay chưa? Thôi, bây giờ các thầy hãy đi đi ! Hãy đi đi! Hãy đi tiễn ông anh cả của các thầy đi!

Nói xong, đức Thế Tôn quay lưng, khép cửa hương phòng lại. Chư tăng cả hàng ngàn vị, hàng chục Ðại Trưởng Lão đồng theo chân đưa tiễn bậc Tướng quân Chánh pháp về nơi an nghỉ cuối cùng. Dân chúng thành Xá Vệ hay tin, họ khóc lóc kéo nhau thành từng đoàn, lũ lượt như từng dòng suối chảy cuồn cuộn, đổ ra từ các hang cùng ngõ hẻm. Chợ không đông, nhà nhà đóng cửa lại. Họ tỏ dấu chịu tang bằng cách tẩm ướt nước lên tóc, tay cầm tràng hoa, vật thơm đặt lên tất cả các lối đi.

Tôn giả Xá Lợi Phất và chư tăng bị bít kín giữa rừng người, giữa rừng tiếng khóc than và biển nước mắt.

Ngài phải đứng lên cao, nói lời an ủi, phủ dụ:

– Hỡi các hàng cận sự nam nữ và muôn dân kinh thành Xá Vệ yêu mến! Các người đã có lòng thương xót đến ta, kính mến ta thì hãy trở về. Ðưa tiễn ta như vậy là vừa đủ. Ai rồi cũng phải một lần vĩnh biệt. Nhưng ta ra đi không phải là về nơi đau khổ, ta đi về chốn giải thoát, chân phúc và tịch lặng. Ta ghi nhận tấm lòng tri ân của các người, rồi phước báu sẽ hộ trì cho các người được hạnh phúc và an ổn!

Tôn giả lại nói chuyện với chư tăng cùng chư vị trưởng lão:

– Tôi cũng rất biết ơn chư tăng cùng các vị trưởng lão đã tận tình tiễn đưa. Trong bao năm chung sống trong giáo pháp thiêng liêng, cao cả, chư tôn hiền giả đã giúp đỡ tôi hết lòng, nhờ vậy giáo hội mới có được ngày hôm nay. Giờ phút cuối cùng này, và không bao giờ còn sự gặp gỡ nào khác, xin chư tăng và chư vị trưởng lão xá tội cho tôi nếu tôi đã có gì lầm lỡ. Mong chư tôn hiền giả thay mặt tôi mà chăm sóc, hầu hạ sức khỏe cho đức Đạo Sư. Tôi xin thành kính đa tạ.

Chư tăng lặng lẽ hơn nhưng không tránh khỏi còn nhiều tiếng khóc. Họ cũng không nói gì, đưa đôi mắt nhìn tôn giả thật lâu, kính cẩn đảnh lễ, chào rồi từ từ quay gót. Tuy thế còn rất đông vị bịn rịn không chịu đi, tôn giả ân cần nói mãi, họ vẫn khóc lóc, kể lể:

– Này các thầy! Hãy đứng lại một lát đã. Trước đây người anh cả của chúng ta đi bao nhiêu lần cũng trở về, còn đây là chuyến đi không có ngày trở lại!

– Chúng ta sẽ không bao giờ được nghe những lời pháp êm ái, ngọt ngào được tuôn chảy ra từ tấm lòng từ ái bao la của người mẹ hiền nữa.

– Chúng ta sẽ không còn được nhìn ngắm khuôn mặt tuấn tú, đoan nghiêm; tác phong ôn nhu, khiêm tốn; nụ cười rực sáng hồn hậu của vị đại huynh trưởng kia nữa!

Tôn giả lại phải khuyên nhủ:

– Này các thầy! Ly hợp là thường tình, luyến thương là phiền não. Tất cả mọi cái được cấu tạo, do nhân duyên, do điều kiện đều bị chi phối bởi định luật tất yếu của sanh diệt, vô thường. Các thầy biết rõ điều ấy rồi thì đừng nên chuốc lấy đau khổ cho mình mới phải!

– Thưa vâng, bạch tôn giả! Chúng tôi sẽ khắc cốt, ghi tâm những lời vàng ngọc ấy.

Lúc đó họ mới chịu bước đi.

Trong giờ phút tiễn đưa này, tôn giả Xá Lợi Phất được gặp hầu hết các vị trưởng lão. Chỉ có một số tôn giả tránh gặp mặt, rút vào rừng sâu. Tôn giả Mục Kiền Liên viện cớ đi xa. Tôn giả A Nan Đa được đức Phật sai đi công việc ở nơi khác.

Tôn giả A Nậu Đà La xin được đưa tiễn đến nơi đến chốn. Ngài Xá Lợi Phất đồng ý. Thế rồi, ngài, tôn giả A Nậu Đà La, sáu vị A La Hán em ngài cùng với năm trăm vị tỳ-khưu môn đệ nhắm hướng Nālakā cất bước.

Ôi! Thật là một cuộc từ giã vĩ đại mà trong giáo pháp của  đức Tôn Sư chỉ xảy ra một lần! Quả địa cầu đã không chịu đựng nổi.

Thiên chúng, phạm thiên chúng, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, cưu-bàn-trà đưa mắt nhìn lặng lẽ, ngậm ngùi. Riêng phạm thiên Sāhampati và Đế Thích biết mình còn một bổn phận cuối cùng tại ngôi làng Nālakā nhỏ bé ấy.