Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59270 Lượt xem

VỚI ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐAA

 

C

ái tin vua A Xà Thế (Ajātasattu) bị Ðề-Bà Đạt Đa (Devadatta) xúi giục, âm mưu sát hại vua cha là Bình Sa vương để chiếm ngôi làm mọi người bàng hoàng, chua xót. Công việc bại lộ, A Xà Thế bị bắt quả tang; và người cha đầy lòng nhân ái, bi mẫn ấy vốn là một Thánh đệ tử, không đành lòng xử phạt con trai mà lại còn nhường ngôi vì biết hoàng tử thèm muốn làm vua. Thế nhưng, để trả ơn, người con bèn hạ ngục, bỏ đói cha và vua Bình Sa đã chết một cách thê thảm. Cả kinh thành Vương Xá đều đau về nỗi đau này. Và giáo hội của đức Tôn Sư từ đây lại phát sanh lên một mụn nhọt, do bởi một con người bị lợi danh mù quáng, biến đổi nhân tâm, tham vọng ngông cuồng: Đấy là Ðề Bà Đạt Đa!

Ðược vua A Xà Thế hậu thuẫn, xây cất cho một tu viện nguy nga đồ sộ, lại hằng ngày cung cấp tứ sự dư dả, Ðề Bà Đạt Đa khởi tâm muốn lãnh đạo giáo hội. Quy tụ xung quanh ông là mấy trăm tỳ-khưu ham muốn lợi dưỡng, khỏi phải đi khất thực, nhàn hạ thảnh thơi, nên lôi cuốn môn đồ ngày càng đông! Số tỳ-khưu này suốt ngày nịnh bợ, tâng bốc ông. Quần chúng không phân định được trắng đen nên họ hết lòng sùng bái. Vậy là danh tiếng Ðề Bà-Đạt Đa có lúc lại vượt trội hơn cả tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Ðề Bà Đạt Đa thấy cơ hội đã đến, hôm kia, ông cùng với đông đảo tùy tùng môn đệ, đến hầu đức Thế Tôn, cất giọng có vẻ cao ngạo:

– Bạch đức Ðạo Sư! Lúc này đức Ðạo Sư niên trưởng đã cao, sức đã yếu (1), đệ tử thấy đức Ðạo Sư nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng là phải lẽ. Còn công việc của giáo hội, đức Ðạo Sư hãy để cho con làm chưởng quản, chăm sóc và lãnh đạo chư tăng.

Ðức Phật đã thẳng thừng từ chối:

– Này Ðề Bà Đạt Đa! Ông là gì mà đòi chưởng quản giáo hội? Ông tưởng rằng giáo hội Thánh hạnh này để cho một kẻ liệt tuệ, thiếu tư cách, thiếu phẩm chất như ông lãnh đạo hay sao? Ngay chính Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, Như Lai thường coi như ngang hàng với Như Lai thế mà Như Lai vẫn chưa giao phó giáo hội cho hai ông ấy. Ông hãy đi đi! Từ rày trong giáo pháp này không có chỗ cho ông – một kẻ cuồng vọng!

Xin làm lãnh đạo không được, lại bị bẽ mặt, Ðề Bà Đạt Đa tức giận, nguyện trả thù.

Khi Ðề Bà Đạt Đa đi rồi, đức Thế Tôn cho gọi tôn giả Xá Lợi Phất:

– Ông, Mục Kiền Liên cùng với đệ tử, hãy đi khắp kinh thành Vương Xá công bố về tất cả những hành động xấu xa của Ðề Bà Đạt Đa. Và xác định cho mọi người hay rằng, Ðề Bà Đạt Đa đã ở ngoài giáo hội; việc làm của ông ta sau này là trách nhiệm của chính ông ta, chứ không còn liên hệ gì đến Tam Bảo!

Tôn giả Xá Lợi Phất ngại ngần:

– Trước đây, cũng tại thành Vương Xá này, đệ tử đã từng đi công bố cho mọi người hay về phẩm hạnh trang nghiêm, trong sạch của Ðề Bà Đạt Đa rồi. Lẽ nào, hôm nay đệ tử lại tuyên bố ngược lại?

– Trước đây, ông công bố như thế có đúng sự thật không?

– Thưa, đúng sự thật.

– Vậy bây giờ ông đi công bố những điều Như Lai vừa nói, có đúng sự thật không?

– Thưa, đúng sự thật.

Ðức Thế Tôn liền phán:

– Vậy thì các ông hãy đi! Ðệ tử của Như Lai bao giờ cũng nói đúng sự thật cả!

Khi nghe tin đức Phật cho Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đi công bố trong thành Vương Xá về những việc làm xấu quấy của mình, Ðề Bà Đạt Đa tức giận điên cuồng. Lập tức, ông ta bỏ vàng bạc ra mua một số tay cung thiện xạ, núp rình để ám sát đức Phật.

Chuyện bất thành, những tên cung thủ kia đến sám tội với đức Phật rồi xin quy y Tam Bảo.

Lần thứ hai, khi đức Thế Tôn đi trên sườn núi Linh Thứu (Gijjakūa), chính Ðề Bà Đạt Đa lên đỉnh cao xô một tảng đá to lăn xuống để giết ngài.

Chuyện cũng không thành, các tảng đá va đập vào nhau, chỉ có một mảnh nhỏ gây thương tích nhẹ, làm cho ngón chân của đức Phật bị chảy máu.

Lần thứ ba, ông ta cho voi Nālāgiri uống rượu mạnh đến say, rồi thả ra ngay chỗ đức Phật đang đi. Voi hung tợn, điên cuồng lao đến đức Phật. Tôn giả A Nan Đa định hy sinh tính mạng nên lật đật đứng chận trước. Nhưng đức Thế Tôn đã cảm hóa voi say bằng tâm từ của ngài.

Những hành động tệ hại kia làm ông dần dần mất hết uy tín và dư luận quân chúng cũng như hai hàng cư sĩ cực kỳ chống đối lại ông. Chính vua A Xà Thế cũng chán nản ông, bỏ rơi ông, không nâng đỡ ông nữa. Mọi ân huệ của vua thế là mất hết. Khi lòng sân độc muốn hại Phật và lòng tham vọng đẩy ông đến chỗ xấu xa như thế thì mọi khả năng thần thông phép lạ của ông cũng tiêu tan luôn!

Thế nhưng ông chưa chịu ngừng lại. Với trí thông minh sẵn có, ông quay qua chiêu bài khác. Ông giả vờ đến sám hối đức Phật và xin đức Phật ban hành thêm năm điều cho hàng xuất gia:

– Thầy tỳ-khưu phải sống trọn đời trong rừng

– Thầy tỳ-khưu phải trọn đời khất thực.

– Thầy tỳ-khưu phải mặc y bằng vải lượm nơi nghĩa địa (vải bó xác tử thi).

– Thầy tỳ-khưu trọn đời phải sống chỗ không có mái che.

– Thầy tỳ-khưu trọn đời phải ăn ngũ cốc, rau trái, không được dùng các loại thịt!

Ðức Phật thấy rõ dã tâm của ông, nhưng ngài chỉ nói lên điều đáng nói:

– Hôm nay mà ông còn đến đây để giả vờ xin những điều có vẻ rất đúng đắn như vậy nữa hay sao? Ông biết Như Lai sẽ từ chối, và rồi ông sẽ đi rêu rao đây đó rằng, những điều ông đề đạt, yêu cầu là chân chính hơn cho giáo pháp, là tốt đẹp hơn cho hàng xuất gia. Thế là một số tỳ-khưu nông nổi và quần chúng nhẹ dạ lại bị ông mê hoặc bởi chiêu bài cao thượng ấy!

Còn đệ tử của Như Lai thì năm điều kia có người thực hành là tốt mà không thực hành năm điều ấy cũng không sao; cứ để họ tùy nghi lựa chọn theo sở thích, khả năng và sở hành của mình. Ông nên nhớ rằng với ăn, mặc, ngủ… bao giờ Như Lai cũng hằng khuyên là nên thiểu dục và tri túc! Ăn, mặc, ngủ… chừng mực, vừa đủ, dị giản là điều cần yếu; và quan trọng nhất là phải có một tri kiến chơn chánh như thế nào, phải tu tập một giáo pháp như thế nào con người mới trở nên cao thượng được! Chiêu bài của ông chỉ có thể lừa dối được kẻ ngu, cả tin, nhẹ dạ; không bao giờ qua mặt được người có trí, mắt sáng, có đức tin vững chắc đâu!

Thôi, ông hãy đi đi. Hôm nay Như Lai đã nói quá nhiều. Quả địa ngục đang chờ đón ông đấy. Hãy ghi nhớ lời ấy, và chỉ cần ghi nhớ một lời ấy mà thôi!

Ðức Phật đã nhắc nhở và cảnh tỉnh Ðề Bà Đạt-Đa như vậy; nhưng có chừng năm trăm tỳ-khưu bị Ðề Bà Đạt Đa dụ dỗ bởi chiêu bài cao thượng đã theo chân ông ta đến núi Kên Kên để hình thành một giáo đoàn riêng. Sự chia rẽ tăng-già (Sagha) đã đến hồi trầm trọng.

Tuy nhiên, đức Thế Tôn lại bảo Xá Lợi Phất:

– Bây giờ, Như Lai lại làm phiền đến ông và Mục Kiền Liên một lần nữa. Cả hai ông hãy đi mau, theo chân Ðề Bà Đạt Đa, đến núi Kên Kên, thuyết pháp cho năm trăm tỳ-khưu nhẹ dạ. Như Lai biết rằng, khi trở về, năm trăm tỳ-khưu kia sẽ tháp tùng theo hai ông. Và từ đây cho đến cuối đời, Ðề Bà Đạt Đa không còn làm gì được nữa. Ông ấy sẽ chết trong cô quạnh, đầy ăn năn, hối hận, sầu muộn. Tuy nhiên, khi nhắm mắt, ông ta rất thành thật, muốn yết kiến Như Lai và sám hối với Như Lai. “Con xin thành kính quy y đức Phật” là câu nói cuối cùng của ông ta!

Tôn giả Xá Lợi Phất khởi tâm từ ái:

– Bạch đức Thế Tôn! Sau này Ðề Bà Đạt Đa có khá hơn được không?

– Ông ấy bị đất rút, chịu quả báo ở địa ngục rất lâu, nhưng nhờ một thời gian tu hành trong sạch, nghiêm túc, ông ấy sẽ trở thành một vị Phật Ðộc Giác có tên là Atthissara!

– Thật kỳ diệu thay, bạch đức Thế Tôn!

Và còn kỳ diệu hơn nữa, tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến núi Kên Kên khi Ðề Bà Đạt-Đa đang nghỉ ngơi, hai vị đã thuyết pháp đến cho năm trăm thầy tỳ-khưu. Sau thời pháp, cả năm trăm thầy tỳ-khưu đều đắc quả Tu Đà Hoàn! Và họ đồng theo chân hai vị trưởng lão về Trúc Lâm tịnh xá yết kiến đức Thế Tôn.

Ðề Bà Đạt Đa biết ra thì đã muộn, nhìn khung cảnh quạnh quẽ xung quanh, ông ta gục xuống, thổ ra một bụm máu tươi! Không ai phản ông cả mà bởi chính tâm cuồng vọng của ông đã đẩy ông đến tuyệt lộ!

 


Chú thích:

(1) Chỗ này xem ra không đúng – vì Đề Bà Đạt Đa tuổi lớn hơn đức Phật.