Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58686 Lượt xem

VỚI A-NẬU-ĐÀ-LA

 
 

T

ôn giả Xá Lợi Phất là người bạn tốt của tất cả mọi người, rất nhu thuận, hiền hòa, kham nhẫn; luôn luôn biết chịu khó lắng nghe. Nhưng gặp trường hợp ngài cũng rất cương trực, thẳng thắn, sẵn sàng vạch rõ những sai lầm của bạn mà không khoan nhượng. Ðấy là đối với trường hợp ngài A Nậu Đà La.

Ðại đức A Nậu Đà La là một trong sáu ông hoàng cũng xuất gia một lần sau hai năm đức Phật thành đạo, đó là các các ông hoàng Bhaddiya, Ānanda, Bhagu, Kimbala, Devadatta cùng với người thợ cạo Upāli. A Nậu Đà La rất kính mến tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả đối với A Nậu Đà La cũng vậy. Tuy nhiên, lắm lúc tôn giả Xá Lợi Phất thấy A Nậu Đà La còn những ngã mạn và những ô nhiễm vi tế ở nội tâm mà chưa có cơ hội nói thẳng với bạn.

Hôm kia, vào buổi sớm, đại đức A Nậu Đà La đến viếng thăm tôn giả Xá Lợi Phất. Sau khi chào hỏi rất lễ độ, đại đức A Nậu Đà La ngồi xuống một bên phải lẽ.

– Người có con mắt thần thân mến! Tôn giả Xá Lợi Phất chậm rãi nói – Hôm nay, hiền giả sao không đi ngao du vào một ngàn thế giới mà lại chịu khó đến viếng thăm liêu cốc chật hẹp của ngu huynh như thế?

Ðại đức A Nậu Đà La cười thoải mái:

– Không dám đâu, thưa hiền huynh! Ðệ quá ít công việc mà hiền huynh lại quá nhiều công việc. Nghe nói hiền huynh không được khỏe nên đệ đến viếng thăm. Sao hiền huynh không buông bỏ gánh nặng trên vai xuống, sống thảnh thơi, thanh tịnh, vô sự một đời như đệ không hơn sao?

Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi lại:

– Theo hiền giả cái gì là gánh nặng cần phải buông bỏ?

– Công việc của giáo hội là gánh nặng, thuyết pháp là gánh nặng, bôn ba đây đó để giải quyết mối bất hòa giữa tăng chúng là gánh nặng; sắp xếp, cắt đặt công việc từ bên trong ra bên ngoài là gánh nặng, đi thăm viếng vị này, vị kia là gánh nặng, hướng tâm đâu đó để đi bát gieo duyên là gánh nặng, hóa độ người là gánh nặng… Ôi! hiền huynh quá nhiều gánh nặng phải làm trên đời này!

Tôn giả Xá Lợi Phất kiên nhẫn, chăm chú lắng nghe rồi hỏi tiếp:

– Vậy cái gì là không gánh nặng?

– Thưa hiền huynh! Ðiều ấy đức Đạo Sư đã dạy rồi! Vị tỳ-khưu vào buổi sáng, chánh niệm tỉnh giác đi vào làng để trì bình khất thực. Rồi kia là cội cây, là ngôi nhà trống; sau khi độ thực, vị ấy an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy nhất tâm chú mục vào hơi thở, lìa trạo cử, phóng tâm, cắt đứt hôn trầm, giải đãi, đạt tâm phỉ, tâm an, nhập vào sơ thiền do ly dục sanh. Cứ thế không tầm, không tứ, vị ấy vào định nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Với sự định tĩnh sâu xa, vững chắc không xao động, vị ấy hướng tâm đến một thế giới, hai thế giới, thấy rõ chúng sanh ở đấy y báo là vậy, chánh báo là vậy. Với tâm định tĩnh như Tu Di sơn, vị ấy nhìn qua phương Ðông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, trên và dưới thấy rõ được một trăm thế giới, hai trăm thế giới, một ngàn thế giới rõ ràng như nhìn những chỉ tay trong lòng bàn tay của mình. Như một vị vua sát-đế-lị giàu mạnh và oai hùng, buổi sớm leo lên lầu cao, nhìn xuống lâu đài, dinh thự, làng mạc, phố chợ, nhà cửa. Cũng vậy, khi nội tâm đã trong sạch, không còn nhơ bợn; khi trí tuệ đã được huấn luyện, đã được tập trung, đã được làm cho thuần thục; với nghị lực vững chắc và mắt nhìn sắc bén, tinh tường, vị ấy đứng trên đỉnh cao của sự tiến hóa, trên đỉnh cao của sự tu tập, thì dưới cõi trần xôn xao bất tịnh kia đều được thấy rõ, chẳng có gì có thể che giấu được vị ấy.

Thưa hiền huynh! Ấy được gọi là làm xong việc phải làm, ấy gọi là không còn gánh nặng trên cõi đời này!

Nghe sự thuyết minh tràng giang đại hải của A Nậu Đà La, ngài Xá Lợi Phất cảm thấy thương xót cho bạn. Tôn giả nói:

– Này A Nậu Đà La! Tôi rất mừng cho hiền giả đã có con mắt nhìn thấy một ngàn thế giới. Ấy là hiền giả đã có được “thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân!”

– Không dám!

– Nhưng mà này hiền giả thân mến! Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên là người có thiên nhãn vĩ đại hơn nữa kia! Tôn giả ấy lại nhìn được một trăm ngàn thế giới, hai trăm ngàn thế giới trong lúc hiền giả chỉ mới nhìn thấy được chỉ một ngàn thế giới!

Tôn giả A Nậu Đà La biết sự thực là vậy nên ngài nín lặng.

– Lại nữa, Ðại Mục Kiền Liên không những chỉ có thiên nhãn thông, mà tôn giả ấy lại có cả thiên nhĩ thông, tha tâm thông, sinh tử thông, thần túc thông và cả biến hóa thần thông…

A Nậu Đà La lại nín lặng.

– Với ngũ thông vĩ đại và siêu nhân như vậy nhưng chưa bao giờ tôn giả ấy lại nói rằng mình có con mắt tinh tường, đứng trên đỉnh cao của sự tiến hóa; chưa bao giờ tự nhận mình trí tuệ đã được huấn luyện, đã làm cho thuần thục mà tôn giả ấy luôn luôn cảm thấy mình còn thiếu sót, nông cạn, luôn luôn tầm cầu và học hỏi.

A Nậu Đà La ngồi im sững như hóa đá.

Tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ là phải thời, nên đập mạnh, đánh mạnh không còn nương tay nữa.

– Hiền giả thân mến! Cho dù ngũ thông kia có đến chỗ thuần thục viên mãn thì đấy cũng chỉ là trò chơi, là cái vỏ cây, cái dác cây, chưa phải là tinh tủy của giáo pháp. Ngoại đạo cũng có khả năng đắc ngũ thông ấy. Cứu cánh của sa-môn hạnh là phải tận diệt cho được những nhiễm ô, phiền não. Cứu cánh của sa-môn hạnh là giác ngộ giải thoát. Vậy tại sao hiền giả lại tự đắc, tự phụ với con mắt nhìn thấy một ngàn thế giới của mình? Sao hiền giả không tự thấy rõ những vi tế nhiễm ô đang ngủ ngầm trong tâm hiền giả mà ôm cứng, dính chặt nơi cái sở đắc nhỏ nhoi của mình? Chính quan niệm gánh nặng và không gánh nặng của hiền giả là do tâm biếng nhác, ích kỷ của hiền giả. Chính nội dung cái thuyết minh dài dòng của hiền giả chứng tỏ hiền giả bị buộc chặt rất kiên cố bởi ba kiết sử: Ngã mạn, phóng tâm và vô minh!

Hiền giả phải biết rõ mình chứ? Phải biết trung thực chứ? Cho đến bao giờ mười kiết sử đều được thấy rõ, đều được cắt đứt như thân cây sa-la (sāla) cụt ngọn không còn sanh khởi trong tương lai thì khi ấy mới dám nói là buông bỏ mọi gánh nặng trên vai xuống!

A Nậu Đà La thân mến! Tôi nói thẳng thắn quá, xin hiền giả bỏ qua cho!

Mọi sự thật đã được vạch trần. Chưa bao giờ A Nậu Đà La nghe được một thời pháp thấm thía như vậy, đau xót đến tận tim tủy mà tri ân cũng đến tận tim tủy. Ngài quỳ xuống sát đất, nằm dài ra đất và ôm bàn chân bụi của tôn giả Xá Lợi Phất mà bạch rằng:

– Bạch tôn huynh vĩ đại khả kính! Những đòn đánh mạnh của tôn huynh đã cho kẻ ngu si này một bài học ngàn đời. Ðệ thấy rõ tất cả rồi, không còn hoài nghi gì nữa cả. Tháng ngày còn lại này, đệ sẽ độc cư, một mực tinh tấn để làm xong công việc cần phải làm. Ðệ hứa chắc như vậy. Nếu không thành tựu được mục đích cuối cùng, đệ không bao giờ dám gặp mặt tôn huynh nữa!

Ðúng như lời hứa, ngày hôm sau, A Nậu Đà La xin phép đức Thế Tôn, rời tịnh xá ẩn dật trong rừng sâu và tinh tấn thiền quán. Không bao lâu sau, ngài trở về trình diện tôn giả Xá Lợi Phất với nụ cười rạng rỡ, nói rằng:

– Thưa tôn huynh! Ðệ hôm nay nhìn thấy rõ một ngàn thế giới, vững chắc không xao động.

Tôn giả Xá Lợi Phất biết rõ người hiền đệ của mình đã đặt được bàn chân trên mảnh đất bất tử, bèn mỉm cười nói:

– Ðúng thế, hiền giả thân yêu! Hiền giả đã nói vậy thì không thể sai được!

Vĩnh cửu, chân phúc đang có mặt giữa hai vị tôn giả.