Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59210 Lượt xem

HẠNH NHẪN NHỤC

 
 

C

ó một nhóm tỳ-khưu ở Kītagiri tỏ vẻ coi thường các học giới của đức Ðạo Sư do đại đức Assaji (không phải thầy của ngài Xá Lợi Phất) và đại đức Punnabhasuka dẫn đầu trong việc quấy phá, thế là tôn giả Xá Lợi Phất và Ðại Mục Kiền Liên lại phải lên đường.

Ðến nơi, hai ngài lặng lẽ lắng nghe, dường như ai cũng có cái lý của mình cả. Tuy nhiên, sau đó tôn giả Xá Lợi Phất đã gạt những cái lý ấy qua một bên rồi kiên nhẫn, ôn hòa, từ tốn phân tích cái nào là đúng pháp, đúng luật, cái nào là không đúng pháp, không đúng luật. Ðúng pháp, đúng luật thì đem đến hạnh phúc cho mình và người. Không đúng pháp và luật thì đem đến xáo trộn, bất hòa, khổ đau cho mình và cho người. Trí tuệ của hai vị đại đệ tử quả đã như một ngọn đèn sáng soi rọi vào chỗ tối tăm, làm cho những kẻ có lỗi tự thấy rõ cái lỗi của mình. Khi phân xử xong, các vị tỳ-khưu sai trái tự xin nhận lấy hình phạt để tự răn mình, có vị tình nguyện về nhà, có vị xin sám hối và nguyện chừa cải.

Sau khi từ giã, cả hội chúng tỳ-khưu ở Kītagiri đều nhìn theo với đôi mắt đầy cảm phục. Vì vậy, danh tiếng của hai vị đại đệ tử càng lúc càng vang dội. Về tịnh xá, hai ngài vào đảnh lễ  đức Tôn Sư, kể lại kết quả công việc của mình. Ðức Thế Tôn thấy sự phân xử sáng suốt, có lý có tình, lại đặt căn bản trên tinh thần tự giác nên ngài tán thán trước hội chúng không tiếc lời.

Tôn giả Xá Lợi Phất tự nghĩ:

-“ Nơi nào được khen thì nơi đó sẽ bị chê. Nơi nào có yêu mến, kính trọng thì sẽ có người ganh tị, ganh ghét và đố kỵ. Ta hãy biết trước những pháp tương quan phát sanh như vậy để liệu bề mà hành xử”.

Khi tôn giả Xá Lợi Phất bước ra thì gặp trưởng lão Sa Nặc (Channa) với cái nhìn không được thân thiện. Trưởng lão Sa Nặc ngó lên trời, chấp tay sau lưng, nói to, nói trống không:

– Kể từ độ tôi ra đi với đức Ðạo Sư cao quý của tôi, làm một cuộc từ bỏ vĩ đại, khi ấy, các ông ở đâu? Các ông ở đâu chui ra mà bây giờ vỗ ngực tự xưng là đại đệ tử, hả?

Tôn giả Xá Lợi Phất im lặng.

Trưởng lão Sa Nặc nói tiếp:

– Bám sau đuôi của con ngựa Kiền Trắc (Kaṇṭhaka) vượt qua sông A Nô Ma (Anomā) mênh mông sóng dữ, thế mà tôi không hề sợ hãi. Nhưng bây giờ đi đâu, quốc độ này sang quốc độ kia, thị trấn này, làng mạc nọ… ở đâu cũng nghe người ta nhắc đến Xá Lợi Phất, đại đệ tử! Mục Kiền Liên, đại đệ tử! Ôi! Quả thật cái danh kia làm tôi sợ hãi quá trời!

Ngay khi ấy, một giọng phạm âm trầm hùng như sấm dội từ Ðại Giảng Ðường vọng ra:

– Sa Nặc! Ông hãy vào đây, Như Lai bảo!

Ðức Thế Tôn kêu trưởng lão Sa Nặc vào khuyên răn, la rầy đấy là ác tri, ác kiến phải từ bỏ tức khắc. Sa Nặc im lặng tỏ vẻ nhận lỗi, nhưng sau đó, bất cứ đâu, hễ gặp tôn giả Xá Lợi Phất và Ðại Mục Kiền Liên là không ngớt cất lời lăng mạ, phỉ báng:

– Xuất thân từ giống dòng ngoại đạo, chân ướt chân ráo đến giáo hội này mà làm oai làm phách, cứ đóng vai như trưởng lão một trăm hạ không bằng!

– Ðại đệ tử gì chúng nó. Cái vẻ mặt lúc nào cũng giả bộ nghiêm trang, từ hòa, nhẫn nhục… Ngó mà ghét!

Ðược Tăng chúng kể lại, lần thứ hai, lần thứ ba – Ðức Thế Tôn lại kêu Sa Nặc đến và dạy bảo:

– Này Sa Nặc! Ông nên nhớ rằng hai vị đại đệ tử của Như Lai là những người bạn tốt, tốt nhất trên nhân loại này. Ðược làm bạn với họ là hạnh phúc vô cùng, an vui và lợi lạc vô cùng.

Tuy thế, như nước đổ đầu vịt, trưởng lão Sa Nặc vẫn chứng nào tật ấy. Ðức Thế Tôn quán căn cơ, ngài biết, bèn nói với ngài A Nan Đa:

Này A Nan Đa! Không ai có thể khuyên dạy Sa Nặc được đâu. Khi trái cây đang còn xanh thì không ai có khả năng bảo trái cây kia chín được cả. Cũng vậy, khi nào cần thiết, ông hãy thay mặt Như Lai giáng xuống cho Sa Nặc một hình phạt gọi là “phạm đàn”! (1) tức là cấm không cho ai giao tiếp, nói chuyện với Sa Nặc cả. Chỉ khi ấy Sa Nặc mới được lợi ích, chính nhờ vậy mà Sa Nặc sẽ đắc được đạo quả A La Hán cùng với những thắng trí trước khi lâm chung.

Khi nghe lời đức Thế Tôn dạy đại đức A Nan Đa như vậy, tôn giả Xá Lợi Phất hướng tâm đến, thấy rằng: “Kẻ mà hằng lăng mạ ta đây, khi sắp chết bị căn bệnh dày vò đau đớn thì chính ta đã cùng với trưởng lão Mahā Cunda đến thăm, tìm thuốc men và vật thực thích hợp cho y. Sau đó, y quyết định chấm dứt mạng sống và Niết Bàn luôn tại chỗ”.

 

Xung quanh Kỳ Viên tịnh xá và cả thành Xá Vệ người ta bàn tán nhiều về những đức tính cao thượng của tôn giả Xá Lợi Phất. Người ta bảo rằng, tôn giả là người đã làm chủ hoàn toàn, đầy đủ các trạng thái tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả; là người không còn ngã mạn, kiêu căng, không còn tham ái, đố kỵ, bất bình, nóng giận…

Có một ông bà-la-môn gia chủ đi ngang qua, nghe được, chỏ miệng vào:

– Ai là người không còn nóng giận đâu, chỉ cho tôi coi nào?

Mọi người bảo:

– Ðó là tôn giả Xá Lợi Phất, vị đại đệ tử của sa-môn Cồ Đàm đó.

– À! Có phải là cái ông độ nọ cùng đến đây với trưởng giả Cấp Cô Ðộc xây dựng tịnh xá đó phải không?

– Chính vị ấy.

Ông bà-la-môn gia chủ kia mỉm cười:

– Các bạn lầm rồi. Không nóng giận là vì không có ai khiêu khích, chọc tức. Ðã là con người trên đời này thì ai cũng có lúc phải nóng giận cả, không nóng giận là đồng với gỗ, đá, đất, cát hay sao? Nếu mà gặp tay tôi, tôi sẽ làm cho ông Xá-lợi phất ấy nóng giận cho các bạn xem! Tôi rất sành về phương cách chọc giận người ta mà!

Ông bà-la-môn nói huyên thuyên vậy, nhưng cách chọc giận của ông ta cũng bình thường. Ông rình khi tôn giả Xá Lợi Phất đang đi khất thực trên đường phố, bất thần từ phía sau, ông lấy gậy đánh lên lưng ngài một cái rất mạnh. Tôn giả Xá Lợi Phất bất cứ đâu, bất cứ lúc nào ngài cũng chánh niệm, tỉnh giác, đôi lúc ngài trú “không định” nên cái đánh kia không ảnh hưởng gì tới ngài. Vẫn với bước chân chậm rãi, từ tốn, với đôi mắt thản nhiên, thanh bình, tôn giả vẫn không hề quay lại.

Cảm thấy vô cùng hối hận, ông bà-la-môn quăng gậy, quỳ mọp xuống dưới chân tôn giả để tạ tội. Ngài ngạc nhiên, dịu dàng hỏi:

– Có gì vậy hở ông bà-la-môn? Hãy đứng lên rồi nói chuyện.

– Vì muốn thử lòng nhẫn nhục của ngài, vì muốn xem ngài có nổi nóng không nên tôi đã mạo phạm lấy gậy đánh ngài. Xin ngài tha thứ tội lỗi cho tôi.

– Ðược rồi! Vậy là ta đã tha thứ cho ông rồi!

– Nếu ngài tha thứ cho tôi thì bắt đầu từ bây giờ, xin ngài hãy đến nhà tôi khất thực để cho tôi được dịp cúng dường.

Nói xong, ông bà-la-môn cúi đầu, cung kính nâng cái bát của tôn giả. Ngài cũng nhẹ nhàng thuận trao cho, rồi đi theo ông ta về nhà.

Cả khu phố bu quanh, chứng kiến tận mắt một câu chuyện đẹp mắt: Kẻ chọc giận người lại được người nhiếp phục! Thế nhưng, chuyện đến tai cận sự nam nữ trong thành phố lại khác: Có một ông bà-la-môn tên vậy, tên kia, ở khu phố nọ, đã dùng gậy đánh ngài Xá Lợi Phất bị thương nặng! Không mấy lúc, cả hàng chục người với gậy và đá cầm tay đến bao vây căn nhà của ông bà-la-môn với quyết tâm là giết chết kẻ hung ác.

Nghe xôn xao, tôn giả Xá Lợi Phất bước ra, ông bà-la-môn hai tay trịnh trọng ôm bát theo sau.

Nhóm cận sự nam nữ la lên:

– Bạch ngài! Ngài có sao không?

– Thưa tôn giả! Tôn giả hãy đứng qua một bên.

– Ông bà-la-môn hung ác kia! Hãy bước ra đây!

Tôn giả Xá Lợi Phất nhìn mọi người, hỏi:

– Này các đạo hữu! Này các cư sĩ tại gia! Có chuyện gì vậy?

Họ trả lời:

– Tên bà-la-môn đê tiện, độc ác kia đã dùng gậy đánh ngài, đánh lén sau lưng khi ngài đi trì bình khất thực.

– Chúng con đến đây là để trị tội đích đáng, hắn đã xâm phạm đến trưởng lão, bậc thầy nhân ái của chúng con.

– Dùng gậy trả lại gậy. Hãy đánh cho chết hắn ta đi!

Tôn giả Xá Lợi Phất mỉm cười cho đám đông yên tâm, xua tay rồi nói:

– Các đạo hữu hãy an tâm! Một chuyện hiểu lầm nho nhỏ thôi

– Bạch ngài! Nhưng chính ngài đã bị đánh!

– Ðúng vậy! Ông ta đánh bần đạo chớ có đánh các đạo hữu đâu. Và ông ta đã sám hối. Ta cũng đã chấp nhận sự sám hối ấy rồi. Các ngươi xem! Ông ta đã ôm bát một cách kính cẩn sau khi đã cúng dường vật thực cho ta! Từ rày hãy coi ông ta như một bạn đạo.

Ðám đông nhìn, thấy, hiểu tự sự nên họ đã tự động giải tán.

– Noi gương hỷ xả của trưởng lão, chúng tôi tha thứ cho cái mạng của ông đấy, ông bà-la-môn! Ráng mà tu hành cho đàng hoàng!

Ông bà-la-môn sợ quá, lắp bắp:

– Vâng, vâng, tôi sẽ đàng hoàng!

Tôn giả Xá Lợi Phất thản nhiên, ôm bát lặng lẽ trở về Kỳ Viên tịnh xá.

Tối đến, trên pháp tòa, câu chuyện ấy được đức Thế Tôn kể lại để giáo giới cho đại chúng. Ai cũng tấm tắc khen ngợi đức hạnh nhẫn nhục vô song của tôn giả Xá Lợi Phất.

 

Hôm nọ, cuối mùa mưa, sau khi an cư xong, một số rất đông tỳ-khưu đến chào từ giã tôn giả Xá Lợi Phất để lên đường. Theo thông lệ, ngài hay ưu ái gọi các vị tỳ-khưu bằng tên của gia đình họ đặt, gọi tên theo giới hạnh hoặc pháp hạnh của vị ấy. Ví dụ:

– Này hiền giả Maṅgalo! Hiền giả an vui chứ?

– Này con của bà Dhanī, có khỏe không?

– Vị Ðại Hoan Hỷ đây rồi!

– Ðại đức tinh thông Tạng Luật đây rồi!

– Thượng tọa Ðộc Cư Khổ Hạnh đây rồi!…

Thấy tôn giả, bậc Tướng quân Chánh pháp niềm nở, vui vẻ, thân tình với tất cả mọi người như vậy, ai cũng hoan hỷ, ai cũng cảm thấy mình được quan tâm, được biết tiếng. Và họ hãnh diện về điều đó. Có một vị tỳ-khưu trẻ, mà hoàn toàn tôn giả Xá Lợi Phất thấy lạ hoắc, không biết gọi tên sao, nên ngài đành phải bỏ qua.

Nhưng vị tỳ-khưu ấy không bỏ qua, cảm thấy buồn bã, cảm thấy bực tức, bất mãn, tự nghĩ:

-“Ngài khinh thường ta, coi thường ta; ngài đã thiên vị, đã không đối xử thân thiện với ta như những vị khác”.

Bất đồ, lúc ấy tôn giả Xá Lợi Phất đứng dậy, bước qua, chéo y của ngài phất đụng vị tỳ-khưu trẻ nọ. Lòng bất mãn càng tăng, vị tỳ-khưu trẻ qua Ðại Giảng Ðường bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Xá Lợi Phất khi không ngài lại đánh con! Chắc hẳn tôn giả ấy nghĩ rằng mình là một vị đại đệ tử oai phong lẫm liệt nên muốn làm gì thì làm sao! Xin đức Thế Tôn hãy phân xử cho công minh. Tôn giả Xá Lợi Phất đã đánh con một bạt tai, đến nỗi tai con như bị bỏng, bị điếc! Sau khi làm vậy rồi, ngài chẳng tỏ vẻ gì là hối lỗi, thản nhiên bước đi không thèm đếm xỉa gì con cả! Xin đức Thế Tôn hãy công bằng phân xử, oan con lắm!

Tăng chúng được quy tụ trở lại Ðại Giảng Ðường. Câu chuyện ấy tức khắc được lan truyền rất nhanh qua cửa miệng của nhiều người. Lúc ấy Ðại Mục Kiền Liên và đại đức A Nan Đa biết rõ là đã có một sự cáo oan xảy ra cho huynh trưởng của mình. Nhưng không sao, cả hai tôn giả đều rất vui, đã tuyên bố trước hội chúng tỳ-khưu của mình:

-“Này chư hiền! Hãy cố gắng tụ họp ở Ðại Giảng Ðường cho đông đủ! Hãy đến đấy mà nghe! Khi sư huynh của ta, tôn giả Xá Lợi Phất ở trước mặt đức Đạo Sư, đối diện với kẻ đã cáo gian, cáo dối mình, chư hiền mới cảm nhận được, thấy được, nghe được thế nào là tiếng gầm rống của môt con mảnh sư”.

Trước cả hàng ngàn tỳ-khưu có mặt, đức Thế Tôn mỉm nụ cười trong tâm, tự nghĩ: “Ừ, đây là phải thời để con trai trưởng của ta giáo giới đến chư tỳ-khưu!” Bèn hỏi:

– Này Xá Lợi Phất! Có phải như vậy chăng? Có phải ông đã thô bạo đánh vị tỳ-khưu này một bạt tai làm điếc cả lỗ tai rồi bỏ đi mà không thèm đếm xỉa đến y ra sao, nỗi đau của y ra sao?

Mọi người hồi hộp trước lời chất vấn của đức Ðạo Sư. Tôn giả Xá Lợi Phất tâm ý linh thông, biết ý của đức Đạo Sư nên ngài chẳng chấp nhận cũng chẳng chối từ tội, cất giọng trầm hùng vang vang như chuông ngân:

– Bạch đức Thế Tôn! Khi một thiện gia nam tử xuất ly cần cầu an ổn mọi khổ ách, y đã từ bỏ gia sản, vinh hoa phú quý thì đối với y chỉ có một mục đích duy nhất là giải thoát mọi khổ đau trên trần thế. Khi một sa-môn tấn tu phạm hạnh, đã đứng vững chắc trong đạo quả, kẻ ấy hoàn toàn làm chủ được chính mình, hoàn toàn với tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả khi cần thiết, khi cần sử dụng phương tiện để giáo hóa chúng sanh.

Bạch đức Thế Tôn! Những người như vậy có thể nào làm đau đớn cho đồng đạo của mình rồi bỏ đi thản nhiên không một lời xin lỗi?

Tôn giả Xá Lợi Phật nghỉ hơi một lát. Cách trả lời, cách đặt vấn đề, nội dụng khởi đề của ngài làm cho hội chúng im lặng như tờ. Có một cái gì đó nữa, sâu nhiệm hơn ẩn trong câu chuyện này. Mọi con mắt đều mở lớn ra, mọi lỗ tai đều căng lên…

Tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp:

– Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi mà trong tâm không còn sân hận, ác độc, hiềm hại ai; kẻ ấy bao giờ cũng có được đức tính trầm lặng, khiêm nhu, nhẫn nại; tâm vị ấy như mặt đất, mặc cho ai chà, ai đạp, ai bước tới, bước lui, quăng lên đấy tất cả mọi dơ uế bất tịnh; ai đại tiện, tiểu tiện lên đấy cũng được hết!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi mà tự coi tâm mình như nước, thì nước ấy mặc tình ai uống, ai tắm, ai rửa đồ dơ dáy; nước ấy cũng không vui, không buồn, vẫn bình lặng và an nhiên!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi mà tự coi tâm mình như lửa, thì lửa ấy mặc tình người ta thắp để cúng, để thờ; mặc tình người ta lấy để đốt tử thi, nấu ăn, đốt cỏ rác, đốt đồ dơ uế; lửa ấy cũng chẳng vui, chẳng buồn, vẫn bình lặng và an nhiên!

          Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi mà tự coi tâm mình như gió, thì gió ấy đâu phải vì qua tha ma, mộ địa mà chồn chân; gió ấy đâu phải vì qua chỗ phú quý, cao sang mà dừng lại? Dơ, sạch gió ấy không phân biệt; buồn, vui gió ấy có biết đâu. Muôn đời nó vẫn bình lặng và an nhiên như thế!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi đã tự coi mình như miếng vải chùi chân, thì ai chùi chân cũng được cả; nó chẳng bao giờ phàn nàn sao lau vật này mà không lau vật kia! Miếng vải chùi chân là cái thân của vị ấy, cái tâm của vị ấy, ở chỗ dơ uế nhất nào dám khinh khi ai, ác ý với ai, sân hận với ai? Không! Bao giờ nó vẫn như vậy, bình lặng và an nhiên!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi đã tự coi mình như một hạng người thấp kém nhất trong xã hội, như một gã chiên-đà-la cùng đinh, hạ liệt, thì ai muốn đánh, muốn chửi; cho chí họ có giết chết cũng vô tội, người đó luôn luôn ý thức giá trị thấp hèn của mình dầu có bị đối xử thế nào, vẫn không than van bao giờ!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi đã tự ví mình như một con bò rụng sừng, thì nó rất sợ đụng chạm đến vật cứng, nó không bao giờ dám gây hấn với ai, báng húc ai. Sống, nó muốn thu rút cái sừng của mình lại, đó là cái thân của vị ấy, là cái tâm của vị ấy!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi đã tự ví mình như con rắn mang cái xác nặng nề, trườn tới trườn lui không ra khỏi cái xác. Cũng vậy, người ấy đã tự thấy rõ cái thân này gồm ba mươi hai thể trược bất tịnh, lại chứa sẵn bao nhiêu bệnh tật ở trong, lại còn ốm đau, già chết; vị ấy chỉ mong cầu tu tập để sớm quẳng bỏ cái xác nặng nề, hôi hám ấy, có đâu còn rảnh thì giờ để cho khi mạn, ác ý phát sanh lên đem đến phiền não cho người!

  Bạch đức Thế Tôn! Một người, khi đã tự ví tâm mình như chén mỡ đặc thì chén ấy còn đựng được gì? Có thể nào chén mỡ đặc lại đựng thêm được tham, nộ, si, ganh ghét và thù oán?

  Bạch đức Thế Tôn! Chín điều ấy là con, con chính là chín điều ấy. Tất cả mọi phẩm hạnh, mọi đức tính của một sa-môn mà đức Tôn Sư hằng giáo giới, dẫu con chưa thành tựu vẹn toàn nhưng con vẫn đang đi từng bước một, vững chắc và ổn định. Từ khi thấy đạo, thấy quả đến nay, con chưa hề hổ thẹn một điểm nào về giới luật để đến nỗi phải tự khiển trách chính mình.

  Xin đức Thế Tôn và cả đại địa minh chứng cho con sự thật ấy.

Khi tôn giả Xá Lợi Phất nói xong, địa cầu dày bốn mươi do tuần rung chuyển như chấn động. Ðại Giảng Ðường lặng ngắt như tờ. Có rất nhiều vị tỳ-khưu cảm động quá đến chảy nước mắt. Người mà khiêm tốn đến cùng tận như vậy thì thế gian không có người thứ hai.

Chợt nhiên, vị tỳ-khưu trẻ sợ hãi, bước tới, quỳ mọp xuống chân đức Ðạo Sư:

– Bạch đức Thế Tôn! Chính con là kẻ nói dối! Chính con đã tự dựng nên câu chuyện để nói xấu đến bậc Tướng quân Chánh pháp. Ðấy là lỗi lầm không thể tha thứ của con.

Ðức Phật nói:

– Này Xá Lợi Phất! Ông hãy bi mẫn tha lỗi cho ông tỳ-khưu ngu si này; nếu không, cái đầu của ông ta sẽ vỡ tan thành bảy mảnh.

Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời:

– Bạch đức Thế Tôn! Tự nhiên là đệ tử đã tha thứ cho vị tỳ-khưu này rồi.

Rồi với hai bàn tay chấp lại, ngài hướng đến vị tỳ-khưu trẻ, nói rằng:

– Ngoài ra tôi cũng xin hiền giả hoan hỷ xá lỗi cho tôi nếu tôi vô tình có làm điều gì đó mếch lòng hiền giả.

Tiếng rống của con sư tử và những hành động sau đó của tôn giả Xá Lợi Phất đã làm cho tăng chúng ai nấy cũng đều cảm phục.

Họ bàn luận với nhau:

– Này huynh đệ! Hãy xem những đức tính siêu việt của bậc Tướng quân Chánh pháp. Ðối với vị tỳ-khưu vu khống mình, đầy ác tri, ác ngữ như thế kia mà ngài không tỏ vẻ gì là nóng giận hay oán ghét ông ta.

– Vị Ðại Trưởng Lão của chúng ta thật là tuyệt vời! Vị tỳ-khưu kia có lỗi, thay vì phải quỳ xuống ôm chân bụi của ngài mà sám hối trước; ở đây, trưởng lão của chúng ta lại chấp tay, cung kính xin lỗi mặc dầu ngài không có lỗi.

– Huynh đệ có nghe rõ tiếng rống của ngài trước đức Thế Tôn và tăng chúng không? Ôi! Quả đất kia không chịu đựng nổi giới đức của ngài nên phải rung động đến từng mảy vi trần cát bụi.

Ðức Thế Tôn nói với đại chúng:

– Này các thầy tỳ-khưu! Dĩ nhiên con trai trưởng của Như Lai đã chấm dứt trọn vẹn lòng sân hận, bực tức, bất mãn; chấm dứt trọn vẹn mọi luyến ái trên cuộc đời này. Tâm hồn con trai trưởng của Như Lai ổn định như quả đất vĩ đại, vững chắc như những trụ cột của một tòa cổ thành và yên lặng như một hồ nước trong không gợn sóng. Với một con người như vậy, giới đức thanh tịnh như vậy, định tĩnh tựa Tu Di sơn như vậy thì Ma Vương không còn tìm thấy dấu vết và vòng luân hồi tử sanh chẳng còn mảy may hiệu lực gì đối với vị ấy.

 


Chú thích:

(1) Brāhmadanda: