Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59252 Lượt xem

VỚI TRƯỞNG GIẢ TU ĐẠT

 
 

T

ăng chúng mấy hôm nay bàn tán xôn xao về chuyện ông triệu phú ở kinh thành Xá Vệ (Sāvatthi), nước Kosala, đó là trưởng giả Tu Đạt (Sudatta).

Sau khi nghe pháp từ đức Thế Tôn, ông triệu phú, chứng quả Tu Đà Hoàn. Niềm hân hoan sung sướng trong đời chưa từng có đã đến với ông,  trưởng giả Tu Đạt ngỏ lời cung thỉnh đức Phật và chư tăng quá bộ về Xá Vệ, quê hương của ông để hoằng dương chánh giáo. Ông sẽ cúng dường đất và thiết lập tịnh xá để đức Phật và tăng chúng có chỗ tịnh cư. Ðức Phật hướng tâm đến, biết đây là nhân duyên rất lớn; Xá Vệ chính là thủ phủ sau này của giáo pháp nên ngài đã im lặng nhận lời. Tuy nhiên, đức Phật có gợi ý rằng, ngài và tăng chúng thường ưa chỗ vắng vẻ, không gần cũng không xa thành phố. Thế là trưởng giả Tu Đạt mừng vui hớn hở trở lại quê nhà tìm đất. Suốt mấy ngày cùng với phụ tá, gia nhân rảo khắp tất cả miền ngoại ô Xá Vệ ông mới tìm thấy được một khoảng đất vừa ý. Ở đây có núi đồi nhấp nhô, nước suối ngọt ngào mát lạnh tỏa nức mùi hương. Từng khoảng rừng suốt ngày im bóng bởi những tàn cổ thụ xanh um; cây lá phong phú sắc màu, kỳ hoa dị thảo đua nở khắp nơi. Xuyên trong rừng là những khoảng trống lớn nhỏ có thể làm nơi tụ họp hoặc hành thiền cả hàng trăm người. Lại có những tảng đá bằng phẳng, liền lạc nối dài cả hai ba chục đòn gánh chạy trong một thung lũng im mát. Suốt ngày gió hát chim ca, mù sương khi đậm khi nhạt, mây trắng vắt ngang đầu núi. Ôi! Quả thật là sơn thủy hữu tình, khí linh thiêng hội tụ chờ đợi đâu từ ngàn năm để chào đón bước chân của đấng vĩ nhân xuất thế!

Nhưng khu rừng xinh đẹp ấy lại là của hoàng tộc. Hoàng tử Kỳ Đà (Jeta) là sở hữu chủ, dự định sẽ biến cải khu rừng này làm nơi di dưỡng tuổi già! Vậy ai dám mở miệng hỏi mua? Ôi! Khó khăn làm sao! Tuy nhiên, phải bạo gan, phải liều, trưởng giả Tu Đạt bèn khăn áo chỉnh tề đến xá lạy hoàng tử Kỳ Đà ngỏ ý muốn hoàng tử chuyển nhượng cho miếng đất ấy.

– Tôi không dám mua đâu, thưa hoàng tử! Ngài tiền rừng bạc bể còn chúng tôi là hạng dân dã thật chẳng dám cao vọng. Chỉ xin hoàng tử mở lượng hải hà mà chuyển nhượng cho tôi vì tôi muốn làm một công việc quan trọng nhất trong đời tôi.

Hoàng tử Kỳ Đà ngẩng đầu lên, trả lời:

– Ta cũng không dám đâu, thưa ngài triệu phú. Ở Xá Vệ này chẳng nơi nào đẹp và quí bằng khu rừng của ta. Ngài triệu phú phải biết rằng đất ở đấy, nước ở đấy, cây lá ở đấy đều tỏa mùi hương; mùa đông không lạnh, mùa hè không nóng, ngài biết chứ?

– Dạ biết, thưa hoàng tử!

Hoàng tử Kỳ Đà cao giọng:

– Vậy tại sao ngài triệu phú còn đòi mua? Ta không cần tiền! Ta biết ngài triệu phú giàu sang nức tiếng mấy đời, nếu ngài có khả năng thì cứ lấy vàng mà đổi đất, ta sẽ bán cho.

Trưởng giả Tu Đạt hớn hở:

– Thưa hoàng tử, đổi như thế nào ạ?

– Suối không kể, đá không kể, chỉ tính là đất thôi, ngài lấy vàng lát cho đầy mặt đất, vàng lát đến đâu là đất ta bán cho ngài đến đó!

– Ðồng ý. Tôi sẽ mua với giá như vậy. Tôi biết hoàng tử là người trọng tín nghĩa nổi danh ở đất Xá Vệ này, một lời nói ra xem nặng bằng non!

Thế là suốt mấy ngày ròng rã, trưởng giả Tu Đạt với hàng trăm gia nhân hì hục vận chuyển vàng từ kho này sang kho khác, những mong lấp cho đầy đất, mua trọn cả khu rừng để cúng dường đến đức Thế Tôn và tăng chúng.

Hoàng tử Kỳ Đà không ngờ chuyện nói chơi mà thành thật. Ông vội vã cho thắng ngựa đến nơi xem. Ngạc nhiên làm sao, từ khu đất này sang khu đất khác, vàng đã được lát đầy, sít sao không có kẽ hở! Và kìa, ông trưởng giả Tu Đạt đang còn đứng trầm ngâm nhìn ngắm những gốc cây cổ thụ.

Hoàng tử Kỳ Đà mỉm cười:

– Sao? Ðắt quá phải không? Ta không cần vàng đâu, ngài triệu phú! Hãy rút lời lại đi, cũng không muộn mà!

– Dạ, không ạ! Thưa hoàng tử! Tôi không dám nghĩ là đắt đâu! Tôi đang tính toán là vàng phải lát như thế nào ở nơi những gốc cổ thụ choáng đất kia!

Hoàng tử Kỳ Đà mở lớn mắt, ông không còn dám tin vào tai của mình nữa. Quả có chuyện kỳ lạ như vậy ư? Ông triệu phú này điên khùng hay sao mà dám coi vàng còn tệ hơn đất cục? Ðồng ý là đất này quí nhưng cũng không thể quí bằng vàng được! Từ ngạc nhiên đến tò mò, hoàng tử bèn cặn kẽ hỏi lý do. Trưởng giả Tu Đạt cũng tự sự đầu đuôi kể cho hoàng tử nghe về đức Thế Tôn và tăng chúng. Ông cũng không quên kể chuyện là vua Bình Sa và triều thần đã quy y đức Thế Tôn, đã cúng dường Trúc Lâm tịnh xá như thế nào. Riêng ông thì được nghe pháp và sự chuyển hóa lạ lùng, sự bình an lạ lùng xảy ra trong tâm ông ra sao!

Hoàng tử Kỳ Đà chăm chú lắng nghe, tự nghĩ: “Ông Phật, qua đó chắc là một vị đạo cao đức trọng, một vị đại thánh đang xuất hiện ở đời này. Ông triệu phú đã làm một việc có ý nghĩa vĩ đại. Ông ta là hạng dân dã mà dám phát tâm cao thượng, còn ta, vậy ta cũng nên đóng góp vào đấy một chút công đức”.

Bèn nói:

– Thôi! Ngài triệu phú đừng tính vàng nơi mấy gốc cây kia nữa, nhiều lắm đấy! Ngài cúng dường đất đến đức Phật và tăng chúng còn ta thì xin được cúng dường cây. Ðất là của ngài triệu phú, còn cây là của Kỳ Đà này, được chăng? (1)

Trưởng giả Tu Đạt xiết bao mừng rỡ.

Sau khi mua đất xong xuôi, đã được đức vua đóng dấu có triện son, trưởng giả Tu Đạt tức tốc trở lại Trúc Lâm tịnh xá tâu bạch mọi sự cho đức Phật hay. Cũng như vua Bình Sa kiến thiết Trúc Lâm tịnh xá, trưởng giả Tu Đạt muốn cúng dường một công trình xây dựng thật quy mô nên xin đức Thế Tôn góp ý chỉ đạo. Sau đó ông còn tâu trình việc khác nữa:

– Bạch đức Thế Tôn! Xá Vệ là một thành phố giàu mạnh ở phương Bắc, dân cư đông đúc, mức sống khá cao, tuy thế so với Vương Xá thành thì nó chỉ là vùng biên địa xa xôi, nhân dân tuy bản chất thuần hậu nhưng còn mọi rợ. Lại nữa, đấy là chỗ mà bàng môn tả đạo đang lộng hành. Khắp thành phố, bọn ngoại đạo nghênh ngang làm tiền, mê hoặc dân đen ngu muội, cuồng tín bằng những phép lạ, bùa chú, ngải nghệ, thuật số cùng hàng trăm cách cúng tế khác nhau. Thần linh đủ loại ngồi đầy mọi nơi, mọi chỗ. Quanh năm thiên hạ cúng tế đầu súc vật, hiến tế máu, trái cây, trầm hương nghi ngút. Họ tu ngồi xổm, hai tay ôm đầu và nhảy. Họ tu quét đất, nằm ra đất mà lạy mà bò. Họ tu lõa thể, đi tồng ngồng chỗ này chỗ kia, thấy tóc, râu, lông chứ không thấy mặt mũi. Họ tu hạnh nằm giữa đất, ăn trên đất chứ không ăn trong lá chuối. Họ ngồi trong vũng bùn, cống rãnh. Họ treo ngược người lên cây và ăn mỗi ngày từng hạt, từng trái lượm được. Họ sống vinh thân phì gia với năm mụ vợ, mười mụ vợ mà thuyết con đường về với Phạm Thể. Họ độc quyền về ma chay, cưới hỏi, các cuộc hội lễ với thần linh, ngày tốt xấu, hướng nhà, hướng cửa để lấy tiền với những giá cắt cổ, bóp hầu thâu họng.

Bạch đức Thế Tôn! Có lẽ do duyên lành vạn kiếp, mặc dầu bị bên này vận động, bên kia tuyên truyền, con vẫn trơ trơ không theo bọn chúng, không ngã theo đạo nào! Nhờ vậy con mới gặp được đức Thế Tôn, được nghe giáo pháp trong sáng và lành mạnh. Cũng vậy, thành phố Xá Vệ, quê hương của con cần thiết phải có mặt giáo pháp vô thượng của đức Thế Tôn. Rác và bụi trong mắt mọi người cần phải được quét sạch. Cuồng tín và ngu si cần phải được trí tuệ rọi sáng. Những hôi hám, dơ dáy trong mọi sinh hoạt tinh thần cần phải được làm cho sạch sẽ, thanh tịnh.

Bạch đức Thế Tôn! Phi đức Thế Tôn, không ai ngoài đức Thế Tôn cùng các ngài trưởng lão có đại trí tuệ, có đại thần thông là có thể khuất phục được chúng ngoại đạo. Ở Xá Vệ có nhiều khó khăn và phức tạp khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng cũng như sự phát triển sau này của giáo pháp.

Ðức Phật chăm chú lắng nghe tất cả lời tâu trình rõ ràng và mạch lạc của trưởng giả Tu Đạt; Ngài biết là ông ta nói rất đúng, rất chính xác, bèn quay qua tôn giả Xá Lợi Phất:

– Này Xá Lợi Phất! Ông nghe rõ về tất cả mọi điều mà ông trưởng giả Tu Đạt vừa nói đó chứ? Ðấy là tất cả sự thật ở Xá Vệ. Khó khăn lắm đấy!

– Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Ðức Phật tiếp lời:

– Như Lai muốn ông hãy đi đến Xá Vệ, góp ý với ông Tu Đạt trong việc kiến thiết, xây dựng. Còn việc đối phó, giao tiếp với chúng ngoại đạo thì ông cứ tùy nghi linh động giải quyết. Bất cứ sự cảm hóa, cải thiện, đổi mới nào, mặc dầu là có lợi ích vẫn bị sự chống đối, phá hoại, phỉ báng từ nhiều phía. Ðấy là cái đương nhiên phải xảy ra. Ðừng mong là thuyền ra khơi luôn được thuận buồm xuôi gió, trời trong biển lặng! Ðừng hy vọng hão huyền là con đường đi của giáo pháp chơn chánh trên đời này sẽ được lót bằng những tấm thảm nhung! Con người không dễ dàng gì thay đổi một thói quen, nhất là những thói quen đã biến thành hình thức, tập quán ăn sâu, cắm rễ trong truyền thống từ đời này sang kiếp nọ! Này Xá Lợi Phất! Giáo pháp giác ngộ, giải thoát cần phải được xiển dương, cần phải được tăng trưởng, lớn mạnh, phát triển. Cần phải đi vào lòng người và lòng xã hội. Giáo pháp của tự do và trí tuệ phải là ánh sáng, là ngọn đèn dẫn đường cho những tâm thức nô lệ, yếu hèn và ngu muội. Hãy giương cao ngọn cờ muñja! Hãy giương cao ngọn cờ của bậc thiện trí! Hãy vô vi, vô dục, mở rộng tấm lòng từ bi quảng đại! Hãy bình lặng như đất, kham nhẫn như đất, tùy duyên mà giáo hóa sinh quần!

Này Xá Lợi Phất! Ông hãy nghiêng vai mà nhận lãnh trách nhiệm ấy, khó khăn ấy! Tất cả, Như Lai giao phó cho ông đấy.

Ðức Phật chỉ dạy như vậy, tôn giả Xá Lợi Phất đã nắm rõ toàn bộ vấn đề. Ngài tóm tắt trong óc mình như sau: “Vậy là có tất cả ba vấn đề chính yếu. Việc thứ nhất là sẵn sàng luận tranh với bọn luận sư ngoại đạo nhiều môi mép và miệng lưỡi; phải làm cho chúng tâm phục, khẩu phục giáo pháp vô thượng của đức Tôn Sư. Thứ hai là phải đối trị với những phép lạ lòe đời của chúng ngoại đạo. Và thứ ba là góp ý xây dựng công trình kiến trúc!”

Ðến đây, một ý nghĩ khác lại khởi sanh trong tâm của tôn giả: “Nghe nói chúng ngoại đạo ở đây thần thông, phép lạ, pháp thuật cao cường, nhưng tại sao đức Tôn Sư không cho Mục Kiền Liên đi cùng? Tuy nhiên, một đấng Toàn Tri Diệu Giác khi làm một việc gì là đã suy nghĩ chu đáo, rốt ráo, ta không cần phải thắc mắc nữa!”

 

Từ Vương Xá thành đến Xá Vệ có rất nhiều lối đi, nhưng theo đường bộ, men dọc sông Hằng, vượt lên phía Bắc là con đường mà khách thương hằng lui tới. Ðây là con đường đi qua nhiều quốc độ có ít trộm cướp, thú dữ, độc trùng, mãng xà. Ông trưởng giả Tu Đạt chọn lộ trình này mà đức Phật và Tăng chúng cũng thường đi theo lối này.

Hôm kia, tôn giả Xá Lợi Phất đắp y, mang bát đến đảnh lễ đức Phật lúc sao mai còn vằng vặc trên trời.

– Này Xá Lợi Phất! Như Lai tin tưởng ở nơi ông. Xá Vệ sau này sẽ là kinh đô lâu dài cho giáo pháp, vậy ông hãy kham nhẫn mà chu toàn mọi công việc thay mặt cho Như Lai!

– Ðức Tôn Sư dạy bảo gì cho đệ tử nữa không?

– Không, chỉ vậy là đủ.

Chư vị đại đức Mục Kiền Liên, đại Ca Diếp (Mahā Kassapa) (1), A Nan Đa cùng với và Ðề Bà Đạt Đa (Devadatta) cũng đến tiễn chân tôn giả Xá Lợi Phất từ rất sớm.

Chư tôn trưởng lão ai cũng mến mộ ngài Xá Lợi Phất, nói lời tiễn biệt. Ngài ân cần đáp lễ:

– Chư huynh đệ cũng ráng bảo trọng, hầu hạ  đức Tôn Sư! Xá Lợi Phất tôi là ai mà dám mất thì giờ của chư huynh đệ đến vậy!

Tôn giả nắm tay ngài A Nan Đa:

– Hiền đệ rất được đức Tôn Sư khen ngợi về sự cầu học. Trong thời gian tôi đi vắng, nếu có thời pháp nào quan trọng, nhớ kể lại cho tôi nghe với nhé?

– Thưa vâng!

Tôn giả lại nắm tay Ðề Bà Đạt Đa:

– Tôi đã vài lần gặp hai hàng cư sĩ áo trắng ở Vương Xá thành để ca ngợi, tán thán giới hạnh tinh nghiêm, trong sáng của đại đức. Tôi thật rất sung sướng và hoan hỷ lắm đấy!

– Tôi thật chưa xứng đáng để trưởng lão quan tâm ưu ái như vậy. Tôi nguyện sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng trưởng lão.

Sau đó tôn giả Xá Lợi Phất xá lễ, quay lưng theo lối mòn thiên lý, an trú chánh niệm trước mặt và cất bước.

Từ vệ đường, một chiếc xe hai ngựa đỗ lại và trưởng giả Tu Đạt bước xuống.

– Cung thỉnh đại đức lên chiếc xe của con.

Tôn giả Xá Lợi Phất vẫn ôm bát đứng yên lặng.

Trưởng giả Tu Đạt lại thưa:

– Ðường sá xa xôi, mưa nắng thất thường, đầu thì đội trời, chân đạp đất; đại đức chẳng có gì che chắn sức khỏe cho mình cả. Xin ngài hãy hoan hỷ bước lên xe.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Trưởng giả đừng lo cho tôi, sức khỏe của tôi còn tốt. Vả lại đức Tôn Sư có dạy rằng: “Này tỳ-khưu! Hãy nhìn con thiên nga kia, nó đã lìa khỏi ao hồ tù đọng để thênh thang giữa trời cao bể rộng! Các thầy cũng vậy! Các thầy đã có chiếc mỏ là bình bát, lá y là đôi cánh; các thầy cũng tự do thênh thang ra đi, lòng như mây trắng không vướng một chút gì trên trần thế, ăn cơm ngàn nhà, đến muôn phương mà giáo hóa sinh quần”.

Trưởng giả Tu Đạt kính cẩn chấp tay lắng nghe.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại tiếp:

– Ông là cư sĩ, lại lớn tuổi hơn ta, ông có thể ngồi trên xe ngựa mà đi, điều ấy là hợp pháp, chẳng ai chê cười cả. Còn ta thì khác, ta là thầy tỳ-khưu ôm bát đi xin ăn, ở trong một giáo hội tự nguyện sống đời vô sản bần cùng; ta đã có mỏ, có cánh để lên đường, ông khỏi lo cho ta! Lại nữa, đức Thế Tôn sẽ không cho phép ta đi xe, đi ngựa; giới luật không cho phép, thế gian không cho phép mà chính ta, ta cũng không cho phép. Vậy ông hãy lên đường trước, hẹn gặp nhau ở Xá Vệ.

Trưởng giả Tu Đạt bây giờ mới hiểu điều đó:

– Thế thì con cũng vậy, mặc dù chỉ là cư sĩ sơ cơ, từ rày con cũng không cho phép mình ngồi trên xe cho ngựa kéo khi cùng đi với chư đại đức.

Nói xong, ông Tu Đạt hối hả mang cả chiếc xe ngựa tặng cho một gia đình nông dân nghèo bên đường, rồi khoác tay nải, hớn hở bước theo chân đức Xá Lợi Phất.

Thế là thầy trò lên đường, ngày đi đêm nghỉ. Ông trưởng giả Tu Đạt có nhiều cơ hội để hỏi chuyện, cơ man nào là chuyện trong những khi rảnh rỗi. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng sẵn lòng giải đáp mọi điều cho vị Thánh cư sĩ tò mò, ham học hỏi này.

Mặt trời lên chừng ba con sào, dừng chân bên một bóng cây, tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Bây giờ ta sẽ vào xóm nhà kia để làm bổn phận xin ăn của một thầy tỳ-khưu. Trưởng giả hoặc là đi trước hoặc là đợi chờ ở đây thì tùy vậy.

– Bạch đại đức! Ông Tu Đạt ngần ngừ – Con có một ước muốn…

– Ông cứ nói.

– Con muốn đặt bát cho đại đức. Con muốn dâng vật thực, nước uống, tăm xỉa răng đến cho đại đức vào mỗi buổi trưa, trước giờ ngọ, tại chỗ dừng chân, được chăng?

– Nếu có lời thỉnh cầu của ông cư sĩ thì được, tuy nhiên, không được quá ba bữa.

– Thưa, con chưa hiểu.

– Ðó là do lời nguyện của ta, ta muốn đi nhiều nơi để gieo duyên cho nhiều người.

– Vậy thì con không thể thỉnh mời luôn?

– Này ông Tu Đạt! Ðã có trường hợp thí chủ thỉnh mời đức Thế Tôn và tăng chúng để hộ độ trong suốt mùa an cư. Tăng chúng thì có thể, nhưng đức Thế Tôn hằng ngày thường muốn đi hóa độ nhiều nơi. Ngài chỉ nhận một bữa thôi.

Trưởng giả Tu Đạt vậy là đã hiểu. Quý ngài muốn cho nhiều người phát tâm cúng dường để họ được gieo duyên, tạo nghiệp lành cho chính họ. Ðến trưa, ông làm bổn phận của một đệ tử mà cảm thấy niềm hân hoan, mát mẻ dâng ngập cả tâm hồn. Thấy tôn giả Xá Lợi Phất với bình bát bên chân, định tĩnh, an trú niệm, từ tốn, chậm rãi độ thực; ông tự nghĩ trong tâm: “Ôi! Quý ngài cao thượng xiết bao! Người ta dâng cúng vật gì quý ngài dùng thứ ấy, tuyệt đối không đòi hỏi, không gợi ý bao giờ! Xem kìa! Ta chưa thấy ai vo từng miếng cơm cẩn trọng, nhai cẩn trọng, nuốt cẩn trọng như vậy. Tất cả ở nơi ngài đều toát ra sự cẩn trọng và vắng lặng một cách lạ lùng”.

Khi ông Tu Đạt cất đặt mọi thứ xong xuôi, tôn giả Xá Lợi Phất nhẹ tay đặt lên vai ông:

– Phải cẩn trọng chứ ông Tu Đạt! Vật thực kia chính là do ân đức của xã hội, chúng sanh mà có. Khi dùng vật thực, thầy tỳ-khưu phải hiểu rằng nó chỉ để nuôi mạng, để được mạnh khỏe mà tu học, chứ không phải để cho béo tốt, để mà phô phang bắp tay bắp chân như kẻ vũ phu.

– Thưa vâng!

– Lại còn biết dừng nơi chỗ vừa đủ, đừng no quá nữa, ông Tu Đạt!

– Thưa vâng!

Một lát ông Tu Đạt lại hỏi:

– Ðức Thế Tôn và tăng chúng có khi nào bị đói không, bạch đại đức?

– Chuyện ấy không phải là không xảy ra! Đức Phật xuất hiện ở đời, tuy phước vật, phước trí của ngài là tối thắng nhưng cũng còn phải gánh chịu chung cọng nghiệp với chúng sanh nữa đấy!

Ông Tu Đạt tự nghĩ: “Sau này, khi thỉnh đức Thế Tôn và tăng chúng về quê nhà, ta sẽ bỏ ra tất cả gia tài để chăm lo vật thực cho đầy đủ, mấy ngàn vị cũng được. Ta quyết không để cho đức Thế Tôn và tăng chúng thiếu thốn bất cứ vật gì. Sức khỏe của quý ngài chính là hạnh phúc cho tất cả chúng sanh”.

Rồi lại hỏi:

– Ðã có khi nào đức Thế Tôn an cư một mình mà không có ai hầu hạ, không có người lo lắng vật thực không, thưa đại đức?

– Rồi sẽ có đấy ông Tu Đạt! Bây giờ ta chưa nói được đâu!

Tối đến, bất kỳ nghỉ ở đâu, tôn giả Xá Lợi Phất cũng tọa thiền. Ðôi khi ngài trú định suốt đêm. Thi thoảng ngài nằm nghiêng lưng vào trước canh ba, quay đầu về hướng Trúc Lâm tịnh xá, nơi có đức Thế Tôn và trưởng lão Assaji ngự. Vào cuối canh ba, tôn giả đi kinh hành cho đến sáng.

Trưởng giả Tu Đạt lại được dịp tò mò chiêm ngưỡng. Ông ngạc nhiên sao vị đại đức này dường như không ngủ hay ít ngủ mà thần sắc lại tươi tỉnh, hồng nhuận như vậy!

Tôn giả lại phải giải thích:

– Ta đã ngủ rất sâu đấy, ông Tu Đạt! Thiền định chính là sự nghỉ ngơi hoàn toàn của thân và tâm! Một khắc của thiền định bổ dưỡng cho sức khỏe con người hơn cả một đêm ngủ ngon, không mộng mị đấy!

Sống bên cạnh vị thánh, lúc nào ông trưởng giả cũng thấy mát mẻ, an lành; và đức tin, niềm kính trọng đối với Tam Bảo ngày càng lớn mạnh ở trong ông.

Hôm kia, sau khi tôn giả Xá Lợi Phất đi bát về, họ dùng ngọ dưới một cội si già vươn tán rộng che phủ cả bến nước sông Hằng thì gặp một đám tang rất lớn. Người ta bỏ thi thể trên một cái giàn bằng cây, phủ vải trắng và phủ rất nhiều hoa. Một đám phu khiêng chừng vài mươi người đi giữa, bên sau là bà con cùng thân nhân quyến thuộc. Xung quanh và trước là mấy chục tu sĩ bà-la-môn ăn mặc sang trọng, đầu quấn khăn trắng, chân đi giày và tất màu trắng. Trước nữa là một đám rước có dù, lọng các vị thần tôn trí trong mấy kiệu hoa, được đám nghệ sĩ ăn mặc sặc sỡ, diêm dúa tháp tùng, đánh trống, thổi kèn. Lại có cả mười cô vũ nữ nhà nghề ở trong các đền tế vừa đi vừa múa các vũ điệu huyền bí của thần linh…

Không có một tiếng khóc. Ðám tang mà giống một cuộc hội tế, một cuộc vui! Rõ ràng là thân nhân quyến thuộc không phải đưa một đám ma vào cõi chết với những hình ảnh ghê rợn của Diêm Chúa cùng lũ đầu trâu mặt ngựa mà họ đang cung tiễn một linh hồn đến nơi an nghỉ cực lạc vĩnh hằng!

Ðến bến nước, mọi người dạt ra, họ đặt thi thể xuống. Vũ, kèn, trống tạm ngưng và giọng tụng kinh trầm bỗng vang lên. Ðám phu khiêng, bây giờ, cột xung quanh giàn gỗ những thân chuối to, bưng từ từ xuống bến nước rồi thả nổi giữa sông. Tiếng kinh, lời cầu nguyện vang lên không ngớt trong lúc chiếc bè thi thể dần dần trôi ra giữa dòng. Những tiếng “aum, aum” tha thiết, thành kính bốc lên cao, lan giữa sông nước, vọng thấu trời xanh.

Vị tu sĩ trưởng bà-la-môn chủ tế, đầu đội mũ đỏ, khăn đỏ, áo đỏ; chấp tay xướng, rồi tất cả tu sĩ bà-la-môn cùng tụng theo với nội dung như sau:

– Hỡi đấng Rama! Thượng Ðế Hằng Sinh! Là cha của muôn loài! Xin ngài rủ lòng thương xót con cái ngài! Xin ngài tiếp độ vong linh! Xin ngài tiếp dẫn vong linh! Xin ngài phóng hào quang soi đường đưa vong linh đến cõi thiên đường cực lạc! Aum, aum!

Trưởng giả Tu Đạt quay sang tôn giả Xá Lợi Phất, hỏi rằng:

– Họ thành kính cầu nguyện như vậy mà đấng Rama có tiếp dẫn họ không, thưa  đại đức?

– Thượng Ðế với nghĩa hằng sinh như vậy thì không có đâu, ông Tu Đạt! Có thể đấy chính là vị Thượng Ðế cha sinh của muôn loài trong quan niệm nhân gian. Có thể đấy là vị Phạm Thiên tối cao trong truyền thống tôn giáo của họ. Các vị ấy chỉ là vị trời thôi, một chúng sanh do phước báu hóa sanh hoặc do đắc định hóa sanh. Các vị thiên ấy rồi cũng phải chết, hết phước báu thì họ phải tái sinh trong sáu đường như tất cả chúng sanh khác. Chính họ cũng chưa cứu được mình huống hồ tiếp dẫn cho ai!

– Cầu nguyện như vậy có năng lực không, thưa đại đức?

– Không có năng lực nào vượt thoát ngoài năng lực của nghiệp, này ông Tu Đạt!

– Xin đại đức giảng rộng cho con nghe.

– Vâng! Ví như chiếc bè thi thể kia là một tảng đá nặng ngàn cân. Nếu ở bên này sông một trăm thầy bà-la-môn, bên kia sông một trăm thầy bà-la-môn nhất tâm cầu nguyện cho tảng đá kia được nổi. Tảng đá kia có nhờ cầu nguyện, có do năng lực cầu nguyện mà nổi lên mặt nước không, ông Tu Đạt?

– Không thể nổi được, thưa đại đức!

– Cũng vậy, nếu một chúng hữu tình sát sanh, hại vật, lấy của không cho, trộm cắp, tà vạy, dối trá, ác độc đến khi thân hoại mạng chung, do ác nghiệp, trọng tội mà y đã tạo, phải bị đọa vào bốn đường khổ. Trường hợp ấy, mấy trăm thầy bà-la-môn nhất tâm cầu nguyện thì người kia có thể nhờ năng lực cầu nguyện ấy mà được sanh lên thiên đường không, hở ông Tu Đạt?

– Thưa không thể.

– Ví như có một thùng dầu đổ trên mặt sông, nổi trên mặt sông nhưng mấy trăm thầy bà-la-môn kia cầu nguyện cho dầu bị chìm, thì dầu ấy có chìm không, ông Tu Đạt?

– Thưa, không thể.

– Cũng vậy, nếu có một chúng hữu tình sống không sát sanh hại vật, có lòng từ, biết bố thí, giữ giới, làm các hạnh lành, sống đời chân thật, hiền lương đến khi thân hoại mạng chung, do thiện nghiệp ấy, y được sanh lên cảnh trời. Ðấy là điều hiển nhiên của định luật nhân quả, là cái tất yếu. Dẫu có hàng trăm thầy bà-la-môn tụng kinh cầu nguyện đêm ngày mong cho người kia bị đọa, thì người kia cũng không vì vậy mà bị đọa vào bốn đường khổ, có phải thế không?

– Thưa, giờ thì con đã hiểu rõ ràng.

– Này ông Tu Đạt! Nhẹ thì được bay lên, nặng thì bị rơi xuống, đấy là định luật. Một người làm việc lành, chuyên làm các hạnh lành thì tâm hồn người ấy luôn luôn được hỷ lạc, mát mẻ, thư thái, nhẹ nhàng cho nên được sanh lên. Người làm việc xấu ác thì tâm hồn người ấy luôn luôn bồn chồn, nóng nảy, sợ hãi, bất an. Cái tâm ấy quá nặng nề nên phải rơi xuống thôi, có phải thế không?

– Thưa, quả đúng vậy!

Trên đường đi, thỉnh thoảng cả hai người phải dừng lại vì có nhiều nhóm tỳ-khưu trên đường ngược chiều bộ hành về Trúc Lâm tịnh xá. Nhìn những tu sĩ thuộc giáo hội của đức Đạo Sư, trưởng giả Tu Đạt dễ dàng nhận ra ngay vì cách khoác y trang nghiêm, tóc râu sạch sẽ và có một tác phong, cử chỉ, cách đi đứng rất khác xa với những đạo sĩ hành cước hay du sĩ ngoại đạo. Và họ cũng nhận ra tôn giả Xá Lợi Phất qua hình dáng bên ngoài, hoặc có vị đã nghe danh, hoặc có vị đã từng gặp mặt. Tôn giả đã ân cần thăm hỏi, khích lệ, sách tấn; đôi khi ngài phải để nhiều thì giờ để giảng giải hoặc phân tích cho họ nghe một số điểm phức tạp, tế nhị thuộc Kinh hoặc Abhidhamma. Thế là tầm vóc của vị đại đức đại đệ tử này càng ngày càng cao lớn trong mắt nhìn của ông Tu Đạt.

Cũng đã vài lần các tu sĩ ngoại đạo chế diễu, nói móc đến đức Gotama nhưng tôn giả Xá Lợi Phất đã nhẫn nại lắng nghe, sau đó tìm lời khôn khéo, từ bi để giáo hóa họ. Nói tóm lại là nhờ uy nghi của ngài, tấm lòng của ngài cùng uy lực của giáo pháp mà chúng đều phải nhu thuận, nể phục.

Lòng của ông Tu Đạt rất vui, rất mát mẻ như bước đi trong ánh nắng ban mai chan hòa cùng đất trời, núi sông, cây cỏ…

 


Chú thích:

(1) Vì tích này nên Kỳ Viên tịnh xá còn được gọi là Kỳ thọ Cấp Cô Ðộc viên (Kỳ thọ: Cây của Kỳ-đà; Cấp Cô Ðộc viên: vườn của Cấp Cô Ðộc)

(2) Không phải là ba anh em Kassapa thờ  thần lửa.