Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59264 Lượt xem

ĐÔI BẠN

 

 

Ð

ức Xá Lợi Phất và đức Mục Kiền Liên đã có tình bạn thâm thiết tự thuở ấu thơ, rồi lớn khôn, rồi trưởng thành, rồi lang thang tìm đạo cho đến khi tao ngộ giáo pháp của đức Đạo Sư. Lúc này cả hai đều là đại đệ tử, là hai cánh tay trợ thủ của đức Phật thì tình bạn xưa càng thiêng liêng hơn nữa.

Từ khi đắc quả, họ thường gặp gỡ nhau để trao đổi về giáo pháp. Họ đều thấy rằng cái gia tài mà họ được thọ hưởng quá bao la, mênh mông, bát ngát. Dùng trí tuệ mà đi vào kho tàng ấy thật không có chỗ tận cùng, do vậy, những lần đàm đạo giúp họ soi rọi cho nhau thấy thêm những vi tế khác, ngõ ngách khác, bề rộng và bề sâu khác.

Hôm nọ, đức Mục Kiền Liên từ xa đến tìm đức Xá Lợi Phất để bàn về giáo lý Vô Ngã.

– Hiền huynh! Có thể lập ngôn: “Vô Ngã là Niết Bàn” được chăng?

– Không thể lập!

– Tại sao?

– Vì vô ngã là tính chất của tất cả pháp. Khi thấy rõ tính chất tất cả pháp là vô ngã, vị ấy không còn chấp thủ, bám víu vào một pháp nào, do vậy tâm vị ấy dừng lặng, an ổn, thanh bình, tịch diệt… nên giả danh là Niết Bàn (Nibbāna)!

– Đúng vậy! Nhưng có thể lập ngôn ngược lại: “ Niết Bàn là Vô Ngã” được chăng?

– Không thể lập!

– Tại sao?

– Dĩ nhiên, Niết Bàn là Vô Ngã nhưng cũng không nên lập ngôn như thế! Tại sao? Vì Niết Bàn là pháp siêu thế, ở ngoài danh ngôn, khái niệm; ở ngoài mọi khẳng định, xác định, phủ định như là, không là; ở ngoài bốn phạm trù như: Có, không, vừa có vừa không, không có không không; và ở ngoài cả trăm cái “phi” như phi hữu, phi vô, phi thường, phi đoạn, phi tăng, phi giảm, phi cấu, phi tịnh, phi nhất, phi dị…

Ðức Mục Kiền Liên gật đầu rồi tán thán:

– Thật tuyệt vời thay là trí phân tích sắc bén của hiền huynh! Trầm ngâm một chút, ngài nói tiếp Không phải là ngoại đạo mà chính là những giảng sư, luận sư, pháp sư trong chính giáo hội của đức Tôn Sư, họ là những kẻ chưa chứng quả cao nhất, đã thuyết giảng giữa thành phố và làng mạc những luận điểm sai lầm, những kiến giải sai lầm về Vô Ngã, về Niết Bàn! Chỉ một sợi tóc, một hạt cát, một hạt bụi kiến giải mê lầm là đã đi cách xa ngàn dặm sự thấy biết chơn chính! Một nhóm tỳ-khưu đâu từ Vesāli đến, đang thảo luận với nhau ở đằng kia cũng ồn ào, tranh cãi về những luận điểm tương tự.

Vậy hiền huynh có thể nào, bởi trí tuệ phân tích của mình, cho đệ thấy từ gốc đến ngọn của vấn đề, cuối cùng, cách lập ngôn nào tương đối chính xác nhất để khỏi kẹt vào các phạm trù như huynh vừa nêu ở trên?

Ðức Xá Lợi Phất và đức Mục Kiền Liên lúc ấy đang trú tại Kapotakandarā; ở đây có một khu rừng lớn, những ngọn đồi xanh tươi đẹp mắt và những đồng ruộng phì nhiêu. Sau những câu hỏi, họ dẫn nhau ra một ngọn đồi, buổi chiều, khí hậu mát mẻ, khung cảnh yên lặng.

Ðức Xá Lợi Phất nói:

– Hãy để nguyên những câu hỏi ở đấy đã – Ngài đưa mắt nhìn xung quanh với khung cảnh thanh bình và tươi đẹp như thế này, chúng ta hãy tọa thiền, nghỉ ngơi một lát đã nhé. Chiều tối, khi vào làng, chúng ta hãy tiếp tục…

Ðức Mục Kiền Liên cười nhẹ:

– Ðúng vậy! Nên để lúc vào làng, có đủ các nhóm tỳ-khưu, đệ sẽ hỏi lại!

Thế rồi, mỗi vị lựa tìm một địa điểm ở hai ngọn đồi cách xa nhau. Khi đã an vị trên chỗ ngồi, chuẩn bị tọa thiền, đức Xá Lợi Phất tự nghĩ: “Trí tuệ của Mục Kiền Liên rất thâm sâu! Ðiều gì ta thấy thì Mục Kiền Liên cũng thấy. Với câu hỏi vừa rồi, chẳng phải là Mục Kiền Liên không hiểu mà chắc là có lý do của nó. Ai cũng tưởng Mục Kiền Liên chỉ sở đắc đệ nhất Thần Thông không thôi thì thật là lầm to. Trí tuệ của Mục Kiền Liên quả thật là bất khả tư nghì đấy!”

Ðức Xá Lợi Phất với tâm trí thanh thoát, hơi thở nhẹ nhàng, một lát, khí an tĩnh tỏa ra, ngài nhập định thâm sâu, đóng cả thảy sáu cửa (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là nơi nghỉ ngơi, tịnh dưỡng hoặc an cư của bậc thánh.

Thời gian trôi qua, buổi chiều chầm chậm trôi qua, đức Xá Lợi Phất đi sâu vào đại định, không còn biết gì ngoại cảnh bên ngoài. Tình cờ, một hung thần đi ngang, nó vốn có ác cảm với sa-môn nên đã dùng tất cả thần lực đánh xuống đầu đức Xá Lợi Phất, mạnh như sấm sét, rồi bỏ đi.

Tuy nhiên, đức Xá Lợi Phất không hay biết, ngài vẫn an nhiên tự tại, bất động như địa đại trong thế giới tĩnh cư của mình.

Lúc ấy, đức Mục Kiền Liên ở một ngọn đồi xa, ngài không vào đại định như đức Xá Lợi Phất, mà ngài chỉ vào định tứ thiền, trở lại cận hành rồi dùng “thiên nhãn” để nhìn xem nhiều ngàn thế giới. Du hí, rong chơi một lát khắp cả mấy ngàn cõi, vừa trở về với hơi thở thì Mục Kiền Liên trông thấy hung thần đánh xuống đầu đức Xá Lợi Phất rồi bay đi. Cũng dùng thần thông, ngài có mặt bên cạnh đức Xá Lợi Phất trong một niệm, ngay tức khắc. Ðức Xá Lợi Phất lúc ấy cũng vừa xả thiền.

– Này hiền huynh! Mục Kiền Liên ân cần, lo lắng hỏi – Hiền huynh được an lạc chứ? Hiền huynh có cảm thấy cái gì bất ổn không?

Ðức Xá Lợi Phất đưa tay sờ đầu mình:

– Không sao! Vẫn an lạc như bình thường. Nhưng không biết có cái gì, ở đây – ngài xoa xoa chỗ trên đỉnh đầu – nó ê ẩm một ít thôi!

Ðức Mục Kiền Liên kinh ngạc quá, thốt lên:

– Ôi! Thật là kỳ diệu thay! Thật là hy hữu! Thật là một chuyện lạ lùng chưa từng thấy! Này hiền huynh! Sức mạnh thể chất và năng lực tinh thần của hiền huynh thật là vĩ đại, là cao siêu, là hy hữu trên thế gian này!

Ồ, huynh có biết không? Vừa rồi có một hung thần, chính thị một Ác dạ xoa, không biết lý do sao, đã đánh xuống đầu hiền huynh một cú đánh mạnh tợ sấm sét, mạnh tợ thiên lôi giáng! Hiền huynh có biết chăng, với sức mạnh, trọng lượng của cú đánh ấy thì một con voi to bảy, tám do-tuần cũng phải bị tan xác, một ngọn đồi cao, một tảng đá lớn tức khắc sẽ bị xẻ đôi!

Kỳ lạ thế đấy! Với sức mạnh của cú đánh như vậy, mà hiền huynh chỉ nói: Không sao, vẫn an lạc như thường; nhưng không biết có gì ở đây, trên đỉnh đầu, nó ê ẩm một tí thôi!

Ðức Xá Lợi Phất cũng lạ lùng, hoan hỷ thốt lên:

– Ôi! Thật kỳ diệu thay! Thật là hy hữu! Thật là một chuyện lạ lùng chưa từng thấy! Này hiền đệ! Năng lực tinh thần, năng lực thần thông của hiền đệ mới kỳ vĩ và siêu tuyệt làm sao! Làm thế nào mà với khoảng cách giữa hai ngọn đồi xa như thế, hiền đệ lại có thể thấy ngay tức khắc một dạ-xoa hung ác đến và bay đi? Rõ ràng là đôi mắt của hiền đệ quả là siêu tốc, chẳng lấy gì so sánh nổi!

Thật là thú vị. Cả hai vị đều không hề để ý đến mình mà chỉ tán thán, ca ngợi năng lực của người khác mà ai cũng khiêm tốn, trung thực tận đáy lòng!

Buổi chiều, khi vào trong làng, bên nhóm những vị tỳ-khưu, đức Mục Kiền Liên kể lại câu chuyện về hung thần và khả năng đại định kỳ lạ của đức Xá Lợi Phất cho mọi người nghe; lát sau, ngài Mục Kiền Liên hỏi ngài Xá Lợi Phất:

– Thưa đại đức! Chỗ bị dạ-xoa hung ác đánh trên đầu giờ còn ê ẩm chăng?

Biết là người hiền đệ của mình muốn trở lại đề tài Vô Ngã nên ngài trả lời:

– Không sao! Ấy chỉ là một “cảm thọ” thôi. Thọ ấy có sinh thì thọ ấy có diệt. Sinh và diệt là bản chất, là tính chất của các cảm thọ cũng như của tưởng, của hành, của thức vậy. Chẳng có cái ngã nào ở đấy để gánh chịu cả.

Ðức Mục Kiền Liên tự nghĩ: “Ðây là phải thời để hiền huynh ta giáo giới cho một số tỳ-khưu tà kiến, ngu si này!”

Bèn tự lấy tọa cụ của mình đặt trên một chỗ cao ráo, bằng phẳng, sạch sẽ; cung thỉnh đức Xá Lợi Phất ngồi lên đấy, rồi nói:

– Xin đại đức bi mẫn chỉ giáo! Ðại đức vừa nói đến sự vận hành vô ngã của ngũ uẩn, vậy xin đại đức giảng rộng thêm. Ðã từ lâu có rất nhiều giáo phái quan niệm có một “Cái Ta”, có một Atta, Atman, một linh hồn trường cửu. Linh hồn ấy gây nhân, linh hồn ấy gặt quả. Quan niệm ấy có đúng không? Chủ thuyết ấy có sai lầm chăng? Trong giáo hội của  đức Tôn Sư, có người vẫn chưa thông hiểu rốt ráo về ngũ uẩn, về Cái Ta, về cái Atta, Atman ấy! Do đó, những khởi nghi tồn tại ở đâu đó như những cái rác vô hình vướng trong mắt nên những chấp kiến, những dị kiến mơ hồ, xao xác đã từng có mặt ở đây, giữa chư huynh đệ này, rằng là “Niết Bàn là Vô Ngã”, rằng là “Vô Ngã là Niết Bàn”! Mới nghe thì có vẻ đúng lắm, chơn chánh lắm, nhưng có phải như thế không? Có thể lập ngôn hoặc hữu hoặc vô, ở trong phạm trù này, trong phạm trù kia dễ dàng như thế không? Vậy cúi xin đại đức lấy đại trí tuệ của mình soi rọi những chỗ tối tăm để cho đại chúng thảy đều an vui, tấn hóa và lợi lạc.

Ðức Xá Lợi Phất tự nghĩ: “Hiền đệ ta khổ tâm vậy thay! Hiền đệ ta đã cung kính ta như vậy cũng vì lợi ích cho phần đông. Vậy ta cũng nên giải nghi cho họ; và ta sẽ tạo duyên cho nó thành một buổi thuyết pháp vấn đáp thú vị”.

Bèn bước xuống pháp tòa, lấy tọa cụ của mình đặt thêm bên cạnh rồi thỉnh đức Mục Kiền Liên lên ngồi. Khi cả hai cùng đã an tọa, đức Xá Lợi Phất hướng về đại chúng đang đoanh vây, nói rằng:

– Chúng tôi, cả hai cùng thuyết, hỏi và đáp, chư huynh đệ hãy lắng nghe.

Nhóm tỳ-khưu từ Vesāli và rất nhiều nhóm tỳ-khưu khác nữa, nhân duyên gặp hai vị tôn giả ở đây, quả là hy hữu. Từ lâu, họ đã nức tiếng nghe danh hai vị đại đệ tử của đức Phật: Một vị là đệ nhất đại trí tuệ, một vị là đệ nhất đại thần thông! Bây giờ họ đang cùng có mặt ở đây, thân tướng trang nghiêm, giọng nói với những âm thanh tuyệt hảo. Thật có phúc cho họ lắm. Kẻ âm thầm chiêm ngưỡng. Kẻ tán thán ca ngợi thì thào. Kẻ chấp tay kính mộ. Gặp hai vị đại đệ tử thì chẳng khác gì gặp được đức Phật vậy. Cả hội chúng bắt đầu im lặng, một con muỗi bay vo ve cũng nghe được âm thanh.

Giọng đức Xá Lợi Phất gióng lên như tiếng chuông ngân:

– Ðại đức Mục Kiền Liên cho tôi được hỏi: Tất cả các sắc thô hay tế, thù thắng hay hạ liệt, trong hay ngoài, gần hay xa, quá khứ, hiện tại hay vị lai; tất cả các sắc ấy, đức Tôn Sư đã thuyết rồi, nó là hữu ngã hay vô ngã?

– Là vô ngã.

Ðại đức Xá Lợi Phất đưa một cánh tay lên:

– Ðây có phải là sắc không?

– Thưa, phải.

Ðại đức Xá Lợi Phất đưa một que củi lên:

– Ðây có được gọi là sắc không? Là vô ngã không?

– Thưa, đất nước lửa gió ở trong thân hay ở ngoài thân chúng đều là sắc; vì là sắc nên nó cũng là vô ngã!

Ðức Xá Lợi Phất chăm chú nhìn que củi, nói rất lớn mà như nói cho chính mình nghe:

– Lạ nhỉ! Có người nói rằng Vô Ngã là Niết Bàn! Que củi này là vô ngã, vô ngã là tính chất của que củi! Hóa ra người ta cần cầu tu tập để đạt cho kỳ được tính chất vô ngã như que củi này?

Cả đại chúng lạnh ngắt, ngỡ ngàng. Họ chăm chú nghe bậc Tướng quân Chánh pháp nói, chăm chú nhìn que củi! Rồi cả hội chúng nổ ra một trận cười! Một trận cười ứa nước mắt. Một trận cười hỷ lạc! Một trận cười rõ ràng là họ đã thấy ra vấn đề. Hóa ra điều mà họ sôi nổi tranh luận chưa biết ai đúng, ai sai thì chỉ là que củi, trò cười trên tay bậc đại trí tuệ!

– Lành thay! Chúng đệ tử đã hiểu!

– Đừng vội nói hiểu! Đức Mục Kiền Liên nói – chư huynh đệ hãy cố nghe cho kỹ, cho rõ toàn bộ vấn đề.

Ðể cho hội chúng xôn xao lắng xuống, đức Xá Lợi Phất tiếp tục thuyết giảng:

– Này chư huynh đệ! Hãy nhìn lại tấm thân một trượng này; cái tấm thân có bì da đựng thịt, đựng xương, biết mặc áo, ăn cơm, biết đi đứng, nói năng; nó là cái tiến trình vận hành, tiếp nối, liên tục, sinh diệt từng giây khắc của ngũ uẩn ấy thôi. Một cảm thọ khởi lên, ghi nhận cảm thọ là tưởng, tham sân si tác động là hành, nhận biết toàn bộ tiến trình ấy là thức. Thức nhận biết, kinh nghiệm toàn bộ tiến trình ấy rồi sanh khởi ngũ uẩn mới, thức tiếp xúc với sắc mới tạo ra thọ mới, tưởng mới, hành mới rồi thức mới cứ như thế cho đến vô tận tử sanh, vô tận trầm luân không bao giờ ra khỏi. Là thường nhân, là phàm phu, vì không có tu tập, không có tuệ giác, vì không thấy, không biết nên cứ tưởng là có một Atta, một Atman, một linh hồn trường cửu. Vậy hãy như chân như thật thấy rằng: Ngũ uẩn ấy là không, ngũ uẩn ấy là vô ngã!

– Lành thay! Chúng đệ tử đã hiểu.

Ðại đức Xá Lợi Phất quay qua Mục Kiền Liên:

– Thưa đại đức! Ngũ uẩn là vô ngã, vậy vô ngã của ngũ uẩn có phải là Niết Bàn không?

– Thưa, không phải!

Ðại đức Xá Lợi Phất quay lại nhìn đại chúng:

– Nầy chư huynh đệ! Hãy nghe cho kỹ đây. Sắc là vô ngã, nhưng vô ngã ấy không phải là Niết Bàn. Thọ, tưởng, hành thức đều vô ngã, nhưng vô ngã ấy cũng không phải Niết Bàn. Sự tập khởi, sự vận hành của tiến trình duyên khởi ngũ uẩn ấy là vô ngã, vô ngã ấy cũng không phải Niết Bàn. Tại sao vậy. Vì vô ngã là tính chất như thực của pháp. Người tu tập tuệ quán, nhờ thấy rõ như thực như thế nên không còn chấp thủ sắc là ta, là của ta, là tự ngã của ta; thọ là ta, là của ta, là tự ngã của ta… Và cũng nhờ vậy, vị ấy thoát ly khỏi ảo kiến về ngã, về tự ngã; đồng thời lìa tất thảy mọi đam mê, chìm đắm; các dục được yên lặng, mọi tham muốn, thương ghét, nóng nảy, bất bình đều tiêu tan. Chính tại đây, chính tại chỗ này, tâm trí vị ấy hân thưởng một niềm hạnh phúc siêu thế, vượt ngoài trần tục, cái ấy giả danh là Niết Bàn!

Đức Xá Lợi Phất dừng nghỉ một lát, nhìn thấy những đôi mắt của đại chúng sáng lấp lánh; ngài rất hoan hỷ khi biết sự giải thích ấy có hiệu quả, đã len được vào tâm trí của mọi người!

Đức Mục Kiền Liên cũng thấy như thế nên ngài nói tiếp:

– Vậy ở đây, ai bảo “Vô Ngã là Niết Bàn” rõ ràng là tà kiến, là kiến hoang vu, kiến rừng rậm, kiến kiết phược, kiến hý luận, kiến điên đảo…! Vô ngã là sinh diệt, không có tự tính, không có thực thể, vậy nếu lập ngôn Vô Ngã là Niết Bàn thì rất nguy hiểm vì biết bao người sẽ sợ hãi: Niết Bàn ấy cũng sinh diệt, không có tự tính, không có thực thể; lẽ nào cần cầu tu tập để đạt cái sinh diệt, cái không có tự tính, cái không có thực thể hay sao?

Mọi người thở phào, dường như họ đã thấy.

Tôn giả Xá Lợi Phất chợt hỏi tôn giả Mục Kiền Liên:

– Thưa đại đức! Tất thảy pháp hữu vi cũng đều vô ngã như vậy chứ?

– Thưa, các pháp hữu vi, tức là cái được cấu tạo, do duyên sinh, do kết hợp dầu lớn như vũ trụ trăng sao, dầu nhỏ như một mảnh lân hư trần: Tất cả chúng đều là vô ngã.

– Thưa đại đức! Còn các tâm niệm của chúng ta thì sao?

– Thưa, những tâm niệm tạo tác lăng xăng, tạo tác thiên đường, địa ngục; khởi nghĩ chuyện này sinh chuyện kia, chính là hữu vi; điều mà  đức Tôn  Sư đặt nặng trọng tâm; chúng chính là hành (sakhāra), hữu vi ấy là hành. Hành chính là những trạng thái tâm lý, những tạo tác lăng xăng ấy.

– Chúng có vô ngã không?

– Thưa, là vô ngã!

– Hữu vi bên ngoài và hữu vi bên trong, giống nhau ra sao và khác nhau ra sao?

– Thưa, hữu vi bên ngoài là vô ngã tính, không có thực tính; là hiện tượng tự nhiên, là luật tắc của vạn hữu(1); dù đức Phật có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời thì chúng vẫn như vậy, vẫn thành trụ hoại không, vẫn duyên sanh duyên diệt, vẫn lá xanh, lá vàng, vẫn xuân sanh, hạ trưởng, thu vàng và đông úa. Hữu vi bên trong cũng có đầy đủ những tính chất như hữu vi bên ngoài, chúng giống nhau. Nhưng hữu vi bên trong còn được gọi là hành (sakhāra), còn bên ngoài thì không thể gọi là hành!

– Tại sao lại như thế chứ?

– Vì hữu vi bên ngoài là vô thường, vô ngã nhưng không đưa đến dukkha (2). Chính hữu vi, vô thường, vô ngã bên trong, hành; cái lăng xăng tạo tác, thương ghét, buồn vui, khổ lạc thay đổi thất thường các trạng thái tâm lý, chấp thủ, đam mê, tham sân khởi sanh mới đưa đến dukkha!

Ðể cho hội chúng suy nghĩ, thầm lặng lãnh hội một lát, tôn giả Xá Lợi Phất nói rằng:

– Ðại đức đã giảng giải rất rõ. Rất rõ do thực chứng, do quán chiếu bát-nhã chứ không phải có từ tri thức, nhận thức suông! Hội chúng này, hôm nay, thật là may mắn và hạnh phúc! Hy vọng rằng mọi người sẽ mở được con mắt tuệ! Vậy đại đức vui lòng cho được hỏi tiếp.

Cả hai vị tâm ý tương thông. Tôn giả Mục Kiền Liên mỉm cười dịu dàng:

– Rất sẵn lòng, thưa đại đức!

– Xin cho biết tiếp. Đại đức nói rằng, tất cả pháp hữu vi, bên ngoài là vô thường, vô ngã nhưng không dukkha; bên trong là hành, là vô thường, vô ngã và dukkha. Vậy còn những pháp vô vi, pháp không tạo tác, pháp trong tâm của đức Phật, chư vị A La Hán, pháp ấy như thế nào?

– Pháp ấy cũng vô ngã.

– Quý hóa thay! Lành thay! Đức Xá Lợi Phất tán thán, nhưng đồng thời, đưa câu thắt buộc vấn đề – Tất cả các pháp đều là Vô Ngã. Tất cả pháp là gồm pháp hữu vi và vô vi! Vậy ra, pháp vô vi, không tạo tác (vô hành – asakhāra) trong tâm của đức Phật, chư vị A La Hán cũng không có thực tính, không có tự tính, là cũng sinh diệt hay sao?

– Hay lắm! Đức Mục Kiền Liên cũng tán thán – Đây chính là ngón trỏ của vấn đề. Là điểm khó nắm bắt nhất của tri thức luận, của tư duy võ não nên sinh ra vô vạn hiểu lầm với những tà kiến hoang vu, điên đảo. Nó cần sự thực chứng nội tâm, người trí tự mình giác hiểu, nóng lạnh tự biết. Để khơi mở điều ấy, qua khả năng ngôn ngữ có thể, ta tạm thời diễn nói như sau: Vô ngã, vô tự tính là bản chất, là tính chất như thực của tất cả pháp; khi quán chiếu như vậy rồi, tâm trí vị ấy lìa tất thảy mọi sở hữu, mọi cái đắc và không đắc, có và không, bên này và bên kia; chấm dứt tất cả dukkha, thâm đạt hạnh phúc siêu thế, không có ngôn ngữ, khái niệm nào ở thế gian có thể diễn đạt được! Vậy, cái cuối cùng, cứu cánh phạm hạnh là chấm dứt đau khổ, phiền não đúng như đức Phật thường thuyết một cách rất dễ hiểu, rất dung dị: “Không bờ này, bờ kia. Cả hai bờ không có. Lìa khổ không trói buộc. Ta gọi bà-la-môn”. Đến đây, tôi có một câu kết: Vậy, giáo pháp của đức Phật là diệt khổ chứ không lý luận về hữu hay về vô!

Có vị tỳ-khưu phát biểu rất lớn:

– Bạch ngài! Chúng đệ tử hiểu rồi, chúng đệ tử đã rõ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng đệ tử vô cùng tri ân nhị vị thượng thủ của giáo hội đã trăm phương nghìn cách, vì lòng bi mẫn đã vận dụng tâm trí, đã khổ công khai sáng cho chúng đệ tử!

Một vị tỳ-khưu khác lại tán thán:

– Kỳ diệu thay là trí tuệ của nhị vị đại đệ tử! Chỉ vài đoạn đối thoại của quý ngài là những tà kiến ngu si bị vỡ tan như những bọt nước.

Có một người nào đó ở phía sau, cất giọng rõ ràng, rắn rỏi:

– Thưa, vậy là đã rõ! Khi lập ngôn vô ngã là nói về tính chất duyên sinh của tất cả pháp, nó nằm trong phạm trù nhận thức luận, tri kiến luận. Khi lập ngôn Niết Bàn, giả danh để chỉ sự thực siêu thế, thuộc phạm trù thân chứng luận, thực nghiệm luận. Cả hai có hai giá trị tương biệt. Vậy, chẳng thể nào đặt “Vô Ngã là Niết Bàn” như hai vế đã được xác định trong một phương thức đẳng lập!

– Đúng! Tuyệt vời đúng! Một giọng khác, đanh thép cũng không khác gì – Nhưng xin bạn bỏ chữ “luận” thời thượng ấy cho. Chẳng có luận thức, luận tri, luận bàn, luận giải nào ở đây cả! Luận là khi chưa thấy rõ sự thực, ông bạn!

Một giọng khác:

– Thế hóa ra những giáo phái chủ, giáo phái sư, đạo sư, chân sư, du già sư, lang thang du sĩ sư… từ đạo trường này sang đạo viện khác, từ xóm phường kia sang thôn bản nọ với những cái gì… số luận, thắng luận, hiện tại Niết Bàn luận, bất khả tri luận, hiện tượng luận, bản thể luận, nhất nguyên luận, nhị nguyên luận, tuyệt đối luận… đều như chuyện ngụ ngôn năm người mù sờ voi cả sao?

– Chính thị!

– Xin hai bậc Đại Trí Tuệ cho đệ tử được diễn ngôn cách khác – Một giọng trầm, ấm cất lên – Sau khi thấy rõ tự tính duyên sinh, từ thức tri, vị ấy bước lên tuệ tri; tuệ tri được tỏ rõ, được gọi là tuệ minh. Từ tuệ minh vị ấy miên mật tu tập, quán chiếu, giải thoát lần lượt mọi buộc ràng của danh sắc, tham sân, chấp thủ từ cạn vào sâu, từ thô đến tế. Đây tạm gọi là tuệ chứng, tuệ thành. Vậy, trước là tuệ tri, tuệ minh vô ngã; sau là tuệ chứng, tuệ thành Niết Bàn, được chăng?

– Cũng được! Không sai! Nhưng xem chừng, khi chữ nghĩa nhiều quá, nói năng nhiều quá, chúng ta lại rơi vào luận cùn, luận cụt, luận hoang vu đấy!

– Lại còn sai nữa!

 Một người khác:

– Vì tuệ chứng, tuệ thành lại rơi vào ngã sở đắc, cái làm kẹt Niết Bàn đấy!

Hai vị tôn giả lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Cả hai đồng khởi lên một ý nghĩ: “Hội chúng trẻ tuổi này có trình độ kiến thức và khả năng biện giải rất đáng ngạc nhiên. Nếu hội chúng này nắm được toàn bộ Chánh Tri Kiến thì trong mai hậu, không e ngại, không sợ hãi bất kỳ một luận sư nào trong châu Diêm Phù Đề (Dīpajampu)nầy!”

Ðức Xá Lợi Phất từ tốn đưa nhẹ tay cho đại chúng yên lặng, rồi ngài chậm rãi nói:

– Cảm ơn các bạn đã thảo luận có chiều sâu, đã đi qua nhiều ngõ ngách của tư duy và kiến giải về lập ngôn Vô Ngã là Niết Bàn! Dĩ nhiên, về mặt luận tri, luận thức – cái từ mà các bạn đã dùng – thì sẽ còn nhiều quan điểm dị đồng, riêng khác, chúng ta không thể đi hết! Nhưng ở đây có điểm gặp gỡ chung, là dường như, trong đại chúng này, không còn ai hoài nghi về giáo pháp như thực của đức Tôn Sư nữa chứ?

– Đúng thế, không còn hoài nghi! Mọi người như đồng thanh đáp – tri ân nhị vị tôn giả!

Ðức Mục Kiền Liên mỉm cười đưa mắt nhìn đại chúng:

– Thế, còn một lập ngôn ngược lại: Niết Bàn là Vô Ngã, các bạn nghĩ sao? Nó đúng thì đúng ở điểm nào? Nó sai là sai ở điểm nào?

Đại chúng chợt rơi vào yên lặng. Yên lặng là do họ thận trọng. Thận trọng vì đây là câu hỏi của vị đệ nhị Đại đệ tử. Phải suy nghĩ chín chắn chứ không thể hời hợt, bộp chộp được.

Một vị tỳ-khưu dè dặt nói:

–  Đức Tôn Sư và các vị thượng thủ A La Hán thường im lặng mỗi khi ai hỏi câu hỏi tương tự.

– Không chỉ im lặng – Vị khác tiếp lời – Đôi khi các ngài có nói. Các ngài nói rằng: Nó ở ngoài mọi ngôn ngữ, mọi khái niệm ước lệ thế tình. Ở ngoài có, không, vừa có vừa không, không có không không. Ở ngoài mọi phạm trù quy định của lý trí vọng thức…

– Đúng vậy! Có người bổ túc – Quý ngài còn nói, là nơi chấm dứt tất cả khổ; là nơi không còn sự diễn tiến chất chồng, rối ren của ngũ uẩn; là nơi không còn tham sân si; là nơi Vô Sanh, Chân Phúc và Bất Tử!

Hội chúng lại im lặng. Những kiến giải ấy là đúng nhưng họ còn muốn lắng nghe. Hai vị đại đệ tử cũng muốn lắng nghe cuộc thảo luận này sẽ đưa đến đâu. Các ngài cũng muốn kiểm tra trình độ nông sâu của họ.

– Đệ tử cũng có nghe chính từ kim khẩu của  đức Tôn Sư nói rằng: Niết Bàn là vô tạo tác, yên lặng các nghiệp, không còn trôi lăn trong ba cõi, sáu đường. Lần khác, đức Đạo Sư còn nói về những đức tính của Niết Bàn – là không, vô tướng, vô ái – (3) khi có người hỏi. Xin nhị vị tôn giả minh chứng cho lời nói của đệ tử là đúng với sự thực.

Đức Mục Kiền Liên gật đầu:

– Quả đúng như thế thật! Rồi ngài đưa mắt an lành, mát mẻ nhìn mọi người Vậy thì trong hội chúng này không ai nghe đức Thế Tôn nói “Niết Bàn là Vô Ngã” sao?

Lại yên lặng.

Đức Xá Lợi Phất nói:

– Vậy là không ai nghe? Thế sao hồi chiều, trong hội chúng này, trong quý vị đã có người tranh luận và phát ngôn rất hùng hồn rằng Niết Bàn là Vô Ngã?

– Cũng có lý do, thưa tôn giả! Một người nói – Vì Niết Bàn là pháp vô vi, vô tạo tác; pháp ấy cũng vô ngã. Chúng đệ tử chỉ hiểu từng ấy nên sinh ra tranh luận chưa có hồi kết. Tuy nhiên, bây giờ chúng đệ tử thấy rồi. Niết Bàn thuộc về chứng nghiệm tự thân, yên lặng và thanh bình các dục, các khổ; là pháp siêu thế, nói “là” thế này, nói “không là” thế kia mà làm gì, trật lất hết!

Tôn giả Xá Lợi Phất nhè nhẹ gật đầu:

– Đúng vậy! Tri kiến của chư huynh đệ là đúng đắn. Vậy từ rày về sau đừng nên lập ngôn như thế nữa, đừng nên tranh luận như vậy nữa. Vô Ngã cũng như Niết Bàn đều là cái để thấy, để hiện quán, để chứng nghiệm chứ không phải để lập ngôn và diễn nghĩa. Nếu lập ngôn và diễn nghĩa hay cách mấy, chính xác cách mấy cũng rơi vào huyền đàm và hí luận xin chư huynh đệ hãy biết cho như thế!

Cả hội chúng đồng thanh:

– Chúng đệ tử rõ rồi ạ!

Ðức Xá Lợi Phất và đức Mục Kiền Liên đều mỉm cười. Lòng của hai vị rất vui, rất hoan hỷ. Họ đều nghĩ rằng, trong không khí vừa nghiêm túc, vừa đứng đắn, vừa cởi mở này thì nên giải tan luôn cho đại chúng những mối nghi, những tà kiến, những loạn kiến còn tồn tại xung quanh các tranh luận về Niết Bàn. Chuyện ấy không những chỉ xảy ra ở đây, mà có thể ở khắp mọi nơi, bất cứ chỗ nào khi “khổ đế” chưa được liễu tri và rốt ráo Phạm Hạnh chưa được thấy rõ.

Ðức Mục Kiền Liên kết luận:

– Chư hiền! Thế là cuộc thảo luận của chúng ta về hai lập ngôn: “Vô Ngã là Niết Bàn, Niết Bàn là Vô Ngã” đã bị rã tan như nắm tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Trong chư hiền có ai nghi ngờ gì về điều ấy nữa không?

– Bạch ngài, hoàn toàn không, hoàn toàn thấu suốt.

Một vị tỳ-khưu cất giọng rổn rảng:

– Một ngụ ngôn rất xưa về con cá và con rùa trong chiếc ao nọ, không ai là không biết; nhưng đây là vì chúng đệ tử không chịu tu tập, không chịu kham nhẫn, khổ công ngày đêm hiện quán; cứ tưởng là trí năng, luận lý có thể với tới bến miền bên kia mà sinh ra đa ngôn, đại vọng, ngã mạn. Rõ chúng đệ tử là những con cá ngu si, tự mãn, kênh kiệu trong cái ao tù đọng của đời mình. Xin nhị vị tôn giả xá tội cho.

Tôn giả Xá Lợi Phất hiền từ nói:

– Lành thay! Chư huynh đệ không có tội gì! Im lặng nhìn quanh một lát, ngài nói tiếp – Còn những tri kiến liên hệ đến Niết Bàn sau đây, chúng ta cũng nên đem ra thảo luận, hy vọng chư hiền sẽ đi đến chỗ “kiến hòa”.

– Xin tôn giả giáo giới.

– Này chư huynh đệ! Nếu ở đây có người bảo: Niết Bàn là thường còn – Chư huynh đệ nghĩ thế nào?

Ðại chúng đồng thanh đáp:

– Là thường kiến, tà kiến.

Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi tiếp:

– Niết Bàn là thường lạc?

– Là thường kiến, tà kiến!

– Cũng vậy, họ còn quan niệm là thường ngã, thường tịnh?

– Là thường kiến, tà kiến!

– Niết Bàn là gồm cả thường, lạc, ngã, tịnh?

– Là thường kiến, tà kiến!

Ðức Mục Kiền Liên chợt nói:

– Chư hiền! Chư hiền có biết tại sao  đức Tôn  Sư dạy thế gian là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh; vậy mà trong hội chúng của chúng ta, có người lại lấy tư tưởng “thường, lạc, ngã, tịnh” đem gán cho Niết Bàn chăng?

Ðại chúng im lặng, có vẻ đang suy nghĩ thì có một người đáp:

– Thưa tôn giả! Có lẽ đấy là cái bánh trộn nhiều đường và chiên nhiều mỡ, ngon lắm đấy!

Cả hội chúng cười.

– Tại sao? Có người hỏi.

– Sao nữa! Vẫn giọng người kia nhưng đấy là cái bánh vẽ, huynh đệ ạ! Tưởng là ngon nhưng không ăn được đâu.

– Ðừng có xa đề. Liệu hồn cái miệng, có nhị vị tôn túc trưởng lão ở đây.

– Sao lại xa đề! Tôi biết hai vị tôn giả không chấp ngôn, chấp ngữ; và tôi cũng biết là hai vị tôn giả đáng kính biết tôi nói gì.

Một vị tỳ-khưu nói to:

– Tôi hiểu.

– Giải thích đi! Mọi người giục.

– Thưa nhị vị tôn giả và đại chúng kính mến – Vị tỳ-khưu kia đáp – Giáo pháp của  đức Tôn Sư dạy rằng:  Các pháp hữu vi là vô thường, thay đổi, biến hoại! Nghe vậy, chúng sanh chạy tới, chạy lui hớt hải, bất an. Có một số luận sư  rất khôn ngoan, bèn kêu lại: Ðến đây, đừng sợ! Hãy đến đây mà tu theo giáo pháp của ta! Giáo pháp của ta cũng có Niết Bàn, nhưng không phải là vô thường, thay đổi, biến hoại đâu mà nó kiên cố, vững bền, thường hằng bất hoại! Vậy thì, thưa quý ngài! Ðấy không là chiếc bánh nhiều mỡ, nhiều đường rất ngon là gì?

– Hay lắm,! Ðúng lắm! Nói tiếp đi!

– Giáo pháp của bậc Vô Thượng Giác dạy rằng: Các pháp hữu vi, tạo tác, kết hợp là khổ! Bọn chúng bèn mang ra cái bánh khác: Lại đây các bạn! Hãy lại đây mà tu theo giáo pháp này! Tu theo giáo pháp này sẽ được “thường lạc, thường vui”, sung sướng lắm! Cực lạc lắm! Sung sướng cực kỳ!

– Tuyệt vời thay là huynh đệ! Cho nghe tiếp!

– Giáo pháp của đức Thế Tôn dạy rằng: Tất cả các pháp, dẫu hữu vi, dẫu vô vi đều là vô ngã, không có tự tính, không có thực tính. Chúng sanh bơ vơ quá không biết bám víu vào đâu. Có một số luận sư rất cơ trí, bảo rằng: Không phải vậy, tu theo các ông đây thì chân ngã cũng có, hữu ngã cũng có, đại ngã cũng có! Thưa chư tôn giả! Vậy là chúng lại đưa thêm những cái bánh khác, thơm nức!

Chợt một người hỏi:

– Còn “thường tịnh” thì sao hở huynh đệ?

– Hả! Thường tịnh hả! Thì cũng vậy thôi! Chư huynh đệ thấy đức Thế Tôn dạy thế gian bất tịnh, thân bất tịnh để chúng sanh sớm xa lìa những mê say, tham đắm nơi lục dục ngũ trần. Bây giờ có người nói Niết Bàn là thường tịnh thì chắc là chiếc bánh khác nữa, ngon hơn thế nữa!

Hội chúng cười ồ…

Chợt có người nói lớn:

– Chúng ta đừng nên chỉ trích, biếm nhẽ quá đáng như thế. Thật ra, họ có ý tốt một phần trong đó. Vì thấy thế gian vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh nên họ đưa ra tính chất của Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh để cho chúng sanh có chỗ tốt đẹp để quy hướng, để tu tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có hai điều sai. Một là trưởng dưỡng tâm tham cầu của chúng sanh, ngược với tính chất của Niết Bàn là vô ái, vô dục. Hai là rơi và thường kiến thậm nguy hiểm vậy.

Đức Mục Kiền Liên mỉm cười:

– Nói vậy là chính xác! Tuy nhiên, chư hiền hãy nghe đây! Những giải đáp của chư hiền là khá đúng đắn, khá nghiêm túc nhưng vẫn chưa nói ra được cái lý do cốt yếu mà người ta đã gán ghép “thường, lạc, ngã, tịnh” cho Niết Bàn. Thứ nhất, ở đây, có kẻ vô văn phàm phu không học pháp của bậc thánh, không tu tập pháp của bậc thánh, không thấy rõ, không chứng đắc pháp của bậc thánh nên chúng sợ Niết Bàn của đức Phật là hư vô. Thứ hai, khi mà tri kiến về một đấng Phạm Thể, đấng sáng tạo chủ, đấng hóa sanh chủ, đấng thượng đế hằng sinh, đại ngã thần hóa truyền đời của đạo bà-la-môn đã ăn sâu vào tim tủy thì quan điểm thường, lạc, ngã, tịnh – là nội dung, là tính chất của Niết Bàn cũng là điều dễ hiểu! Thật ra, thường, lạc, ngã, tịnh không phải là không có; đó chính là trạng thái tâm, là cảnh giới của vị Đại Phạm Thiên mà bất cứ ai trong chư hiền ở đây đắc định sơ thiền vững chắc đều có thể hóa sanh ở đấy và sống đầy đủ với bốn ảo tưởng thường, lạc, ngã, tịnh ấy!

Ồ! Thật không có gì rõ ràng hơn thế nữa! Mọi người thở phào, nhẹ nhõm.

Kỳ diệu thay! Sau buổi vấn đáp, trao đổi, thảo luận ấy có rất nhiều vị tỳ-khưu chứng được Tu Đà Hoàn, nhập vào dòng Thánh.

Khi mọi người từ giã nhau, tản mát trong rừng cây, vườn nhà, trong làng để tạm trú qua đêm, đức Mục Kiền Liên nói với ngài Xá Lợi Phất:

– Thù thắng sao là buổi thiền đàm này! Hội chúng tỳ-khưu trẻ vừa rồi,  từ đây đã có khá nhiều vị giải được những mối nghi. Mau hay chậm họ cũng thấy rõ Niết Bàn thôi.

– Vâng, đúng vậy! Trí tuệ đoạn tận lậu hoặc sẽ đến với họ, mau hoặc chậm thôi!

Ðức Mục Kiền Liên chợt hỏi:

– Có bốn hạng người thành tựu trực giác giống nhau nhưng căn cơ nhanh, chậm khác nhau có phải thế không ạ!

– Đúng vậy! Hạng tiến hóa vừa khó khăn vừa chậm chạp. Hạng tiến hóa khó khăn nhưng nhanh chóng. Hạng tiến hóa dễ dàng nhưng chậm chạp. Hạng tiến hóa vừa dễ dàng vừa nhanh chóng!

Cả hai vị đại đệ tử này dường như là cố ý san sẻ, bổ túc cho nhau để ai cũng có thể đi đến chỗ toàn bích. Hơn ai hết, họ biết rằng, kiến thức, trí tuệ của một vị A La Hán không thể so sánh với kiến thức, trí tuệ của một vị Phật Toàn Giác. Chính đức Phật Sakyā thuở còn là đạo sĩ Sumedha, ngài có thể chứng đắc đạo quả A La Hán vào thời đức Phật Nhiên Ðăng (Dīpakāra) nhưng ngài đã không an trú ở đấy. Ngài đã bổ túc công hạnh, trí tuệ trải qua hai mươi bốn vị Chánh Đẳng Giác, từ Phật Nhiên Ðăng cho đến Phật Ca Diếp là bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để thực hành ba-la-mật. Vậy một vị A La Hán tuy đoạn tận vô minh, ái dục, phiền não, được vô sanh và giải thoát nhưng còn biết bao nhiêu kinh nghiệm, phương tiện trí cần phải được học hỏi; biết bao nhiêu loại trí tuệ, công hạnh khác cần phải được bổ túc cho tròn đủ vì lợi ích cho phần đông.

 


Chú thích:

(1) Có 5 định luật. Thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma), thế giới sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma), về pháp (dhammaniyāma), về tâm (cittaniyāma), về nghiệp (kammaniyāma).

(2) Dukkha thường được dịch là khổ, không nói hết nội hàm của nó. Tóm tắt, nó có 3 nghĩa chính. Một, tất cả những biến đổi về sinh vật lý cơ thể, đưa đến mệt mỏi, đau nhức, suy nhược, bệnh họạn, già yếu, tử vong… Hai, những biến đổi, thay đổi các tâm trạng, tâm lý, như: Khổ lạc, thương ghét, buồn vui, uất ức, sầu muộn, chán nãn, ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng, hận thù… Ba, là cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn, đáng khinh miệt, hư vô, trống rỗng, ảo ảnh, khó nắm bắt…

(3) Tam giải thoát môn: Không tánh giải thoát (suññātavimokkha), vô tướng giải thoát (animittavimokkha), vô ái giải thoát (appaihītavimokkha).