Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58678 Lượt xem

SAU KHI ĐẮC QUẢ

 
 

T

rúc Lâm tịnh xá về đêm thật là yên lặng, sao sáng đầy trời, không gian mát lạnh. Một vài cánh chim đêm vỗ cánh nhẹ nhàng, thoảng xa, những khóm tre đong đưa xào xạc…

Một hội chúng đông đúc dường ấy mà giờ đã yên lặng như tờ. Ðức Xá Lợi Phất bây giờ mới ngồi nhớ lại…

Trong canh một, đứng hầu sau lưng đức Ðạo Sư, ngài Xá Lợi Phất theo dõi thời pháp mà đức Thế Tôn giáo giới chư tỳ-khưu ở phương xa mới đến. Ngài không bỏ sót một lời, một chữ. Thỉnh thoảng ngài để tâm rỗng lặng như chỉ để lắng nghe tiếng hải triều âm từ biển pháp mênh mông vọng lại. Ngài nắm bắt cái cốt lõi, cái tinh thần; rồi lấy tuệ phân tích rọi đến, ngài lại càng hiểu hơn nữa những chân trời, những ngõ ngách chi li của giáo pháp.

-“ Ôi! Mênh mông và vô lượng thay là căn nhà Pháp Bảo của đức Tôn Sư”.

Nhóm tỳ-khưu này rời đi, nhóm tỳ-khưu khác lại đến. Ðức Phật chợt đứng dậy, quay qua ngài Xá Lợi Phất :

– Như Lai đi kinh hành một lát, này Xá Lợi Phất! Ông hãy thay mặt Như Lai thuyết lại bài pháp vừa rồi. Ông cần ghi nhận rằng, có những bài pháp giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng chúng cũng phải được lặp đi lặp lại mãi. Ðiều ấy rất có lợi cho những thầy tỳ-khưu sơ cơ vừa chân ướt, chân ráo bước vào giáo hội.

Phụng mệnh đức Tôn Sư, ngài Xá Lợi Phất ngồi lên một pháp tọa thấp hơn, bắt đầu bài pháp đầu tiên trong đời của một vị đại đệ tử.

Sau thời pháp, cả hội trường vang lên tiếng “Sādhu” (lành thay), tán thán đức Xá Lợi Phất không tiếc lời.

Ðức Phật, lúc ấy, cũng đã ngồi trên bảo tọa, ngài tán thán đức Xá Lợi Phất như sau:

– Này các thầy tỳ-khưu! Pháp mà Như Lai vừa thuyết, Xá Lợi Phất thuyết lại, không những trọn lời, trọn ý, minh xác, mãn túc mà còn làm cho nó minh bạch, rõ ràng hơn; còn làm cho nó khúc chiết, tỉ mỉ, mạch lạc hơn; làm cho mọi người dễ nắm bắt, dễ lãnh hội; làm cho nó sống động và lôi cuốn hơn.

        Này các thầy tỳ-khưu! Xá Lợi Phất trước đây là một trưởng giáo bà-la-môn lỗi lạc lúc vừa mười tám tuổi, là một học giả Vệ Đà hữu danh, đa văn, bác học, quảng kiến. Ông thông hiểu rành rẽ, uyên bác tất cả mọi loại triết học trong và ngoài truyền thống. Ông cũng là nhà ngôn ngữ siêu việt hai loại diễn ngôn: Bác học và bình dân, thường ngữ và pháp ngữ! Lại nữa, Xá Lợi Phất còn là một nhà thông thiên văn, địa lý, thuật số, vật lý, tự nhiên học. Với kho tàng kiến thức mênh mông, đồ sộ ấy, nhưng không bao giờ ông ấy thuyết ra một câu thừa, một chữ thừa. Tất cả chỉ cần vừa đủ, trọn ý; vừa văn chương quý tộc, vừa giản dị bình dân, lúc nghiêm túc, lúc dí dỏm. Ai mà đã từng được nghe Xá Lợi Phất thuyết pháp một lần rồi thì dường như, đối với họ, trên đời này, không có một pháp sư, một giảng sư nào nữa cả.

Này các thầy tỳ-khưu! Tiếng sóng của trăm con sông, ngàn con sông đổ dồn về biển nhưng không bao giờ bằng tiếng sóng của biển! Cũng vậy, giáo pháp Như Lai thuyết là hải triều âm. Giáo pháp mà Xá Lợi Phất thuyết lại, cũng là hải triều âm, không hai, không khác.

Ðầu canh hai, đức Thế Tôn lui gót vào hương phòng, ngài Xá Lợi Phất biết rằng, đã đến giờ đức Đạo Sư giáo giới đến cho chư thiên nên ngài cùng chư tăng trở về liêu xá.

Ðức Xá Lợi Phất đi quanh một vòng thăm nơi chốn mới mà ngài biết phải ở lại đây với  đức Tôn  Sư trong mấy mùa an cư. Thật lạ lùng thay là uy lực của giáo pháp. Cả hơn ngàn tỳ-khưu mà đâu đâu cũng yên lặng. Giữa rừng trúc, bên bờ suối, trên những con đường kinh hành, trong liêu thất, nơi nào cũng tịch mịch. Đây đó thấp thoáng vài ngọn đèn dầu lạc le lói, dường như chỉ vừa đủ sáng cho hai ba bóng người đàm luận nho nhỏ. Rất nhiều vị tỳ-khưu hành thiền rải rác ở ngoài trời, dưới cội cây, ven suối, trên những tấm thạch bàn, trên những đám cỏ bằng.

Tất cả họ đều tôn trọng Phật Bảo, tôn trọng Pháp Bảo, tôn trọng Tăng Bảo. Ngoài ra, ai cũng nỗ lực tiến tu để khỏi hổ thẹn là một đấng trượng phu ở trên đời, nhất là các vị tỳ-khưu chưa hưởng được hương vị của pháp.

Ðức Xá Lợi Phất nghĩ tiếp:

“- Còn mình? Buổi sáng vừa thấy trọn vẹn đạo Bất Tử, buổi chiều đã về đây dự cuộc lễ nhận vai trò làm đại đệ tử, buổi tối thì nghe pháp và thuyết pháp; quả thật ta chưa có thì giờ, một khoảng trống nào để tự mình chiêm nghiệm, liễu tri trạng thái vô hành của tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Bây giờ là phải thời để làm điều ấy”.

Nghĩ thế xong, đức Xá Lợi Phất chánh niệm, điều hòa hơi thở một lát, chú mục vào hơi thở, an trú vào hơi thở.

Không lâu sau, tâm trú được kiên định, hơi thở nhẹ nhàng, nhỏ nhiệm; phỉ phát sanh, lạc phát sanh rồi luồng nhất tâm trôi chảy trong suốt, không một vết bợn; ngài Xá Lợi Phất đi vào định sơ thiền. Ðây là các tầng định mà ngài đã thuần thục vào thuở còn trẻ, nên ngài dễ dàng, xuất sơ thiền, không tầm, không tứ thọ hưởng hỷ lạc của định nhị thiền; rời nhị thiền, ly hỷ trú xả, ngài đi vào đệ tam thiền; xả niệm thanh tịnh, nội tâm thuần tĩnh nhất như, ngài nhập vào tứ thiền, thân bất động, tâm bất động, an nhiên, tự tại.

Ðến khoảng giữa canh ba, đức Xá Lợi Phất xuất tứ thiền, khởi lên tưởng không là vô biên, ngài trú vào định không vô biên xứ thiền. Lặng yên một lát, xuất định không vô biên, khởi tưởng thức là vô biên, ngài tức khắc trú định thức vô biên xứ thiền. Rồi cứ thế, vô sở hữu xứ thiền, phi tưởng phi phi tưởng thiền. Ngài xuất và nhập rất dễ dàng, từ bỏ phi phi tưởng, ngài xuống vô sở hữu. Xuất vô sở hữu xuống thức vô biên. Lìa thức vô biên vào không vô biên. Bỏ không vô biên, ngài trở lại tứ thiền. Rõ ràng là từ định tứ thiền không còn phiền não nào dấy khởi, tất cả đều lặng yên như một mặt biển mênh mông không hề dợn sóng.

Cuối canh ba, đức Xá Lợi Phất trả thức, thọ, tưởng lại cho thức, thọ, tưởng; ngài dùng tuệ quán nhìn ngắm sự vận hành lai khứ của các pháp. Bây giờ ngài bắt đầu sử dụng thất giác chi, tức là bảy pháp có sẵn trong tâm của bậc Giác Ngộ để lắng nghe muôn pháp. Khi dùng chánh niệm để ghi nhận hiện tượng gì khởi sanh nơi thân tâm. Khi dùng thử trạch pháp để phân tích một tư tưởng rất nhỏ nhiệm. Lúc thử dùng tấn để đẩy một thiện tâm cho đến viên mãn. Khi thử trú hỷ, thử trú an, thử trú định, thử trú xả …

Ôi! Quả thật là dễ dàng. Tâm ngài giờ là cả kho tàng, muốn sử dụng gì cũng được cả. Một chút nhất tâm hướng vào pháp gì là có pháp ấy.

Ðức Xá Lợi Phất xả thiền lúc sao mai vừa mọc, cảm thán, ngài thốt lên:

“- Thật vi diệu thay là pháp mầu Bất Tử! Hạnh phúc tối thượng thay là cõi an trú của bậc Vô Sanh. Sự thành tựu này quả là đích điểm không mé bờ, không ở chỗ ấy thì không có ngôn ngữ nào có thể nói được. Quả thật là chỉ để cho kẻ trí tự mình giác hiểu.

Ta đang thanh thoát, tự do, sáng trong không hề còn một mảy bụi, trí óc ta rỗng rang không còn dính một chấp thủ tế vi nào! Tâm giải thoát là vậy, Tuệ giải thoát là vậy!

Ôi! Ta đã lầm lẫn bao năm đi theo giáo lý truyền thống, và cũng đã mòn trán, lỏng gót đi tìm kiếm chân sư ở trên đời. Rồi chẳng hoạch đắc điều gì cả. Ðã chẳng tìm kiếm được cái gì mới mẻ cả.

Ôi! Thật là đáng thương hại cho cả thế gian nầy. Tất cả mọi tôn giáo, tín ngưỡng đều lầm lẫn một cách đáng thương xót! Hạnh phúc là ở ngay đây thôi, tìm kiếm đâu xa! Nó ở chính trong khoảnh khắc sinh diệt nầy, nơi tấm thân một trượng nầy! Chỉ một niệm nầy thôi là đầy đủ giới, định, tuệ, đầy đủ ba bảy trợ đạo phẩm, đầy đủ khổ đế và diệt đế, đầy đủ ba mươi pháp ba-la-mật. Nếu không thấy thì triệu kiếp tu tập cũng không thấy, khi đã thấy rồi thì nó là cái thấy bất diệt ở ngoài thời gian. Không còn cái thấy nào khác nữa.

Ôi! Chỉ có một đấng Toàn Giác mới cho ta uống được giọt nước pháp bảo trong mát tận đầu nguồn!”

– Phải chăng một đêm Trúc Lâm tịnh xá êm đềm, yên tĩnh, hiền huynh đã chứng nghiệm trạng thái hạnh phúc giải thoát của chính mình?

Ðức Mục Kiền Liên không biết đã đến bên cạnh từ lúc nào, thần sắc tươi mát, rạng rỡ như lộc biếc ngày xuân.

Ðức Xá Lợi Phất mỉm cười:

– Quả thật vậy, hiền đệ ạ! Rừng tre mát mẻ, không khí trong lành; đêm qua, ngu huynh có nếm được chút ít hương vị an lạc. Còn hiền đệ? Chắc cũng vừa trải qua một đêm chứng nghiệm tâm giải thoát, tuệ giải thoát phải không?

– Không dám đâu! Chút ít an lạc thì có, nhưng sau đó, tâm trí của đệ hướng về sự so sánh giữa giáo pháp của đức Tôn Sư với mọi loại triết học trên đời này.

Ðức Xá Lợi Phất vỗ nhẹ vai bạn:

– Hay lắm! Vậy giáo pháp của đức Tôn Sư và triết học của chúng ngoại đạo, qua ngọn đèn soi rọi đầy minh triết của hiền đệ, khác nhau như thế nào?

– Giáo lý của họ, dẫu ở trong hay ngoài truyền thống đều nói đến chân lý, cứu cánh, mục đích. Sau đó, họ xiển dương, rao giảng, quảng bá, viết thành kinh điển hay dùng tâm truyền tâm, hoặc bất thành văn như truyền khẩu, đọc tụng; được chúng thực hành, y chỉ, tôn trọng, tôn thờ, kế thừa…

– Ðúng vậy! Nói đại lược thì hiền đệ thấy những chân lý ấy, cứu cánh ấy ra sao?

– Nó quá viễn vông, mơ hồ, xa xôi, phất phưởng như hình sương bóng khói! Nó bất thực, trừu tượng, không tưởng hoặc muôn đời vẫn chỉ là lý tưởng!

Ðức Xá Lợi Phất tán thán:

– Kỳ diệu thay là hiền đệ! Chính ngu huynh cũng mang máng thấy như vậy! Còn giáo pháp của  đức Tôn Sư như thế nào?

– Rõ thôi! Hiền huynh biết rồi. Giáo pháp mà  đức Tôn Sư chứng nghiệm và khai thị: Nó thiết thực, hiện tại, cái cụ thể, cái luôn luôn để mà hiện quán, cái đương xứ này đây, cái hiện tiền trôi chảy trước mắt, cái như chân như thật chưa được khúc xạ bởi một ý niệm nào!

– Thật kỳ diệu thay! Quả đúng như vậy.

Yên lặng một lát, đức Xá Lợi Phất hỏi tiếp:

– Ðấy là điều khác biệt tối thượng, vượt bậc như ánh sáng mặt trời và ánh sáng của con đom đóm. Vậy còn khác biệt nào nữa chăng, hở hiền đệ?

– Còn nữa, thưa hiền huynh! Từ cái chân lý viễn vông, bất thực ở trên, chúng đẻ ra rất nhiều cảnh giới vọng tưởng khác nữa!

– Hiền đệ cứ tiếp tục!

– Vâng! Ðức Mục Kiền Liên chợt ngập ngừng – Vì đệ không có được tuệ phân tích sắc bén như hiền huynh, nên đệ chỉ có khả năng trình bày một cách tổng quát thôi! Hy vọng hiền huynh sẽ nắm được cốt lõi từ cái mớ “hổ lốn” sau đây.

Ðức Xá Lợi Phất mỉm cười:

– Trí tổng hợp là cái trí đa dạng, sở trường của hiền đệ. Hãy nói đi!

– Khi đệ đưa mắt một vòng nhìn qua cả hàng trăm loại triết học xung quanh thung lũng sông Hằng thì thấy chúng ngoại đạo đã vẽ ra muôn vàn cảnh giới đầy hứa hẹn. Những cảnh giới ấy không ở đây mà nó ở kia, ở một tương lai gần, ở một tương lai xa! Cảnh giới ấy là trường sanh bất lão. Cảnh giới ấy là tối thượng lạc. Cảnh giới ấy là chân ngã, chân phúc. Như vậy, phải chăng, nhằm để thỏa mãn khát vọng cho chúng sanh mà ngoại đạo đã vẽ ra những chiếc bánh sai khác; thêm bột, thêm đường, thêm gia vị, thêm hương liệu, thêm màu sắc để phô phang và câu nhử chúng sanh? Và chúng bảo đấy là chỗ ngụ cư của chư vị cổ Phật, chư vị thánh triết, thánh nhân A La Hán!

Ðức Xá Lợi Phất gật đầu:

– Ðiều ấy ngu huynh cũng có thấy! Nói cho ngắn gọn, dễ nắm bắt là: Tâm niệm vẽ vời cảnh giới tùy theo khát vọng của nó rồi nó sẽ chụp bắt đúng cái chiếc bóng của tâm niệm ấy!

– Chính thị! Tâm niệm là tiểu ngã, cái mà tiểu ngã kiếm tìm chính là chiếc bóng của tiểu ngã! Hiền huynh chỉ cần một câu là diễn tả trọn ý, chân xác, cô đọng điều mà đệ đã trình bày rất dài dòng.

Ðức Xá Lợi Phất giọng trầm xuống:

– Hiền đệ ạ! Trước đây đệ huynh ta cũng đã từng lầm lẫn. Chúng ta cũng đã từng ngồi hàng giờ để thể nhập tiểu ngã vào các đấng linh thần. Và chúng ta cũng đã từng khởi lên những cái tưởng để “thể nhập” vào pháp giới bao la mà chúng ta đâu có biết rằng “pháp giới bao la ấy”, dầu là đại ngã vũ trụ, dầu là bản thể vũ trụ cũng chỉ là cái khuếch đại của tiểu ngã ấy thôi! Chúng ta cũng đã từng ngồi miên man để thể nhập vào một áng mây trôi, vào dòng sông xanh lặng lẽ, vào một khóm hoa tươi đẹp đang phô thắm dưới ánh nắng mặt trời, vào một tiếng chim hót, vào một chiếc lá, vào một hạt sương! Ôi! Sự sai lầm của chúng ta và của họ về phương pháp, về cứu cánh, tất cả bởi do chưa thấy được “sự vận hành vô ngã của chư pháp”

– Ðúng vậy! Giáo pháp của đức Tôn Sư, bởi từ vô ngã, vô thường mà nói ra nên giáo pháp ấy vượt không gian, thời gian, không bị quy định bởi không-thời-gian, không trụ vào một cảnh giới nào, không dính một sát-na nào. Nó vĩnh cửu và vô biên giới!

– Thôi đủ rồi, hiền đệ! Nói ra từng ấy là vừa đủ. Hãy dừng lại nơi “vĩnh cửu và vô biên giới” ấy! Chúng ta đàm đạo với nhau, chúng ta nắm lấy cái ý mà quên cái lời. Còn chúng sanh thì khác, với chúng sanh thì khi nói vĩnh cửu, chúng sẽ chấp vĩnh cửu là cái thường hằng, thường còn! Nói vô biên giới, chúng sẽ chấp vào vô biên giới của không, của thức, của tưởng; không chấp vào đấy thì chúng lại chấp vào cái bao la của vũ trụ, bao la của pháp giới, bao la của bản thể, bao la của đại ngã.

Ðức Mục Kiền Liên mỉm cười ý nhị nắm bàn tay của đức Xá Lợi Phất lặng lẽ gật đầu. Cả hai đều hiểu nhau, biết nhau từ trong tim, trong ruột.

Ngài Xá Lợi Phất chợt đứng lên:

– Giáo pháp đức Tôn Sư có điểm nào độc đáo, đặc biệt, đặc thù nữa không hở hiền đệ?

Ðức Mục Kiền Liên bỗng đứng thẳng dậy:

– Nó đây! Là toàn bộ cái “quán tự tại” nầy!

– Hay lắm! Không sai được! Hãy trở lại đây với trọn vẹn cái hiện sinh, hiện tính, hiện thể này,  với đầy đủ tánh, tướng, thể, dụng, nhân, quả, duyên, báo… nầy! Và bổn phận mỗi hành giả minh triết nhất, sáng suốt nhất là hãy chụp bắt cho được nó bằng con mắt thứ ba! Con mắt “tuệ nhãn”!

Ðức Mục Kiền Liên nhè nhẹ thở dài, nói như hơi gió thoảng:

– Cũng khó thay cho chúng sanh, hiền huynh nhỉ? May ra chỉ có kẻ trang bị bằng Con-mắt-không-ý-niệm mới liễu ngộ được, thấy rõ được pháp mầu Bất Tử, Vô Sanh!