Dòng ý thức trong sáng tác của Minh Đức Triều Tâm Ảnh

02/10/2012 | Chuyên mục: HƯƠNG BÚT . 2566 Lượt xem

Tỳ kheo Giới Đức(1) Bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh, ở tu tại Huyền Không Sơn Thượng(2), Đồng Chầm (Hòn vượn), Hương Trà, Hương Hồ, Thừa Thiên Huế. Ngài vừa là một nhà sư lại vừa là một nhà thơ, nhà văn.

Sống giữa bao la núi rừng của đất trời xứ Huế – giữa chốn không gian mênh mông của Huyền Không Sơn Thượng, Ngài ẩn mình trong sự bao bọc của thiên nhiên để tìm về một cái tôi đã được thanh lọc và giải thoát khỏi những chi phối dung tục của: ái, ố, hỉ, nộ. Ngài đến với thơ văn hay thơ văn tự tìm đến với Ngài để ai đó khi đọc tác phẩm của Ngài đều tìm thấy bóng dáng của một nhà sư ung dung tự tại trên con đường giải thoát? Sáng tác của Ngài – Minh Đức – Triều Tâm Ảnh không dễ đọc bởi đó là một khối triết lí sâu xa ẩn giấu sau hàng loạt các từ ghép cổ điển: thiện hữu, kì vương, kiếm vương, minh triết, … xa lạ với ngôn ngữ hiện đại, nhưng khi đã hiểu được rồi thì mới thấy thấm thía cái giá trị đích thực của nghệ thuật ngôn từ giàu chất trữ tình và thấm nhuần tâm đạo.

Đọc thơ Ngài ta thấy một chất liệu thơ rất riêng so với những sáng tác của các nhà thơ đương đại – một chất liệu thơ được thể hiện bởi một ngôn ngữ bồng bềnh, mờ ảo, bởi một không gian bao la vô định, bởi một cái ta giác ngộ sâu sắc và còn cả bởi một cái tôi rất Minh Đức – Triều Tâm Ảnh – một cái tôi trong dòng ý thức hệ Phật giáo – cái tôi bào ảnh:

Gánh mộng lên non thả gió bay

Đem thơ vào núi gởi cho mây

Thân ta sương khói phiêu bồng cõi

Biết định vào đâu giữa chốn này?

(Vô đề)

 

Nắng vắt hiên đông, đá mỉm cười

Chữ xuân năm mới ghé đây chơi

Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc

Tươi tắn cành khô nẩy tượt chồi

Gót bụi xa quê đà mỏi gối?

Đàn chim trốn lạnh hẵn tìm nơi?

Thoáng giây, núi lạnh, sương bay loãng

Chợt khắc, sông dài, sóng nhẹ lơi

Tao tác não phiền, chùm đốm rã

Lắt liu buồn giận, nhúm tro rơi

Then mây, ngày tháng, trăng quên chốt

Để mặc, thung dung, gió thản vời!

(Đá mỉm cười)

 

Dẫu như mây hiện giữa trời

Chút tình trăng nước tạc lời làm vui!

Mười phương gió cát bồi hồi

Mười phương hoa cỏ nụ cười mênh mông.

(Tựa – trích tập thơ Chèo vỡ sông trăng)

 

Con còng già đi qua

Hư vô còn để lại

hạt cát

nở thành hoa

nên lời thơ tồn tại.

(Thi nhân – trích Chèo vỡ sông trăng)

 
Khi đọc truyện ngắn của Ngài, cái tôi bào ảnh lại càng được thể hiện rõ hơn bởi dòng ý thức xâm chiếm toàn bộ sáng tác của Ngài là dòng ý thức của một nhà sư hiểu Đạo và có tâm với Đạo. Con người trong sáng tác của Ngài không phải là một con người trần tục với những yêu, ghét tầm thường mà đó là những con người luôn luôn trăn trở, luôn luôn đấu tranh để chiến thắng cái đại ngã, xa rời cái vong ngã để tìm về cái vô ngã. Người trồng hoa và chàng tu sĩ, Hành hương tâm linh là những sáng tác bộc lộ rõ nhất dòng ý thức của nhà sư – nhà văn trước cuộc đời.

Con người trong sáng tác của Minh Đức – Triều Tâm Ảnh còn là con người triết lí, con người hướng thiện, con người biết ý thức trước đạo pháp. Con người của một anh chàng Triết Hựu luôn không ngừng đấu tranh với chính con cừu non và con sư tử trong bản thể của mình để sống đúng với đạo nghĩa là một con người như thế. Trong hành trình “hành hương tâm linh” anh đã phải đối diện với bao thử thách đầy cám dỗ nhưng khi con cừu non trong anh dễ mềm lòng trước những cám dỗ trần tục thì con sư tử lại trỗi dậy kêu gọi anh dừng lại. Và ngược lại khi con sư tử sân hận gào thét trong anh thì con cừu non lại như băng tuyết đổ ập lên ngọn lửa sân hận dập tắt nó giúp anh. Cứ như thế anh hiểu được mình nên làm gì và không nên làm gì trước những thôi thúc của vô minh. Dưới ngòi bút của nhà sư – nhà văn, con đường đến với Đạo pháp của chàng Triết Hựu vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng cũng đã thành tựu. Bằng ngòi bút khách quan, Ngài không phủ nhận, bài xích những vấn đề mang tính chất con người: tình yêu, tình dục, … . Ngài đã để cho chàng Triết Hựu ở cùng người thiếu phụ trong đêm xuân, để chàng nếm trải tình dục và lựa chọn hạnh phúc riêng tư hay con đường hành Đạo? “Tình yêu tuyệt vời thật nhưng ta đã có tình yêu khác, tình yêu viên dung và viên mãn của đạo lớn”(Hành hương tâm linh). Con người của “người trồng hoa” cũng là con người biết trăn trở trước cái thiện tâm trong con người hướng đạo. Cỏ cây có biết đau không? Đó là câu hỏi của không ít người tu sĩ muốn dùng cái tâm từ bi để cứu vớt chúng sinh khỏi những ám ảnh của luân hồi sinh tử nhưng mấy ai có được câu trả lời đủ để thoả mãn những trăn trở của nội tâm. Một lần cắt những bông hoa lìa cành, “người trồng hoa” đã tưởng tượng ra những bông hoa chảy máu, than khóc, oán trách người đã đoạn tuyệt cuộc sống của nó giống như đoạn tuyệt sinh mạng của một con người vậy “Với cái kéo trong tay, lão đã cắt ngọt xớt, lão đoạn tuyệt những sự sống ấy, giống như đợn tuyệt những hài nhi mới sinh, chẳng khác gì thanh bảo đao chém vào thân chuối tơ nõn. Ôi nó mở mắt thao láo, rỉ máu, ngạc nhiên, …đêm về lão nằm mơ. Mơ thấy những chiếc cổ trắng nõn, nổi gân hồng đến đòi nợ…”(Người trồng hoa và chàng tu sĩ). Bản thân bông hoa không có tâm hồn biết đau, biết yêu, ghét, vui, buồn… nhưng nó lại mang tâm hồn của người trồng hoa – người còn biết đau, biết yêu, ghét, giận hờn. Bông hoa không biết đau, không biết nguyền rủa những người cắt nó, kết thúc sự sống của nó nhưng vì bản thân chủ nhân của nó còn chịu sự ám ảnh của sinh tử luân hồi nên mới cảm thấy bông hoa chảy máu đau đớn khi xa lìa sự sống đến đòi nợ mình. Tất cả những gì mà người trồng hoa thấy trong những giấc mơ và ám ảnh ông cho đến ngày hấp hối chỉ là những cảnh giới được tạo ra do sự huyễn hoặc của ý và tưởng mà thôi. Nếu mỗi con người cũng giống như loài hoa cỏ: không bị ám ảnh bởi đau đớn, giận hờn, thù hận, yêu ghét… thì sẽ đạt được đến cái tâm hư – tâm không giải thoát. Trong Ván cờ sinh tử hay Hoa thiên hương ta cũng dễ dàng bắt gặp cái tôi bào ảnh của nhà sư – nhà văn qua hai nhân vật Kỳ vương – Kiếm vương – Thiền sư và Người tu sĩ. Bằng Ván cờ sinh tử, thiền sư đã một thời nổi danh là một kiếm khách đi khắp giang hồ không có địch thủ và một tay cờ cự phách đã giác ngộ cho một anh chàng kiếm thủ – kì thủ chán đời yếm thế tìm đến được với đạo bằng sự tập trung toàn bộ tâm ý và lòng từ bi “Chỉ cần có hai điều… Ấy là sự hoàn toàn tập trung tâm ý và lòng từ bi. Hai yếu tố quan trọng của Đạo Giác Ngộ … Con đã học được cả hai. Con đã tập trung tâm ý có hiệu quả vào ván cờ. Sau đó vì lòng từ bi mà con nguyện hy sinh mạng sống của mình…Giải thoát sẽ là kết quả đương nhiên như mũi tên đến tiêu điểm theo đường nhắm đúng”- (Ván cờ sinh tử). Bằng một câu nói mà người tu sĩ trong Hoa thiên hương đã giúp cho một anh chàng phải chịu bao oan khuất, bị hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần chỉ vì sự hiểu lầm của một tổ chức chống những người dùng hoa thiên hương như một biểu tượng phản đạo buông xả tất cả lòng hận thù để đến với con đường giác ngộ “Mư – jô-Chư: tôi bị ám ảnh, sợ hãi ngay cả trong giấc ngủ. Tôi thù hắn… – Tu sĩ: tâm con đã đánh hắn ta rồi đấy…Mư – jô – Chư: sự ám ảnh, hận thù, sợ hãi đã tiêu tan ở trong tôi!…Tôi đã đi tu như vậy đó.(Hoa thiên hương)”

Trong sáng tác của nhà sư – nhà văn, ta không tìm thấy dấu vết của những con người cụ thể, con người với cái tôi cuồng loạn trước cuộc đời như trong sáng tác của những nhà văn, nhà thơ đương đại. Đằng sau mỗi nhân vật của Ngài ta như thấy có một cái tôi bào ảnh xuất hiện phía sau. Cái tôi mờ ảo đó thôi thúc cho con người tìm đến con đường đạo pháp giải thoát tâm linh của mình khỏi những u mê, nghiệp chướng – vô minh mê hoặc; dạy cho con người biết hướng đạo để sống lương thiện, sống an vui, hạnh phúc. Những ai còn chưa đọc tác phẩm của Minh Đức – Triều Tâm Ảnh thì xin hãy thử đọc một lần, đọc một lần mà chưa thấm hiểu thì hãy đọc lần thứ hai để cho mình cơ hội được thanh lọc tâm hồn, giải phóng bản thể khỏi những ưu phiền, đau khổ.
 

Cư sĩ: HÀ VŨ

 
 
Chú thích:

(1) Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một trong những người sáng lập ra chùa Huyền Không (Huế) từ mái chùa lá ở đèo Hải Vân trước năm 1978. Ngoài giỏi thơ văn Ngài còn am tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật. Đồng thời Ngài cũng là một trong những người nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp tại ViệtNam những năm cuối thể kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Ngài thế danh Nguyễn Duy Kha, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Giạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sừng. Ngài xuất gia năm 1973; thọ Sa di năm 1973 và thọ tỳ kheo lúc 9giờ 58 phút, ngày 17 tháng 2 năm 1977 tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng (Đức Giới Nghiêm là bổn sư và là Hoà thượng thế độ. Đại đức Giới Hỷ là thầy Yết ma).

Từ năm 1976 đến năm 1989, Ngài trụ trì chùa Huyền Không. Trong thời gian này Ngài đã vận động hiệp hội Schmitz thông qua Phật tử tại Đức xây cầu Bạch Yến giúp địa phương. Đây là một công tác xã hội có ý nghĩa lớn tại Huế. Từ năm 1989 đến nay. Ngài trụ trì Huyền Không Sơn Thượng. Tại đây Ngài đã tiếp tục sáng tác thơ văn và góp phần đào tạo tăng tài cho Phật giáo Nguyên Thuỷ ViệtNam.

(2) Huyền không Sơn Thượng được Ngài khai sơn năm 1989, toạ lạc dưới núi Hòn Vượn ở vùng Chầm thuộc sơn phận xã Hương Hồ, giáp với xã Hương An huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Phong cảnh Chùa giàu chất thiên nhiên, nhiều vẻ đẹp hoang dã được chọn lọc nhờ bàn tay khéo léo con người. Tại đây Ngài đã cho ra đơi nhiều thư pháp và những cuốn sách có giá trị về Phật học, văn chương, nghệ thuật.

Khách đến viếng Huyền Không Sơn Thượng phải vượt qua quãng đường lên đồi xuống dốc mà hai bên là cảnh núi rừng thiên nhiên, tiếng suối chảy rì rào, sim, mua, trầm, chổi,… ẩn hiện theo mùa, qua rừng tùng ngút ngàn, những cụm cổ thạch rêu phong, những bài thơ trên đá v.v… Ở đây Ngài kiến tạo một Chánh điện giản dị bằng gỗ, mái tranh trông rất hiền hoà và thanh thoát. Bên phải Chánh điện với mấy cụm tre vàng thơ mộng là “Am mây tía”(tiền thân là Phong Trúc Am, được xây dựng từ năm 1992). Bên trái Chánh điện là một “Quá Thiện Đường”(nhà ăn), “Chúng Hoà Đường”(nhà sinh hoạt). Phía trước Chánh điện khoảng hơn 100m, bên phải có hai dãy tăng xá và nhà học là (Tuệ Học Đường). Ở đây có một vườn cây kiểng đủ loại kích cỡ, phía đối diện là một vườn ươm lan có khoảng trên dưới 100 giò. Hướng TâyNamcó một mốm núi, có cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá, tên là “Độc Thụ Sơn”. Mấy dãy núi bao quanh Chùa, Ngài cho trồng 5 đến 6 vạn cây thông và đặt tên là “Vạn Tùng Sơn”. Huyền Không Sơn Thượng toạ lạc trên một vùng rừng rộng khoảng 56 ha. Hiện nay tại đây có khoảng trên 20 vị sư và đều là tăng sinh Phật học viện Huyền Không.

(3) Những tác phẩm tiêu biểu của Ngài:

Kinh lời vàng(Phổ thơ Kinh Pháp cú),

Ngàn xưa hương bối, Một cuộc đời – một ngôi sao, Chuyện cửa thiền, Hành hương tâm linh, Người trồng hoa và chàng tu sĩ, Chèo vỡ sông trăng….

 

Tài liệu tham khảo:

1) Minh Đức – Triều Tâm Ảnh, Hànhhươngtâmlinh (truyện dài tư tưởng), Nxb Phương Đông, năm 2007

2) Minh Đức – Triều Tâm Ảnh, Người trồng hoa và chàng tu sĩ (tập truyện ngắn), NxbTôn Giáo, năm 2006