Cõi Thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh

04/02/2017 | Chuyên mục: HƯƠNG BÚT, VĂN . 17705 Lượt xem

thachdauVới bốn tập thơ “Chèo Vỡ Sông Trăng”, “Đá Trắng Chiêm Bao”, Tình Mẹ Mùa Báo Hiếu” và “Lửa Lạnh Non Thiêng”. Minh Đức Triều Tâm Ảnh được biết đến như một hiện tượng độc đáo trong làng thơ Huế. Độc đáo bởi vì giữa đông đảo những giọng điệu thơ, người đọc vẫn tĩnh tại chỉ có ở một thiền sư. Độc đáo bởi vì thơ ông là một bản hòa tấu tuyệt vời giữa thơ ca, con người và thiên nhiên. Đồng thời, khác với thơ của nhiều đồng đạo, thơ ông còn thấm đẫm nỗi băn khoăn, day dứt, trăn trở, suy tư với cuộc đời này. Tất cả những điều đó đã làm nên một thế giới thơ rất riêng mà chúng tôi tạm gọi là: “Cõi thơ của Minh Đức Tiều Tâm Ảnh”.

Cõi thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một không gian riêng biệt, không gian đặc trưng của chốn tu hành với khung cảnh của Huyền Không Sơn Trung (Chùa Huyền Không) và Huyền Không Sơn Thượng (Triều Sơn Phương). Tác giả đã hội tụ về cõi thơ của mình cả một thiên nhiên phong phú, đầy đủ hoa lá, cỏ cây, sương mai, trăng khuya, con sông, dòng suối, cội đá, bờ lau… Cả vũ trụ ùa vào trong thơ ông với tất cả sự tinh khôi, trong lành và vô nhiễm. Hình như trong bất cứ bài thơ nào của nhà sư cũng đều có hình bóng của thiên nhiên và thiên nhiên bao giờ cũng tĩnh lặng, thanh thoát, u nhã như những bức cổ họa:

Gốc tùng và cội đá
Hoa nở đã ngàn năm
Trượng mây nhìn thương hải
Non ẩn nửa vầng trăng

Đến với thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh, người đọc như được tắm mình “đường mây”, “điệu suối”, trong thế giới của hoa rừng, chim núi, có tia nắng hồng buông neo giữa hai bờ tịch mịch. Thấp thoáng trong không gian vũ trụ bao la ấy là mái tranh, hiên chùa đơn sơ giản dị và gần gũi như chính chủ nhân của nó. Người đã tạo nên cuộc hẹn hò bất tận giữa con người với thiên nhiên.

Bắt nguồn từ cội rễ của thơ ca phương Đông, thiên nhiên trong thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bầu bạn, là tri kỷ của con người. Thiên nhiên như những thực thể sống động hữa linh, hữa tình, hữa cảm bởi người nghệ sĩ đã đem cái tâm của mình mà phổ vào thiên nhiên:

Có lúc bên trời sương nước ngủ
Lòng mây thao thức một vầng trăng

Nếu không có sự hòa điệu đến tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên, giữa tiểu vũ trụ trong lòng đại vũ trụ thì làm sao nhà thơ có thể cảm nhận được thao thức của vầng trăng và cành mai bên triền núi, hiểu được giấc chiêm bao của đá và ký ức của dòng sông.

Như người xưa từng nói “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy (kẻ nhân thích sống ở núi, kẻ trí thích sống ở biển) nhà sư Minh Đức đã chọn Triều Sơn Phương bốn bề núi phủ làm nơi “lập am”, tạo cảnh” để tu hành. Và trong không gian thơ ông cũng ngập tràn hơi thở của Triều Sơn Phương – nơi có những bài thơ bạc đầu trên đá mà “trăng vẫn từng ghé đọc”. Đó là “cõi này”, là “chỗ chẳng trời, chẳng đất” mà nhà thơ gọi một cách trìu mến là “quê tôi”.

Quê tôi cây lá bốn mùa
Có thơ suốt sáng
Có chùa đầy trăng
(Quê tôi)

Bên cạnh không gian thực của chốn thiền môn với gốc tùng, cội đá, thung lũng, mái tranh… còn có một không gian huyền ảo luôn hiện hữu trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Đó là không gian huyền diệu của tâm thức thiền:

Con sông hai lần
chảy lên núi thẳm
nên gót trần ta dẫm ngược lộ trình mây
ghé quán trạm
tìm vầng trăng đã mất
ghé chùa xưa
thăm tượng Phật lâu ngày
(Sông chảy hai lần)

“Sông chảy hai lần” hay “dòng sông không chảy” đều không phải là dòng sông có thực của đất trời mà dòng sông của riêng Minh Đức Triều Tâm Ảnh – dòng sông của thiền tâm. Cũng giống như khi nhà thơ nói “bước ngược chân không, về thăm miền bè bạn” thì đã có sự hiện diện của hư vô, của cõi phiêu bồng vốn chỉ tồn tại trong tâm thức, trong ý niệm của thiền sư, mà những kẻ tục sĩ khác không thể thấy được.

Không gian của tâm thức thiền tạo nên một vẻ đẹp “bán vô bán hữu” lung linh diệu vợi khiến cho thơ của nhà sư có một nội lực riêng, một sức quyến rũ riêng không lẫn với những bài thơ vịnh cảnh, tả cảnh của nhiều nhà thơ khác.

 
Trong cõi thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh, con người xuất hiện không phải với tư cách của “cái tôi” trữ tình mà thường thấy là “cái ta”. Cái ta an nhiên tự tại, rộng mở, siêu thoát. Cái ta của “mười phương mây trắng” luôn ý thức rằng “đạo đời một khối khôn phân”.

Là một thi sĩ – tu sĩ nên thơ ông là tiếng lòng của một con người vừa tinh tấn với đạo, vừa tha thiết với đời. Ta bắt gặp trong thơ hình ảnh của một thiền sư “an bần lạc đạo”, giản dị với nón lau áo lách, luôn tham thiền ngộ đạo và kiên trì với con đường mình đã chọn.

Mái trăng góc núi vầng trăng lạnh
Tĩnh tọa tri âm chiếc bóng mình

Sống thong dong thanh cao trong ngôi nhà thiên nhiên mênh mông, khoáng đạt, nhà thơ như có dáng dấp của một ẩn sĩ, một tiên ông:

Ngày xuân
nằm ngủ trong long núi
thức dậy
hương mai ngập cả nhà
(Ngủ trong núi)

Xem đời sống tu hành thanh đạm như một cuộc rong chơi, nhà thơ thường “quảy gánh phiêu bồng”, hát khúc du ca” đầy hào sảng, biến nơi tu hành của mình thành một chốn thanh cao:

Ta gọi thênh thang Thánh Hiền Tiên Phật
lên chòi tranh, hang núi tọa đàm chơi
chén trà suối hiện vầng trăng đã mất
chợt tịch liêu vang động cõi không người
(Thênh thang)

Phong cách sống phóng khoáng tiêu dao, vui cùng trời mây non nước khiến con người trong thơ vừa mang dáng dấp của một thiền sư, vừa mang dáng dấp của một đạo sĩ mà hơn một lần tác giả đã nói đến “tăng và đạo bá vai chàng cuồng sĩ”. Đó chính là sự gặp gỡ của Phật giáo và Lão Trang. Tuy nhiên, tìm đến với thiên nhiên không phải chỉ là mục đích mà chỉ là “quán bên đường” trên hành trình tìm đến với Phật của nhà thơ. Bởi vì theo ông, tinh thần “vô vi” của Lão Trang có phần gần với đạo Phật nhưng khác xa với đạo Phật. Mục đích hướng tới Phật giáo không phải là “vô vi”, mà là sự giải thoát, giải thoát cả khổ lẫn an. Xin được chứng mình bằng một câu thơ mà nhà sư rất lấy làm tâm đắc:

Nhặt nỗi buồn
xem trăng lặn trên tay
(Trăng lặn trên tay)

Đạt đạo của người tu hành là không còn nỗi buồn, không còn niềm vui, không còn vầng trăng tồn tại ở trong tâm mình, bởi tất cả đã được giải thoát.Từ tư tưởng trên có thể nhận thấy rằng nhà thơ khao khát với thiên nhiên như một sự lánh ẩn để di giữ tính tình trên bước đường tu hành.

Điều đáng nói là nhà thơ luôn khẳng định học đạo trước hết là để làm người, làm một con người đúng nghĩa: “chân nhân”. Ông đã ý thức được chân lý của người xưa “vi nhân thậm nan” nên rất nhiều lần thú nhận trong thơ: “học làm người quá mệt”, học yêu người suốt đời chẳng hết”.

Lộ trình mà nhà sư đi qua cuộc đời này để đến với đạo cũng là lộ trình của những thao thức, trăn trở, thiết tha, đau đáu với cuộc đời. Bằng tâm hồn mẫn cảm của người nghệ sĩ, nhà thơ đã chân thật đặt lên trang viết tất cả tình yêu và nỗi đau, niềm vui và nỗi buồn của chính mình. Đã từng khẳng định:

Sống với núi mà tình chưa hóa núi
… sống như đá mà lòng chưa hóa đá
(Lẩn thẩn một dòng sông)

Nên cõi trong cõi thơ luôn hiện lên rất rõ khuôn mặt trĩu nặng ưu tư với cuộc đời của chính người thơ. Đối với Minh Đức Triều Tâm Ảnh, sáng tác là một cách để ông đối thoại với cuộc đời, với chính bản thân mình. Cuộc đời mà ông hướng tới là quê nhà Dạ Lê có cây đa, chợ cũ thân thương, là bà mẹ tảo tần một nắng hai sương đã bao lần ông thầm gọi: “con yêu mẹ! mẹ ơi,” là chàng hát rong, là những bạn thơ, là những người kẻ chợ lận đận long đong, là con sâu cái kiến, là mười phương mây trăng gió ngàn…

Nhà thơ luôn cảm thấy mình “mắc nợ” với cuộc đời, nên thơ ông như một nỗi niềm trắc ẩn, như một lời tạ ơn đối với cõi nhân gian:

Xin lạy tạ trần gian khốn khổ
Biết bao giờ hết hoạn nạn, tai ương?
Manh áo mặc đã bao dung biết mấy
Chén cơm ăn cũng lụy đến bao người
Ai đổ hột giữa mương cày ruộng cấy
Đâu dám tôi – tự tại một bên trời
(Bày tỏ 2)

Thương những tâm hồn mê muội còn luẩn quẩn trong vòng sân si, thù hận, nên ông còn tạ ơn cuộc đời bằng những lời tâm sự chân thành kéo con người xích lại gần nhau:

Máu từ chối
không về tim nữa
Thì xin người tha thứ lỗi lầm nhau
Sống bao lăm
mà giận hờn oan trái mãi
Dẫu cát bồi, sông lở
cũng qua mau
(Tặng những người con cô đơn của trái đất)

Vẫn còn lắm phấp phỏng, âu lo, phiền muộn cứ đeo đẳng, day dứt nhà thơ và ông không hề giấu diếm tâm trạng đó qua những vần thơ lo đạo lo đời:

Đời đạo sĩ, con còng già bỏ tổ
Lên non cao còn sợ nước triều lên
Bụi đầy áo, phủi hoài tay cũng mỏi
Có nhiều khi ẩn dật cũng ưu phiền
(Đạo sĩ và hư vô)

Khi nỗi ưu phiền vẫn còn khuấy động tâm can của người ẩn dật thì thơ vẫn là tri âm để người tu sĩ giải bày. Có thể nói chùm thơ “Bày tỏ” là những lời gan ruột nhất mà Minh Đức Triều Tâm Ảnh bộc bạch với đồng đạo, với con người, với cuộc đời. Ở đó, có những tâm sự chân thật tận đáy lòng và thật đáng trân trọng của một người tu hành:

Tôi đã ra đi
tự khối tình chân thật
Yêu trần gian mà chưa dám cầm tay.
(Bày tỏ 1)

Với nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, yêu trần gian không có nghĩa là thi vị hóa trần gian, mà phải đối diện với vòng sinh tử trầm luân, phải yêu thương con người của cõi trần gian khổ ải ấy, dẫu biết rằng “ trái nhân tình muôn thuở chẳng màu xanh”.

Thế gian nhé!
Một lần xin sám tội
Quỳ nơi đây mà ôm siết con người!
(Bày tỏ 1)

Nếu như “Bày tỏ 1”“Bày tỏ 2” là sự day dứt, vướng bận của tâm hồn nhà thơ với con người và cuộc đời thì “Bày tỏ 4” là một tuyên ngôn tu hành của ông:

Sống như thực
đời mê đời chẳng hiểu
Ta là chân nhân
người thật đã từ lâu
Thương ghét buồn vui
là trăng đùa bóng liễu
Trúc lả bên hồ
hoa nắng cợt bèo dâu!
(Bày tỏ 4)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã sống với những gì thật nhất của con người ông, không lễ nghi rườm rà và “chưa từng vẽ mắt đứng soi gương”. Ông yêu cuộc đời, sống với cuộc đời và tu trong cuộc đời bởi ông tin rằng Phật tại tâm.

Nếu còn thở
Tôi vẫn còn bày tỏ
Yêu cuộc đời với nguyên vẹn tình thơ
(Bày tỏ 1)

Với tình thơ bao la đó, 4 tập thơ đã xuất bản chỉ là một phần rất nhỏ trong sáng tác của Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nhưng chừng ấy cũng đã làm nên một cõi thơ riêng với không gian và con người nghệ thuật thấm đẫm sự hòa quyện giữa đạo và đời, giữa chất tu sĩ và chất nghệ sĩ trong tâm hồn tác giả. Có thể nói, cõi thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một thế giới nghệ thuật vi diệu. Vậy nên, những gì mà người viết thể hiện trong bài viết này chỉ mới là những cảm nhận ban đầu của một kẻ tục khách dạo vườn tiên.

Trong thơ của mình, nhà sư thường dùng cụm từ “niềm đau của chữ”. Theo giảng giải của nhà sư, niềm đau ấy chính là sự bất lực của ngôn từ trước hiện thực. Ngôn từ chỉ là ý niệm về hiện thực chứ không phải là hiện thực. Vì vậy, nếu trong sáng tác của nhà sư vẫn còn “bồng bềnh niềm đau của chữ”, thì bài viết này cũng không nằm ngoài niềm đau ấy.

 

Nguyễn Thị Tịnh Thy
(ĐHSP. Huế)