10 năm tưởng niệm Cố Đại Trưởng Lão Hộ Nhẫn

16/10/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 12719 Lượt xem

Tiểu Sử Và Hành Trạng

CỐ ĐẠI TRƯỞNG LÃO HỘ NHẪN

 

I. Thân Thế Và Thuở Ấu Thời

 

Cách đây hơn hai phần ba thế kỷ, tại một thân làng hẻo lánh, nghèo nàn, giữa miền ruộng đồng gió cát ven hữu ngạn sông Bồ, đã xuất sinh một người con trai kỳ kạ, rất kỳ lạ. Dường như người con trai ấy có mặt giữa cuộc đời không phải là để hưởng phần phước của con người, những niềm vui thế tục; nghĩa là không phải lấy vợ, sinh con, tạo lập gia sản, sự nghiệp, công danh… hoặc tiếp tục kế thừa truyền thống, nối dõi tông đường… mà chỉ mượn thân xác con người để ươm gieo hạt giống phạm hạnh vốn đã huân tu từ nhiều đời kiếp. Người con trai ấy về sau là Đại sư Trưởng lão Hộ Nhẫn, Tăng trưởng Phật giáo Nam Tông (Theravāda) Việt Nam.

Dòng dõi của Ngài thuộc quý tộc hoàng gia đã sa sút theo với hoàng hôn của triều đại, thuộc Đệ cửu hệ Tứ phòng; thế danh Tôn Thất Thuế, sinh năm 1924 tại thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Phụ thân là cụ ông Tôn Thất Tích, pháp danh Nguyên Phước; mẫu thân là cụ bà Phan Thị Cưỡng, pháp danh Nguyên Thâm, đều là Phật tử thuần thành, hiền lương, chất phác.

Ngài là con trưởng trong gia đình có 5 anh chị em: Hai trai, ba gái. Hiện tại, một trai, một gái đã mất, còn Ngài và hai người em gái đều theo Phật xuất gia. Song thân Ngài giờ đã khuất núi.

Ấu thời, Ngài có thể chất văn nhược, mảnh dẻ nhưng thông minh, sáng dạ, đặc biệt là có ý chí, nghị lực phi thường. Do căn duyên tu học nhiều đời đã hun đúc nhân cách, rèn giũa cá tính nên tuổi thơ của Ngài không được vô tư, hồn nhiên hoặc hoang nghịch như các trẻ em khác. Ngài không bao giờ mải mê chơi bắt chấu, đuổi chuồn, bắn chim, câu cá hoặc nô đùa ầm ĩ mà luôn trầm lặng, ít nói, thu rút mình lại trong đời sống nội tâm phong phú và tĩnh mịch của riêng mình.

Dầu thuộc dòng dõi hoàng gia nhưng gia đình Ngài khá thanh bần, đạm bạc. Cụ ông Tôn Thất Tích, phụ thân Ngài, vốn đọc sánh Thánh Hiền nên chuộng nếp sống điền viên, coi bệnh, bốc thuốc, cốt làm việc nghĩa cứu đời nhiều hơn là lo kế sinh nhai. Cụ bà Phan Thị Cưỡng, mẫu thân Ngài thì sống đời bình dị, săn sóc chồng con với mấy đám lúa, vồng khoai nơi thôn dã. Chính nhờ đạo đức truyền thống gia đình ấy nên Ngài được theo đòi nghiêng bút từ sở học của phụ thân, đồng thời lấy bằng Yếu Lược khi mới 10 tuổi. Bằng Yếu Lược thuở ấy tuy nhỏ mà không nhỏ đâu, có thể đọc, nói và viết được tiếng Pháp! Ba năm sau nữa, năm 1937, vừa tròn 13 tuổi, Ngài dễ dàng đỗ bằng Primaire – là cái bằng mà có thể đi làm thầy Thông, thầy Ký nở mặt danh giá với đời theo quan niệm phần đông. Nhưng Ngài thì không có ý định lập thân bằng con đường công danh, sự nghiệp. Ngài có kỳ vọng gì đó rất mơ hồ, tuy chưa có tên nhưng chắc chắn không phải là những vinh quang trần thế. Lúc hạt giống xuất trần chưa chín muồi, các yếu tố nhân duyên chưa hội đủ, Ngài muốn chăm lo việc học đề mở mang kiến thức, trau dồi hiểu biết hầu làm một con người, đúng nghĩa là một con người luôn biết vượt lên chính mình.

Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình của Ngài lúc bấy giờ không cho phép ngài thực hiện ước vọng! Nếu tiếp tục sự học để lấy bằng Thành Chung (Diplome) thì phải lên Huế trọ rất tốn kém. Vì vốn là con trưởng nên Ngài nghĩ rằng, mình phải ở nhà đỡ đần công việc với song thân, nhẹ gánh nặng cho gia đình để nhường các em tuổi ăn, tuổi học. Và hơn ai hết, Ngài thấy rõ việc làm này và sự học có giá trị ngang nhau: Là học cái đạo làm người.

Vào năm 1939, lúc 15 tuổi, Ngài được cụ Tôn Thất Cổn mời làm thư ký cho Tôn Nhơn Phủ ở Thành Nội, Huế. Do phẩm chất, tư cách, dòng dõi và sự học tương đối vững vàng, Ngài được đảm nhiệm trọng trách trông coi sổ sách, văn từ cho Thế Miếu; một công việc đòi hỏi kiến thức, hiểu biết, trình độ Pháp ngữ và nhất là sự tin cậy. Ba năm làm việc ở đây vừa có đồng lương giúp đỡ các em ăn học, vừa có cơ hội tham cứu kinh sách có sẵn ở thư viện hoàng gia.

 

II. Xuất Gia Tầm Đạo   

 

Hôm kia, duyên lành xưa trở lại, Ngài đọc một quyển sách nói về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ Đản Sanh đến Nhập Diệt. Xúc động quá, ngài tự nghĩ: “Cuộc đời vắn vỏi, sống chết vô thường, ta phải noi gương Đức Phật từ bỏ tất cả để tầm cầu Con Đường Vô Thượng. Đây mới là ước mơ chân chính trên thế gian này mà từ lâu ta hằng dự cảm,  ấp ủ sâu kín tận đáy lòng!”.

Thế rồi, năm 1942, sau khi suy nghĩ chơn chánh, Ngài rời Miếu đường hoàng gia trở lại quê nhà, vập đầu khẩn khoản, tha thiết xin song thân đi xuất gia làm hai vị rất ngạc nhiên. Con đường cơm no, áo ấm đang mở rộng, một đời sống ổn định đầy hứa hẹn trong tương lai, sao đứa con lạ thường này lại chối từ tất cả? Dẫu thương con nhưng không thể chiều theo ý con để chấp nhận “ước vọng nghịch đời”, song thân ngài thẳng thừng từ chối. Ngài rất buồn bã, tư lự nhiều ngày đêm, suy nghĩ phương kế ly thoát gia đình.

Một hôm, sau khi đã dứt khoát ý định, Ngài lặng lẽ ra bờ rào, chặt mười cây roi tre hóp, dựng sẵn cạnh bàn, lấy ghế thỉnh mời song thân ngồi hai bên, rồi Ngài quỳ mọp xuống đất, thưa rằng:

“-Thân xác con đây là do cha mẹ dày công cưu mang dưỡng dục; như vậy, thịt xương máu huyết này vốn là con đã mang trọng ân vay mượn của song thân. Trước khi rời khỏi gia đình, xuất gia, tầm đạo; con không dám mang tội bất hiếu, xin song thân cứ đánh con cho nát cả mười cây roi kia. Hy vọng rằng, một chút huyết da từ xác thân con trẻ, chỉ có ý nghĩa tượng trưng gởi trả lại một chút gì đó của sinh mạng, còn ân sâu dưỡng dục thật muôn một khó đáp đền”.

Thấy cha mẹ đăm đăm nhìn mười cây roi, rồi đưa mắt nhìn nhau bối rối, thở dài; Ngài nói tiếp :

“- Ý con đã quyết. Thưở xưa, Đức Phật lặng lẽ rời bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ… để xuất gia tầm đạo. Ngài nguyện sau khi giác ngộ rồi mới trở về cứu độ thân quyến. Con cũng muốn noi gương Ngài. Nếu cha mẹ không đánh con, nghĩa là không cho con xuất gia thì con sẽ không ăn, không uống cho đến chết”.

Biết ý chí và quyết tâm sắt đá của con, song thân Ngài đành phải rầu rĩ gật đầu cho phép.

Thế là vừa tròn 18 tuổi, người con trai nom vẻ khô gầy nhưng cương nghị ấy đã tự cạo đầu, khoác áo nâu sồng tìm đến chùa Cao Minh trong làng xuất gia tu học.

Cao Minh tự là ngôi chùa của vị quan Đô Thống, trước đây là viên võ tướng kề cận đức vua Thành Thái, sau khi hưu trí, tự lập nên để mượn câu kinh tiếng kệ di dưỡng tâm hồn lúc tuổi già bóng xế. Vị quan Đô Thống trí sự ấy không phải là vị Tỳ-khưu trong truyền thống nghiêm túc của Tăng-già; không phải là người có thể hướng dẫn Ngài con đường tu tập rành rẽ và đúng đắn được; nên Ngài phải tự mày mò tìm kiếm, tự đọc kinh sách và suy nghĩ pháp môn mà Ngài lựa chọn. Thế rồi, mỗi ngày, Ngài chỉ dùng một nắm rau sống bất kể xanh hay vàng, không có muối cùng với một bát nước trong, chẳng cần dùng thêm bất cứ đường, sữa hay thuốc men nào khác.

Năm 1945, do chiến tranh tàn phá, bom rơi, đạn lạc, thôn Thanh Lương không còn được yên ổn; Ngài cùng một số người thân cận – mà họ tự nhận là đệ tử – tìm cách tản cư. Trên đường về Huế, gặp chùa Vô Vi – nay là chùa Từ Nghiêm – là chỗ thân quen nên Ngài xin ở lại đây để tu tập. Pháp môn khổ hạnh vẫn tiếp tục duy trì và Ngài vẫn lấy hơi thở làm đề mục thiền định với cầu mong chóng được giải thoát.

Thời gian trôi qua, tính đến hôm ấy, Ngài khổ hạnh ăn rau sống uống nước lã đã gần 3 năm, thân thể Ngài chỉ còn xương và da. Khi nằm ngửa thì thấy lưng đụng tới da bụng. Khi nằm sấp thì nghe da bụng chạm xương sống lưng. Đưa tay sờ ngực và bụng, ở đâu cũng toàn là xương cả. Tuy nhiên, những giờ công phu thiền định Ngài vẫn hành trì vô cùng tinh tấn. Những đệ tử thân cận sợ Ngài chết nên ngày đêm khóc lóc. Phật tử gần xa tìm đến quỳ lạy với nước mắt dầm dề, mong Ngài mở lòng từ bi thương xót chúng đệ tử mà duy trì mạng sống. Ngài lại điềm đạm, ôn nhu, sách tấn, dạy dỗ họ:

“- Sá gì cái bao da đựng thịt, xương, máu, huyết, phẩn, đàm… hôi hám và dơ dáy này mà luyến tiếc hở các vị? Tôi đã nguyện khổ hạnh và tu tập quán thiền cho đến ngày giải thoát thì tôi phải kiên định cho đến cuối con đường. Các vị đã vì tình cảm mềm yếu ấy nên đã bị ma vương cám dỗ từ nhiều đời kiếp rồi, các vị có biết không?”

Hôm nọ, có lẽ cơ thể đã quá suy kiệt, máu huyết đã khô cạn dần, sự sống chỉ còn thoi thóp, Ngài không còn đủ sức tọa thiền nữa. Tuy nhiên, vận dụng ý chí, tỉnh giác, Ngài bỏ oai nghi ngồi quay sang oai nghi nằm mà tâm vẫn chánh niệm vào hơi thở. Ngài như bị mê lả đi một vài giây khắc và trong mơ màng, Ngài thấy có người đến lay gọi rồi nói vào tai rằng: “Thầy tu khổ hạnh vậy là không đúng đâu. Bồ Tát sáu năm khổ hạnh sai lầm, còn thầy khổ hạnh sai lầm đã hơn ba năm rồi. Khổ hạnh chỉ đưa đến cái chết chứ không đưa đến trí tuệ, giác ngộ, giải thoát được đâu. Phải trở lại ăn uống bình thường, duy trì sức khỏe cho cái thân, tu hành mới tốt được”. Tỉnh lại, nhìn quanh thấy cửa đóng, then cài, biết chư thiên hộ pháp kinh cảm nhắc nhở nên Ngài hết sức tri ân. Sau đó, có ý định từ bỏ lối tu khổ hạnh, nhưng Ngài cảm thấy rất khó xử vì lời nguyện khổ hạnh mấy năm về trước, nếu phá bỏ đi thì không những hổ thẹn với lòng mà còn bất kính với Chư Phật.

“- Có nên chăng?” – Ngài nghĩ – “phải lấy ra từ thân thể chút máu, một chút xương da; như lấy đi một phần nào của sự sống mới khả dĩ phá bỏ được lời nguyện ban đầu”.

Nghĩ xong là làm. Ngài có ý định cắt đi vài lóng ngón tay trỏ, bèn cầm con dao cạo râu khứa quanh đốt xương. Mặc dầu vết dao ăn sâu vào da thịt nhưng máu chảy rất ít, màu hồng nhạt và loãng. Xương lóng tay đã gần đứt nhưng Ngài kéo mãi không lìa ra, do sức Ngài đã quá yếu.

Cuối cùng, nghĩ ra một cách, Ngài kê ngón tay trên ngạch cửa sổ rồi dùng búa sắt đập vào. Búa thì nặng, sức tay thì run rẩy, Ngài đập hoài cũng không trúng ngón tay gãy mà lại trúng lưng bàn tay, cổ tay. Tuy nhiên, với sức nhẫn chịu phi thường, Ngài đập mãi, cuối cùng cũng trúng, ngón tay rời ra với lầy nhầy, bầm dập thịt và máu.

Do khổ hạnh 3 năm, vết thương ấy có lẽ rất đau đớn với người bình thường, nhưng đối với Ngài dường như vô nghĩa! Ngài mỉm cười rồi nói với lóng tay rằng :

“-Thưở xưa, Đức Bồ Tát của chúng ta đã từng lóc da, lóc thịt, hy sinh cả sanh mạng để tu tập công hạnh Ba-la-mật; thì hôm nay, tôi chỉ là người sơ cơ học đạo, hy sinh lóng tay chút xíu này hầu xác định cho mình một hướng tu học đúng đắn, thì cái giá này âu cũng còn là quá rẻ”.

Thế rồi, cầm chặt vết thương, Ngài lần ra vườn, dùng rau má nhai dập với muối rồi lấy giẻ buộc lại ngón tay cho mình. Ngài lại tự khuyến, tự giáo :

“- Đúng là phải làm như vậy. Muối xát vào vết thương, ai không đau! Nhưng càng đau, ta càng nhủ với lòng rằng: Cái đau của vô minh, ngu si, điên đảo; cái đau của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; cái đau của luân hồi sinh tử còn cả ngàn lần thống khổ, kinh khiếp hơn”.

Vì không có dinh dưỡng, thuốc men, ngón tay này mấy tháng sau mới liền da. Có điều lạ lùng, rất lạ lùng, rất linh thiêng và huyền nhiệm; là trên đầu ngón tay cụt, đốt xương giữa hiện thành đốm tròn vàng vàng; và thịt da xung quanh dần dần teo lại thành hình dạng năm cánh hoa sen đều đặn, màu hồng hồng! Chính cái bông sen hồng nhụy vàng này là sứ giả của Chư Phật hằng ngày ở bên Ngài, sách tấn Ngài, làm cho Ngài không bao giờ dám buông lơi chánh niệm, thiền quán; mãi giữ trọn thân tâm luôn luôn trong sáng và tĩnh lặng suốt trong tháng năm trường tu tập. Từ đây, Ngài bắt đầu dùng buổi ngọ trai bằng hai chén cơm lửng, muối dưa chay đạm với một bát nước trong.

Vào năm 1947, lúc 23 tuổi, nghe tin ở Huế có Ôn ([1]) Hòa thượng Châu Lâm đạo cao đức trọng, Ngài tìm đến để xin thụ giáo. Ở đây được 2 năm rưỡi, Ngài được Ôn Hòa thượng Châu Lâm tận tình hướng dẫn kinh, luật chữ Hán, sau đó, thọ Sa-di giới. Nhờ khiêm nhu, đức hạnh, tu hành tinh tấn nên Ngài được thầy thương, bạn mến, gần xa nhiều người kỉnh mộ.

 

III. Thọ Đại Giới Và Dự Hội Nghị Kết Tập Tam Tạng

 

Vào đầu thập niên 50, Phật giáo Nguyên Thủy đã có mặt ở miền Trung. Các ngài Hộ Tông, Bửu Chơn, Giới Nghiêm lần lượt đã có mặt tại Đà Nẵng để hoằng pháp. Ngài Giới Nghiêm thì thường xuyên hơn. Thế rồi, một cơ duyên đến đã làm thay đổi, chuyển hướng cuộc đời tu sĩ của Ngài.

Ngài Giới Nghiêm trong một chuyến về Huế thăm viếng song thân cùng quyến thuộc ở làng Giạ Lê; sau đó thăm thú và đàm đạo với các vị lãnh đạo Phật giáo Huế thời bấy giờ như Ôn Hòa Thượng Linh Quang, Ôn Hòa Thượng Châu Lâm, Ôn Hòa Thượng Trúc Lâm, Ôn Hòa Thượng Từ Đàm… Và tại chùa Châu Lâm, lần đầu tiên, ông thầy khô gầy, tha thiết cầu đạo của chúng ta cảm thấy xúc động mạnh khi trông thấy Ngài Giới Nghiêm: Từ tăng tướng phẩm mạo đoan trang, hình dong khí sắc hiền hòa, đẹp đẽ… đến y bát chân truyền thanh cao, thoát tục… đều hoàn toàn lôi cuốn tín tâm của thầy…

Ngài thầm nghĩ rằng: “Đây chính là con đường mà từ lâu ta hằng tìm kiếm. Đây mới chính là hình ảnh Đức Phật và Chư Tăng một thuở xa xưa nào ở kinh thành Xá Vệ. Con đường này hợp với chí nguyện và sở thích của ta”. Năm ấy Ngài vừa tròn 26 tuổi.

Thế rồi, một hôm tờ mờ sáng, khi sao mai vừa mọc, Ngài lặng lẽ rời ngôi chùa Châu Lâm thân yêu; hành lý vỏn vẹn mấy bộ áo quần, một số kinh sách bỏ trong 2 cái rổ, lấy lá chuối phủ lên rồi nhờ bà Chiêu gánh lên ga Huế. Vào Đà Nẵng, đến chùa Tam Bảo – lúc ấy chỉ mới là cái cốc lá – gặp Ngài Giới Nghiêm, xin tu theo Phật giáo Nguyên Thủy. Ngài Giới Nghiêm đưa đôi mắt hiền hòa nhìn vị tu sĩ mảnh dẻ, vừa điềm đạm vừa uy nghiêm nói :

– Theo luật, phải tha thiết quỳ xin Thầy Tổ ba lần, nếu Thầy Tổ không cho vẫn có quyền ra đi. Thầy đã làm như vậy chưa?

Ngài cúi đầu, nhỏ nhẹ:

– Dạ thưa, vì tình cảm giữa thầy và trò sâu nặng quá nên không dám xin. Và nếu có xin chắc chắn Ôn Hòa Thượng cũng không cho!

Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy ý chí kiên quyết và sự thành khẩn của Ngài, Ngài Giới Nghiêm bằng lòng, cho ở liền bên cạnh để sớm hôm hướng dẫn Kinh, Luật Pāḷi.

Vào năm 1952, Ngài Giới Nghiêm mời thỉnh Trưởng lão Thiện Luật làm thầy thế độ cho Ngài xuất gia Sa di, vì Ngài Giới Nghiêm chưa đủ 10 hạ Tỳ-khưu, Và từ đây, Ngài được mang y bát chân truyền, ngày ngày khất thực, thiền định vô cùng tinh tấn.

Cũng trong năm này, Ngài được tháp tùng Trưởng lão Bửu Chơn đi Miến Điện dự Hội nghị Liên Hữu Phật giáo lần thứ III; sau đó được dự Đại hội Kết tập Tam Tạng Thánh điển Pāḷi lần thứ VI tại Rangoon. Chư vị tôn túc Trưởng lão như ngài Bửu Chơn… chỉ dự lễ khai mạc. Ngài Hộ Giác, Pháp sư Thông Kham và ngài đều ở lại.

Vào ngày 29 tháng 12 năm 1955, 50 Sa-di các nước Việt, Miên, Lào, Nhật, Tích Lan, Ấn Độ trong đó có Ngài – được thọ cụ túc giới tại thạch động Pirimangalā (2) cho đủ số Tăng hội 2.500 vị Tỳ khưu. Thầy tế độ là Đại Trưởng lão Thánh Tăng Pokokku Sayadaw, đương nhiệm Pháp chủ Chứng minh Tối cao Đại hội Kết tập Tam tạng Thánh điển. Cũng là kỳ duyên hy hữu nữa, hai bậc Cao Đức Tôn giả vấn đáp trong Đại hội Kết tập Tam tạng là Pháp sư Nandāvamsa, tinh thông Pháp học (thuộc lòng Tam Tạng) và Thiền sư Mahāsī Sayadaw, tinh thông Pháp hành; là hai vị Thầy Yết-ma và Giáo thọ A-xà-lê của Ngài. Tăng hội hôm ấy là 2.450 vị Tỳ khưu, trong đó có 300 bậc thạc đức, cao Tăng của thế giới chứng minh.

Ôi! Dường như tất cả mọi duyên phước trọn lành, cao cả và mầu nhiệm của thời mạt pháp dành cho người chân tu đức hạnh đều có mặt đầy đủ để chứng minh, sách tấn cho vị tân Tỳ-khưu đã có sẵn căn duyên phước huệ từ nhiều đời.

Còn nữa, cũng trong năm tháng ấy, Ngài còn được học thiền Vipassanā với Thiền sư Mahāsī Sayadaw nổi danh đương đại. Chỉ mới mấy hôm trình pháp, Thiền sư Mahāsī Sayadaw đã ngạc nhiên hỏi :

-Tại sao Sư theo dõi và nắm bắt hơi thở nhanh và thuần thục đến như vậy?

Biết không giấu được đôi mắt sắc bén của vị Đại Thiền sư, Ngài thành thật lắp bắp kể lại, rằng Ngài đã niệm hơi thở cách đây trên dưới mười năm. Mặc dầu ở Bắc Tông, được học kinh Kim Cang, Pháp Hoa; tụng đọc chú Lăng Nghiêm, Đại Bi; niệm Phật A Di Đà; nhưng khi ngồi thiền, Ngài vẫn thầm niệm hơi thở, quán thân, thọ, tâm, pháp… và chú trọng nhất là cảm thọ!

Đại Thiền sư Mahāsī Sayadaw cất tiếng “Sādhu” mỉm cười hoan hỷ rồi không ngớt khen ngợi. Sau đó, cho ở liền cái cốc bên cạnh, là chỗ ưu ái nhất, không dễ gì một tân Tỳ-khưu lại có được cái vinh dự ấy.

Năm 1957, Ngài thỉnh được Xá Lợi Phật, Xá Lợi Chư Thánh Tăng và Tam Tạng Pāḷi về nước. Đến sân bay Đà Nẵng, Chư Tăng và thiện tín đă túc trực sẵn để cung nghinh Tam Tạng và Xá Lợi về chùa Tam Bảo. Hiện giờ, Tam Tạng Pāḷi Miến đang còn được thờ ở chùa Tam Bảo và chư Xá Lợi được tôn trí tại Thiền Lâm Thánh tháp.

 

IV. Trì Bát Đầu-Đà Và Tu Mật Hạnh

 

Vào năm 1958, vì nhu cầu Giáo hội Tăng-già Nguyên Thủy Việt Nam, Ngài rời Tam Bảo Tự, Đà Nẵng về trụ trì chùa Tăng Quang, Gia Hội, Huế. Ở đây, Ngài tiếp tục trì bát đầu-đà và tùy duyên hóa độ chúng sanh. Tuy nhiên, vì hạnh độc cư thiền định không thích hợp chỗ đông người nên năm 1960, Ngài xin phép Giáo hội rời chùa Tăng Quang lên đồi Quảng Tế, thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, lập cốc nhỏ giữa tha ma mộ địa vắng người để tu hành.

Thế rồi, hình ảnh nhà sư nhỏ nhắn, đầu trần chân đất, y áo cà-sa vàng mỏng manh, không ngại nắng mưa, chẳng quản giá rét, đều đặn khất thực trước cửa nhà của những thôn xóm quanh vùng, lần hồi thu phục tín tâm và lòng kỉnh mộ của mọi người; không kể tông phái, lương hay giáo. Dù một vá cơm, củ sắn, một ly chè, vật thực nêm nấu mặn hay lạt, ngọt hay chua… Ngài đều hoan hỷ thọ nhận với nụ cười trong ánh mắt, với lời chúc phúc bình dân, giản dị nhưng vô lượng tốt lành. Đã hàng chục năm như thế, dường như Ngài chưa bỏ quên một buổi khất thực nào. Có vật thực rồi, Ngài rút vào cốc vắng, đoan nghiêm quán tưởng, trộn lẫn tất cả thức ăn lại với nhau, chánh niệm thọ dụng rồi cầu nguyện an lành cho tất cả thí chủ, chúng sanh…

Do nhu cầu nghe kinh, nghe pháp, lễ bái, cúng dường, Thiền Lâm Thánh tháp được xây dựng vào năm 1961, theo kiểu dáng thạch động Pirimangalā, Rangoon, Myanmar – để tôn trí Xá Lợi Phật và Xá Lợi Chư Thánh Tăng.

Năm 1963, xây dựng tượng đài Phật Niết-bàn.

Năm 1968 (Mậu Thân) bom rơi đạn lạc, chùa bị hư hại nặng, cho đến năm 1970 mới tái thiết chánh điện như hiện nay.

Năm 1971, xây dựng tượng đài Phật trì bình. Năm 1972 đúc đại hồng chung…

Cũng từ năm 1965, Ngài cho thụ giới Sa-di các sư Hộ Tâm, Hộ Pháp; và sau đó là các sư Hộ Tín, Hộ Tịnh. Tiếp đến, năm 1967 là các sư Sa-di Hộ Chánh, Tâm Lạc. Năm 1972, ngài cho sư Định Lực thọ giới Sa-di, 5 tháng sau truyền thêm cụ túc giới .

Về phía tu nữ, Ngài cũng thâu nhận quý cô Từ Niệm, Từ Minh, Từ Nguyện, Từ Ngọc, Từ Nguyên, Tâm Huệ…

Cuối thập niên 80, Ngài tự nghĩ: “Bây giờ đệ tử chừng ấy là vừa đủ. Hai hàng cư sĩ áo trắng chừng ấy cũng là vừa đủ. Xây dựng chùa tháp, nhà giảng, cốc liêu, tượng đài… chừng ấy cũng là vừa đủ. Bao nhiêu năm qua, ta làm hạt bụi theo chân của Đức Mahā Kassapa (Đại Ca Diếp) bậc thọ trì 13 pháp đầu-đà bậc thượng, ta đã làm được gì? Dẫu là hạt bụi nhưng đã xứng đáng với hạt bụi ấy chưa?”

Rồi Ngài tự xét rằng: “Ta chỉ thọ trì 3 y, dầu đông lạnh, mưa gió, rét buốt ta cũng không mặc áo che tay, không áo len, mũ len, tất ấm; nhưng ngài Kassapa chỉ mặc y lượm nghĩa địa, vải dơ, vải rách người ta quăng bỏ. Ta suốt đời chỉ ngủ nghỉ giường cứng, chỗ không có bông, đệm; nhưng Ngài Kassapa thì trên đất, trên giường cây thô ráp. Ta khất thực ăn xin từng nhà, giữ tâm bình đẳng, có ai để bát sau ta cũng thọ nhận; nhưng Ngài Kassapa chỉ thọ trì một bát và chỉ nâng đỡ những người nghèo khổ nhất. Ta chỉ thọ thực trong bát, Ngài Kassapa cũng vậy; nhưng Ngài có thể húp nước cháo chua, nước mã thiu ôi để cách đêm vì lòng từ vô lượng của Ngài đối với chúng sanh. Còn ta, dầu thức ăn trộn lẫn để không có mùi vị, nhưng đa phần thuộc vật thực quý trọng. Ta chọn chỗ tha ma mộ địa, nhưng dẫu sao ta cũng ở chỗ có mái che; còn Ngài Kassapa chỉ ở dưới cội cây, nghĩa địa nơi không có mái che!

Ta suốt đời không nghe đài, không đọc sánh báo, chỉ đọc Kinh và Luật, nhưng việc tọa thiền thường bị gián đoạn vì đồ chúng trăm việc hỏi han; dẫu không muốn nghe nhưng cũng lọt vào tai những chuyện vô ích, vô bổ, phù phiếm. Một gốc cây đại thụ sum suê cành lá thường lôi cuốn hằng trăm, hàng ngàn chim chóc đến làm tổ; thời gian sau, cây đại thụ kia cũng tàn tạ, xơ xác. Một vị Tỳ khưu trụ trì một ngôi chùa thường bận rộn việc chùa, việc đồ chúng cũng y như vậy. Đức Phật đã dạy thế rồi…”.

Càng suy ngẫm, Ngài càng thấm thía lẽ đạo, lẽ đời. Nên năm 1988, Ngài nguyện “tịnh khẩu” 3 năm. Ngài biết rất rõ, pháp môn tịnh khẩu này chỉ là phương tiện tạm thời để tránh mọi giao tiếp, hỗ trợ thêm cho tâm dễ khắng khít liên tục vào đề mục thiền tham, giúp cho mật hạnh của Ngài thêm thuần thục, phát triển. Tuy nhiên, khi có công việc cần thiết, Ngài cũng viết ra giấy mấy chữ, mấy lời. Chẳng ai hiểu rõ mật hạnh của Tôn giả Rāhula là gì, mật hạnh của Ngài cũng ẩn kín, sâu nhiệm như thế. Nhưng sau ba năm tịnh khẩu, Phật tử ở nước ngoài thường biên thư hoặc về kể lại, khi Ngài cầu an hoặc cầu siêu cho ai đó đều được cảm ứng và linh nghiệm. Người bệnh cảm nhận một luồng khí mát mẻ, an lạc chảy tuôn tràn khắp cả cơ thể. Đôi người thấy bóng Ngài đứng ở đầu giường với nụ cười hoan hỷ. Thân nhân người qua đời thấy họ về báo là đã được siêu sanh. Những biến cố tai nạn chợt dưng qua khỏi như có phép mầu nhiệm… Chuyện mới đây thôi, là anh Trung, tài xế hay chở Ngài đi đây đi đó, người có tài ăn nói, miệng lưỡi huyên thuyên… chẳng sợ trời sợ đất là gì… mà cũng sợ Ngài, vừa sợ vừa kính. Trung kể: “Sư biết không, con đang ngủ say, Ngài hiện ra, nói: Trung, đừng ngủ nữa, dậy đi con. Trong mơ màng, con đáp: Bạch Ngài, để cho con ngủ chút nữa! Lát sau, Ngài lại gọi. Sau đó, con thức dậy thì nước lụt đã ngập đến chân rồi!”

Và còn cả hàng chục chuyện tương tự như thế về phép lạ của Ngài.

Không ai hiểu Ngài thiền định bậc gì, thiền tuệ ra sao, cả tứ vô lượng tâm, thần thông hoặc mật hạnh nữa… nhưng điều dễ dàng nhận biết là “có cái gì đó” ở nơi Ngài tỏa ra. Càng lớn tuổi, khí sắc của Ngài càng tươi trẻ, hồng nhuận. Ngài dường như luôn có nụ cười “tiếu sinh tâm”. Ai tiếp xúc hoặc đặt bát cho Ngài đều cảm nhận được sự mát mẻ, an lành. Ai thỉnh đi đâu Ngài cũng đi, chẳng kể giờ giấc nào. Chẳng bao giờ thấy Ngài than phiền điều gì hoặc tỏ ra mệt mỏi. Rất nhiều lần ở Bửu Long, Viên Không; các sư thị giả, “bắt” Ngài nghỉ ngơi, “cấm” Phật tử mời thỉnh; sau đó chợt phát hiện Ngài “lén” đi thăm chỗ này chỗ kia giữa trời trưa nắng. Các Sư bẩm bạch than phiền rằng là, Phật tử “hành” Ngài quá; Ngài mỉm cười: “Không can chi mô Sư nờ, thăm họ chút kẻo tội”.

Thế đó! Ôi! Vi diệu và huyền nhiệm xiết bao! Trước đây vì sợ đồ chúng và thế gian làm phiền nên Ngài tịnh khẩu, tu mật hạnh! Nhưng sau 3 năm tịnh khẩu, Ngài lại tình nguyện để cho đồ chúng và thế gian làm phiền một cách vô ngại! Dù cả ngàn lần từ vô trần, vô nhiễm cũng không bằng phong cách thể hiện cụ thể từ chính bản thân sống Thiền của Ngài. Dù văn chương cửa thiền có nói hay ho về một bậc đạt ngộ xuống đời là “Nhập lâm bất động thảo, nhập thủy bất lập ba”(3) cũng hàm tàng chừng ấy giá trị mỹ học mà thôi! Hay chính Ngài đã thể hiện trọn vẹn và sống động câu thơ tuyệt vời ấy trong đời mình?

Còn nữa, Ở Huế ai cũng biết bác Siêu và nhóm từ thiện của bác ấy. Là bậc xuất gia, Ngài làm trọn phận sự xuất gia, tu hành không mệt mỏi; là cư sĩ tại gia, bác Siêu làm việc từ thiện xã hội cũng không mệt mỏi. Ai ở cương vị ấy và thể hiện chức năng của mình rất toàn mãn. Cái tình thầy trò và cái tình đạo ấy kéo dài gần nửa thế kỷ. Nhóm từ thiện bác Siêu thường thỉnh Ngài đi chứng minh hoặc đi thuyết pháp đó đây. Mỗi độ giáp Tết, ai cúng dường bánh chưng, bánh tét, bao nhiêu Ngài cũng thọ nhận hết. Thọ nhận nhưng Ngài không dùng, Ngài để dành rồi gọi nhóm từ thiện bác Siêu lên, nhờ đem đến cho những người nghèo khổ ở bệnh viện hoặc ở các vùng xa xôi. Việc làm ấy đã trở thành thông lệ hằng năm vậy.

 

V. Nhận Lãnh Trách Niệm Giáo Hội

 

Năm 1975, đất nước thống nhất. Nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử là phải thống nhất Giáo hội mới có đủ cơ duyên phụng sự đạo pháp hiệu quả hơn. Năm 1981, Đại hội Phật giáo toàn quốc được long trọng tổ chức tại thủ đô Hà Nội gồm 9 tổ chức Tông  phái, Hệ phái Phật giáo trong đó có Hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.

Năm 1982, Đại hội thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Trị Thiên, Ngài được vào hàng Giáo phẩm Chứng minh Tỉnh Giáo hội.

Tháng 11 năm 1997, tại Đại hội kỳ IV Phật giáo toàn quốc, Ngài được cung cử vào Thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN và Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Năm 1998, Ngài được toàn thể Chư Tăng và Phật tử PGNT suy tôn lên ngôi vị Tăng trưởng do đạo hạnh thanh cao, pháp lực nghiêm minh và giới luật tinh khiết của Ngài.

Suốt mấy năm trường, vì công việc của Giáo hội, nhu cầu của Hệ phái, Ngài ra Bắc, vào Nam dự Đại hội hoặc đi thăm thú các chùa đó đây luôn luôn với nụ cười hoan hỷ. Gặp Chư Tăng hay Phật tử, bao giờ cũng sách tấn việc tu hành với lời lẽ giản dị, từ hòa. Ngài thường hay nhắc nhở đến ân chúng sanh, ân xã hội; và sự đoàn kết, hòa hợp, thương yêu nhau đừng phân biệt tư kiến, tông thừa…

Và điều đặc biệt nhất, tối thắng và ưu việt nhất là nhờ “thân giáo vô ngôn” từ nơi Ngài mà uy đức của Ngài ngày thêm sáng rỡ. Chư vị tôn đức, các bậc giáo phẩm, chức sắc Giáo hội và Chính quyền dường như ai cũng cảm mến Ngài. Chư Tăng và Phật tử không kể Nam, Bắc tông; quần chúng không kể lương hay giáo, ai ai cũng kỉnh mộ và thương mến Ngài.

 

VI. Liễu Ngộ Sanh Tử

 

Chư Tăng và Phật tử thân cận, ai cũng biết năm 2002 Ngài sẽ xả báo thân. Do đức khiêm tốn, Ngài thường nói rằng: “Có sinh ắt có tử. Đức Phật Niết-bàn năm 80 tuổi, nên Sư muốn ra đi với tuổi thọ sau Đức Phật chút ít”. Biết lời nguyện của Ngài nên đầu Xuân 2002, một số Phật tử đứng ra tổ chức mừng thọ Ngài. Dịp này, Chư Tăng và Phật tử đồng quỳ xin Ngài xả bỏ lời nguyện, trụ thế một thời gian nữa để cho chúng đồ có nơi nương tựa. Ngài chẳng gật đầu, chẳng lắc đầu, chỉ mỉm cười nói: “Thôi thì để tùy duyên”.

Hỡi ôi! Hóa ra tùy duyên là vậy. Hóa ra, tùy duyên là đúng như câu kệ của Tôn giả Sāriputta :

“- Sự sống chẳng đeo níu

Sự chết có lo chi

Còn duyên, thời thì ở

Hết duyên, thời thì đi

Chẳng hy cầu, tham luyến

Tùy hữu vi, vô vi ”.

Thế cho nên, gần 80 tuổi, sức khỏe Ngài vẫn tốt. Nắng mưa, sương gió, Ngài vẫn đều đặn khất thực trong xóm làng, hang cùng ngõ hẻm, không bỏ một buổi nào. Suốt đời Ngài không uống thuốc, dẫu thuốc Tây, thuốc Bắc hay thuốc Nam mà thân thể càng trọng tuổi càng khương kiện. Ngài ra đi không cảm mạo, không một giờ nằm bệnh. Như ngọn đèn, gió thổi qua là tắt. Có lẽ nào, lời nguyện trước đó, Ngài chẳng cần phải dụng tâm hóa giải làm gì, cứ tùy duyên đành đoạn như vậy sao?

Một hai tuần lễ trước khi Ngài ra đi, Ngài thường nói chuyện với vài gia đình Phật tử thân cận: “Năm ni, chưa biết Sư đi khi mô đó nghe, ráng tu hí”. Còn cách đấy một tuần, có người lên chụp hình, Ngài nói: “Ừ! Ông chụp cho đẹp rồi ‘in’ cho nhiều nhiều hí”. Lúc còn cách ba ngày, một Phật tử muốn chụp chân dung Ngài, Ngài cũng bảo: “In cho nhiều nhiều để phát cho Phật tử”.

Có một sinh viên trọ học ở Huế, rất có tín tâm thường hay để bát cho Ngài. Đêm kia nằm mộng thấy Ngài bị tai nạn rồi lâm chung. Sợ hãi quá, sáng ngày hớt hãi đạp xe lên thăm Ngài. Gõ cửa, Ngài mở. Thấy Ngài vẫn bình thường, sung sướng quá, cậu sinh viên quỳ lạy rồi khóc nức nở kể lại giấc mộng dữ. Ngài điềm nhiên và từ ái chỉ dạy: “Con ạ! Sống chết thường thôi! Thưở xưa, Đức Moggallāna (Mục Kiền Liên) dẫu là bậc Đại Thánh Tăng mà khi nghiệp dữ đến cũng không tránh được. Sư có bị tai nạn mà ra đi như giấc mộng của con thì cũng là chuyện bình thường”.

Ni cô Tâm Huệ, đệ tử của Ngài, đại thí chủ dâng y năm nay, sau này kể lại: “Bạch Sư! Con vô tâm vô tứ, u mê hết sức. Trong mùa an cư này, Ngài nói rất rõ ràng, Ngài nói cả mấy lần mà tâm trí con cứ để đâu đâu”. Ngài nói: “Cô hỉ! Năm ni, lễ ra hạ không có mặt Sư cũng không can chi mô nghe! Không có Sư thì còn có Chư Tăng, phước báu dâng y cũng tốt đẹp như rứa thôi!”

Chỉ cách giây phút xả báo thân mấy ngày, sau khi bước ra khỏi nhà lễ tang của ông thân cô Từ Nguyện, Ngài nói lần thứ ba với cô Tâm Huệ như thế. Và buổi sớm trước giờ đi khất thực cuối cùng, ngài nói với mọi người: “Sáng ni, khoảng 9 giờ, Sư chưa về là Sư đi luôn đó nghe!”

Ôi! Còn gì rõ ràng hơn thế nữa! Các bậc đạt ngộ, các bậc chân tu đức hạnh thường liễu ngộ sinh tử; và các vị có năng lực thiền định thường biết trước ngày giờ xả bỏ báo thân của mình, ấy là điều hiện thực.

Vào lúc 8 giờ sáng, ngày 7 tháng 9 năm Nhâm Ngọ, khi đang trên đường khất thực thường lệ mỗi sớm mai, với dáng đi chậm rãi, ung dung, thanh thoát… một biến cố vô thường xảy ra. Một tai nạn đã đến với Ngài. Cả xóm hay tin, chấn động, bàng hoàng đổ xô đến. Các Thầy, các sư cô mấy chùa lân cận đã có mặt kịp thời. Bị té nặng, dẫu máu ra nhiều, nhưng Ngài rất bình tĩnh. Thấy cậu thanh niên trực tiếp gây tai nạn có vẻ hốt hoảng, sợ hãi, Ngài xua xua tay như cố ý nói: “Không có chi mô, ông đi đi!”. Sư cô Huệ Mãn, chùa ở gần, kịp thời lấy tấm y mới, trao cho thầy Minh Chính phủ lên, kể rằng: “Con thật có phước, khi con khóc lóc quỳ lạy Ngài ba lạy, con thấy Ngài mỉm cười với con”.

Vâng, Ngài mỉn cười – đấy phải chăng là nụ “tiếu sinh tâm” của bậc Thánh? Sau đó, Ngài xoay người lại, vừa lấy tay bịt vết thương sọ não, vừa gối đầu nằm nghiêng tương tự tư thế Đức Phật Đại Bát Niết Bàn! Và chỉ vài phút sau là Ngài chánh niệm chấp dứt hơi thở, thần sắc an nhiên, tươi tỉnh…

Ôi! Một ngọn núi vô danh nhưng có một nhân cách tu hành kiệt xuất đến ở thì ngọn núi kia cũng trở nên hữu danh ! Một miền cây cỏ bình thường nhưng nếu có một loài hoa kỳ lạ xuất sinh thì cả không gian ấy đều được thơm hương.

Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, sau khi các bậc thạc đức, cao Tăng ra đi, tùng bách thiền lâm lần hồi thưa bóng, nhưng cuộc đời và hành trạng của Đức Tăng Trưởng quả là tàn xanh đại thụ tỏa bóng mát sau cùng cho hết thảy Tăng tín đồ hậu tấn.

Trời đất không nói gì mà trời thì cao, đất thì dày. Hư không không nói gì mà hư không lại che chở bao dung vạn loài. Năm mươi năm qua đi, giữa đất Thần kinh văn vật, vốn là thủ phủ của Phật giáo Việt Nam; Ngài chỉ im lặng và trì bình khất thực, sống đời vô sản bần hàn; im lặng, cô liêu thiền duyện mà để lại một gia tài tinh thần vô giá, như một vầng trăng sáng dịu giữa cuộc đời và giữa lòng người.

Ôi ! Thiếu vắng Ngài thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam thưa thớt một tàn cổ thụ; Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam mất đi một bậc chân tu, giới luật tinh khiết, mật hạnh bất khả tư nghì, bậc khổ hạnh đệ nhất đầu-đà tam y nhất bát… không gì so sánh nổi, không ai thay thế được. Và tín đồ mất đi một vị cha lành, bao la uy nghiêm và từ ái mà thế gian hằng kỉnh mộ, tôn thờ.

 

(Trích tư liệu Ban tổ chức Tang lễ)